CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Thứ bảy - 27/04/2024 19:56
Hình ảnh cây nho được Đức Giêsu dùng trong bài tin mừng Chúa nhật thứ 5 phục sinh, là một biểu hiện gần gũi nhưng rất tinh tế cho tình hiệp thông.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15, 1-8).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Sau khi Đức Giêsu sống lại, được Thiên Chúa Cha trọng thưởng trong vinh quang Nước Trời, đồng thời, Chúa Thánh Thần khởi đầu cho một chương trình cứu độ mới của Thiên Chúa, từ đây, tính hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa luôn được đề cao, hơn nữa, mối tương quan giữa các tín hữu trong cộng đoàn luôn là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển của Giáo hội, của cộng đoàn dân Chúa. Hình ảnh cây nho được Đức Giêsu dùng trong bài tin mừng Chúa nhật thứ 5 phục sinh, là một biểu hiện gần gũi nhưng rất tinh tế cho tình hiệp thông. Sự liên kết giữa các cành trong một cây nho giúp cho cây nho tồn tại, phát triển và sinh nhiều hoa thơm quả ngọt, đó là lúc nó đang thực hiện trọn vẹn chức năng và bổn phận của nó là cho những trái nho thơm ngon và ngọt.

Câu chuyện trở lại của thánh Phaolô luôn gây ấn tượng cho người tín hữu về thái độ sống đạo. Thánh nhân được gọi trên đường Da-mas, sau khi được Đức Giêsu phục sinh chữa lành qua những sứ giả, thánh nhân bắt đầu sứ vụ của mình trong sự ngạc nhiên của các đồng môn: “Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào”. Cuộc thay đổi của thánh Phaolô luôn được coi là một sự thay đổi về luân lý, về tính cộng đoàn, nhưng thực chất, đó là một cuộc trở lại với một con người, một Đấng có tên gọi là Giêsu, thánh nhân đã có cái nhìn không tích cực với con người này khi ngài chưa được gọi, nhưng sau khi được gọi, thánh nhân đã sống hết tình, hết mình và hết trái tim của mình với con người đó. Tính hiệp thông giữa Đấng phục sinh với ngài được thánh nhân xây dựng bằng sự hòa trộn giữa sự sống của Đấng phục sinh và sự sống của ngài: “tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kito sống trong tôi”.

Với thánh Gioan Tông đồ, tình yêu không cần phải dùng lời nói để diễn đạt, bởi khi có tình yêu, cả hai sẽ hành động vì người mình yêu, cả hai sẽ sống vì người mình yêu và cả hai sẽ sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu, và đó là tình Chúa yêu tôi: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự”. Nếu ai yêu mến Thiên Chúa, hãy dùng cuộc đời của mình để diễn đạt tình yêu đó, hãy họa lại khuôn mặt sống động của Ngài nơi cuộc đời mình, hãy để cho Ngài được đồng hành, được chia sẻ, được giúp đỡ và được làm việc với mỗi người hàng ngày. Đó là lúc tình Trời được lên ngôi, tình người được sưởi ấm.

Một lần nữa được nghe Đức Giêsu nói về căn tính của mình với hình ảnh của một cây nho. Cây nho sẽ đem nhựa sống tới cho từng cành nho, cho từng chùm nho, ngược lại, nó cũng sẽ đem hơi thở và sự sống từ những chiếc lá nhỏ trở về thân cây, trở về với cội nguồn: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy”. Mối liên hệ giữa cây nho và cành nho là mối liên hệ sinh tử, mối liên hệ sự sống còn. Thiên Chúa muốn gắn bó với con người bằng sự sống của chính Ngài, hơn nữa Ngài còn muốn con người gắn bó với Ngài để được sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời. Thiên Chúa mong muốn thế, còn phía con người, khi gắn bó với Ngài mỗi người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới cho sự sống, từ đây, con người có thể sống cho, sống cùng và sống với Thiên Chúa mỗi ngày.

Sau khi sống lại, Đức Giêsu không bao giờ trách cứ các học trò mình về sự yếu đuối hay thái độ vô cảm, nhưng mỗi ngày, Ngài luôn ở bên cạnh họ, nâng đỡ, động viên và giúp họ thay đổi cuộc đời, từ sự cố gắng thay đổi, họ sẽ được gắn bó với một Thiên Chúa đã và đang cúi xuống với họ. Vì thế, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho như một chiếc máng chuyển thông sự sống và tình yêu cho các học trò của mình, cho những ai tin nhận và gắn bó với Ngài. Thiên Chúa dùng nhiều cách thế khác nhau để đưa con người trở về ngôi nhà đích thực, có khi Ngài ví von mình là người mục tử để chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên, có khi Ngài ví mình như là nguồn mạch sự sống, để tiếp thêm nguồn năng lượng cho con cái, có lúc Ngài ví mình là một thân cây, chấp nhận hủy mình để trở thành dưỡng chất giúp cho các cành nho sinh nhiều hoa trái tình yêu.

Khi cây nho cố gắng oằn mình mỗi ngày đem nguồn sống đến cho từng cành cây, cho từng tấm lá nhỏ, thì mỗi cành lá, mỗi chùm trái cũng phải cố gắng mở rộng cánh cửa lòng nhân ái, để tiếp nhận nguồn sống từ thân cây. Mở rộng cánh cửa mỗi ngày để cho nguồn sống được đi vào từng thớ thịt của cành cây, được tới nơi những tế bào diệp lục của tấm lá, tất cả sẽ cùng làm việc trong tình liên đới, tạo nên những hạt sự sống mới cho chiếc lá xanh, cho từng cành cây nhỏ, cho cả thân cây và từng cái rễ âm thầm. Thứ đến, có những cành cây cần phải cắt tỉa để đem lại lợi ích cho những chùm trái. Việc cắt tỉa là loại bỏ, có thể là một sự tổn thương lớn, có thể đụm chạm vào tính liên đới sự sống, vì thế, cần có sự can đảm để chấp nhận, cần có sự hy sinh để cho hoa trái tình yêu được đơm bông kết trái nhiều hơn. Đó mới thực sự là một sự hy sinh cho tình yêu và đó mới là bản chất của một tình yêu đích thực.

Lạy Chúa, hình ảnh cây nho được Chúa dùng để diễn tả tình liên đới sự sống, liên đới tình Trời, qua đó, Chúa muốn được gắn bó với con người và con người cần phải gắn bó với Chúa, xin giúp chúng con hiểu được nếu không có thân nho gồng mình đem nhựa sống đến, thì mỗi cành cây làm sao có nhiều trái thơm quả ngọt, xin giúp chúng con luôn cố gắng làm tròn bổn phận của một chiếc lá, một cành cây bé nhỏ, để có nhiều hoa trái của tình yêu được nở rộ, để có nhiều sức sống cho mỗi chiếc lá và toàn thể cây nho. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây