Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 27-38)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
Suy niệm
Trước khi về trời, Đức Giesu đã căn dặn các Tông đồ, các môn đệ cũng như cộng đoàn Giáo hội ban đầu, hãy yêu thương nhau như anh em trong cùng một mái nhà. Lời nhắc đó được coi là dấu chỉ để mọi người nhận biết ai là môn đệ của Thầy Chí Thánh. Nhắc đến tình yêu thương, con người luôn hướng về Thiên Chúa, Đấng được gọi là nguồn cội của tình yêu và cũng là chủ thể của tình yêu. Phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giesu đi vào lịch sử nhân loại để cứu độ con người, tình yêu đã vượt qua mọi giới hạn của nhân loại, vượt qua mọi rào cản của sự chết, tình yêu đưa con người đi vào một quỹ đạo mới, trong quỹ đạo đó, con người sẽ được tình yêu như là kim chỉ nam hướng dẫn trong mọi sinh hoạt, mọi tương quan, để hoàn thiện chính mình như Thiên Chúa mong muốn, để xây dựng một đại gia đình huynh đệ thiêng liêng, có thể nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như giúp nhau chu toàn những trọng trách Thiên Chúa trao phó.
Ơn gọi của Đavid quả là một điều kỳ diệu đối với bản thân ông cũng như gia đình, vì thế, sau khi được chọn, David đã thực thi những gì Thiên Chúa chỉ dạy, ngay cả khi đứng trước kẻ đang tìm cách triệt hạ mình, ông cũng không nỡ nào hành động. Nghĩa cử đó rất đẹp lòng Thiên Chúa, rồi từng ngày, Thiên Chúa ở bên cạnh ông, che chở và bảo vệ ông như người Cha yêu thương, chăm sóc và bảo vệ con cái của mình: “ A-bi-sai liền nói với Ðavít rằng: "Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai". Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: "Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?" Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say”. Thái độ sống của Đavid có thể bị dư luận cười chê nhưng với Thiên Chúa, đó là một chọn lựa đúng đắn, bởi người sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa luôn lấy tình yêu thương để thay thế cho sự báo thù và oán giận.
Trong những lá thư mục vụ gởi cho các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, thánh Phaolo đã giải thích cho các tín hữu về sự cao quý của những người sinh ra trong Thánh Thần và nước, đó là những người đã được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được trở nên con cái Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của tình yêu, do đó, là con cái Thiên Chúa, các tín hữu phải nên hoàn thiện trong tình yêu như Thiên Chúa mong muốn: “Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Nên hoàn thiện như Thiên Chúa muốn là trở nên chứng nhân của tình yêu đích thực, trở nên người con thuộc về thiên giới là trở nên chứng nhân của Đấng đến từ thiên giới, là Đức Giesu Kito, Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa thật.
Đức Giesu khi bước vào lịch sử nhân loại, Ngài đã thổi một luồng gió mới bằng việc mời gọi con người thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ và tương quan giữa con người với nhau, đặc biệt là giữa Thiên Chúa với con người. Ngài mời con người đón nhận giới luật mới là giới luật của tình yêu. Giới luật này có giới hạn là vô tận, có thời gian thực hiện là vô thời gian, có phần thưởng là không mong đền đáp, không chờ trả công: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy”. Để có thể thực hiện được những gì giới luật yêu thương đòi hỏi, người môn đệ cần có sự năng động của đức tin, sự linh hoạt của lòng mến và sự miệt mài của niềm cậy trông. Các nhân đức đó sẽ là nền tảng để những ai là tín hữu Kito mạnh dạn thay đổi đôi mắt tinh thần của mình bằng đôi mắt của Thầy Chí Thánh, chính đôi mắt mới mang hình ảnh của Đức Giesu, sẽ cho người môn đệ nhận ra đâu là anh em mình, đâu là Đức Giesu đầy thương tích đang bị bỏ rơi.
Chiều sâu của tình yêu là không biên giới, không phân biệt kẻ thù và người thân cận, chỉ biết rằng, là con người, tất cả đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em chung một mái nhà, vì thế cần được yêu thương, cần được tha thứ và cần được giúp đỡ, sẻ chia. Sự năng động của tình yêu không dừng lại ở lý thuyết, nhưng tất cả là hành động, trước những khiếm khuyết của con người, cần nhạy bén để nhận ra và giúp đỡ họ. Thầy Chí Thánh đã đi bước trước để hướng dẫn các học trò của Ngài. Trước một người mẹ mất đứa con duy nhất, Thầy thổn thức sẻ chia, trước người phụ nữ bị kết án vì lề luật thế gian, Thầy thông cảm và đứng về phía chị, trước người học trò của mình có thái độ phản bội, Thầy đau khổ nhưng vẫn sẵn lòng tha thứ. Trước một đám đông ba ngày không có gì ăn khi theo học giáo lý, Thầy xót thương như đàn chiên không người chăn. Biên giới của tình yêu là thế, chương trình của tình yêu là vậy và kế hoạch của tình yêu đến từ trái tim chứ không đến từ lý thuyết hay hình thức bên ngoài.
Không chỉ người giàu cũng khóc mà người nghèo cũng khóc hàng ngày, là con người, ai cũng có những hoàn cảnh, những câu chuyện cho riêng mình, những hoàn cảnh, những câu chuyện đó sẽ vơi đi và được xoa dịu nếu những giá trị của Tin mừng luôn được người tín hữu Kito mang theo bên mình để vào đời. Chấp nhận để người thợ cắt tỉa, những cây hoa muôn sắc sẽ cho đời những vẻ đẹp rực rỡ mà Tạo Hóa đã phú bẩm cho nó, chấp nhận bị vùi sâu trong lòng đất, những hạt giống sẽ cho những mầm sống mới để phát triển thành những cây đem lại bóng mát cho đời, đem lại sức sống cho người. Chiều sâu của tình yêu là thế, cần có sự hy sinh và sẵn sàng cho đi, hoa trái của nó sẽ trổ sinh bốn mùa. Một xã hội đang có xu hướng nghiêng về vật chất, nặng về của cải, thì những giá trị của tình yêu, những việc làm của tình yêu cần phải nở hoa và đơm trái trong cuộc đời của người tín hữu. Trước khi về trời, Thầy Chí Thánh đã hứa: “Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy". lời hứa đó không phải là một lời nói suông, nhưng là phần thưởng lớn lao cho ai dám sống và chết cho tình yêu. Chính Thầy chúng ta đã đi qua con đường đó khi bỏ trời cao, xuống làm người, trở nên kẻ rốt hết và rồi chết cho người mình yêu. Kết thúc câu chuyện đó là hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa được đưa lên trời trong vinh quang, được trọng thưởng trong Nước của Cha, đến nỗi khi nghe tên của Thầy, mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong địa ngục đều phải quỳ xuống.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn