CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Thứ năm - 24/03/2022 17:14
dụ ngôn người cha nhân hậu trong phụng vụ Chúa nhật thứ tư mùa chay, sẽ trả lời cho mỗi người Kito hữu rõ hơn về vị thế của Thiên Chúa trong niềm tin, trong đời sống và trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 15, 1-3. 11-32)

 

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".

 

Suy niệm

 

Người tín hữu Kito là người tin có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất, vũ trụ, con người và mọi sinh vật trong thế giới này. Niềm tin đó không phải là một khái niệm mơ hồ, nhưng con người có thể bắt đầu từ việc quan sát vũ trụ vận hành, quan sát thế giới tồn tại, con người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này. Hơn nữa, con người có thể dùng lý trí và sự khôn ngoan của một sinh vật cao cả, để truy tìm nguồn cội của bản thân và thế giới này. Tất cả những yếu tố đó giúp người tín hữu xác tín hơn niềm tin của mình, thế nhưng, có bao giờ người tín hữu tự hỏi rằng : Thiên Chúa tôi tin là Đấng như thế nào, Ngài là một vị thần có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của tôi không ? dụ ngôn người cha nhân hậu trong phụng vụ Chúa nhật thứ tư mùa chay, sẽ trả lời cho mỗi người Kito hữu rõ hơn về vị thế của Thiên Chúa trong niềm tin, trong đời sống và trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.

 

Sau khi được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai cập, dân Do thái được Thiên Chúa dẫn tới vùng đất chảy sữa và mật, đó là vùng đất Ngài đã hứa ban cho các tổ phụ dân tộc này. Tại vùng đất đó, một lần nữa, Gio-suê, người đại diện của Thiên Chúa và cũng là của dân Do thái, đã nhắc lại cho họ ý thức về thân phận của một dân tộc nhỏ bé, như một người nô lệ mất hết quyền làm người, mất hết giá trị nhân phẩm trong thế giới, nay họ được sống trong sự tự do của một con người: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!". Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu than, đã thấy kiếp nô lệ khổ đau của họ, đã biết được số phận bi ai của người nô lệ trong đất Ai cập, quả là một vị Thiên Chúa đã cúi xuống, chung chia với con người mọi nỗi niềm trong phận nô lệ. Ngài đã đưa họ tới vùng trời tự do, tới những giá trị cao quý của một con người. Ngài muốn họ biết Ngài là ai để thờ phượng cho phải đạo làm con, Ngài cũng muốn họ biết chính họ như thế nào, để từng ngày sống không ở trong tình trạng ngoại tình với Thiên Chúa, Đấng nhân lành.

 

Chứng kiến thái độ sống niềm tin cách đặc biệt, thánh Phaolo đã lên tiếng nhắc nhở con cái của ngài tại giáo đoàn Co-rin-thô. Ngài nhắc họ luôn ý thức về vị thế của mình trước mặt Thiên Chúa, họ chỉ là một tội nhân, không xứng đáng hưởng ơn cứu độ và sự sống đời đời, nếu hôm nay họ biết khiêm tốn đổi thay thái độ sống, họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương và tình yêu đó được tuôn chảy qua sự hiện diện gần gũi và thánh thiêng, của người Con yêu dấu là Đức Giesu Kito: “Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa”. Thiên Chúa là đấng không bao giờ biết tội là gì, thế mà Ngài đã cho phép con người được gọi Ngài là Cha, được ở trong mái ấm gia đình của Ngài, vì thế, con người phải sống làm sao cho xứng đáng, phải thay đổi suy nghĩ của bản thân cũng như thái độ sống hàng ngày. Có như vậy, con người mới thực sự được thừa hưởng quyền làm con của Thiên Chúa ngay hôm nay.

 

Dụ ngôn người Cha nhân hậu hay còn được gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng, là một câu chuyện chỉ có thánh Luca viết lại trong tác phẩm của ngài. Câu chuyện đó như một bức tranh làm nổi bật suy nghĩ của con người về Thiên Chúa. Ngài là ai đối với tôi và với con người, Ngài có ảnh hưởng gì tới cuộc đời, tới vị thế và quyền riêng tư của tôi không, và biết bao suy nghĩ khác của con người về Thiên Chúa, người Cha của mình: “Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con”. Người cha đó hết mực yêu thương các con, dù còn sống, nhưng ông vẫn chia tất cả những gì ông có cho con cái. Các con ông đã được thừa hưởng của cải từ người cha, nhưng người cha còn sống, thì họ chưa được quyền sử dụng của cải. Thế mà, người con thứ đã sử dụng tất cả theo tính toán và sở thích của mình. Không một lời than trách, không một tiếng ta thán, người cha tôn trọng quyền con người của các con ông ta, thế nhưng, các con ông ta đã nhìn người cha của mình, dưới những góc nhìn khác nhau theo tính toán và tham vọng của mỗi đứa con. Thiên Chúa là đấng tốt lành, nhân từ và rất mực khoan dung, thế mà con người đã nhìn nhận Ngài như một vị thần nghiêm khắc và lắm lúc còn cực đoan đối với con cái, rồi cũng có những lúc Ngài bị gán cho một người cha thiếu công bằng, thiên tư thiên vị trong việc ban phát ân sủng và tình yêu.

 

Điểm lại đôi nét về người con thứ trong câu chuyện trên, để thấy niềm tin của chính mình đôi lúc lạc vào con đường như cậu ta đi. Trong ánh mắt và suy nghĩ của cậu thứ, người cha là một người hà khắc, cướp mất của cậu ta quyền tự do sống, quyền tự do làm việc và ăn chơi, vì thế, cậu tìm cách thoát ra khỏi cảnh tù túng và đau khổ đó, bằng cách đòi chia gia tài và trốn thoát khỏi căn nhà bất hạnh. Dưới bầu trời mới, cậu mới thực sự là người, mới thực sự được tự do, mới thực sự đáng sống, vì thế cậu tìm cách trải nghiệm mọi nhu cầu cũng như lạc thú, để được gọi là con người đúng nghĩa. Chắc chắn một điều trong trái tim và tâm hồn cậu, không có hình ảnh người cha yêu thương, luôn tôn trọng con cái của mình, mà chỉ có hình ảnh một người quản lý khắc nghiệt và lạnh lùng. Với những suy nghĩ như thế, người con thứ cố gắng tìm cách để vượt thoát khỏi những ràng buộc về quyền bính và vật chất, để sống theo suy nghĩ và tính toán của chính mình. Đó cũng là những suy nghĩ của con người thời nay trước một Thiên Chúa tình yêu, tại sao bắt tôi từ bỏ mình, vác thập giá mình để đi theo Ngài mới có sự sống đời đời, trong lúc đó, người ta đang cố gắng để bảo vệ cái tôi, bảo vệ quyền riêng tư của bản thân bằng mọi cách, Ngài cứ bắt tôi phải đi qua cửa hẹp để vào Nước trời, trong khi đó, cuộc sống bên ngoài cần sự thoải mái và rộng rãi. Quả thực một Thiên Chúa như thế có đáng để thờ phượng, để yêu thương và để sống hiếu thảo từng ngày không ?

 

Hình ảnh người con trưởng trong câu chuyện cũng rất đáng quan tâm, bởi cậu ta không bỏ nhà đi xa, không ăn chơi xa xỉ, như cậu em, nhưng dù sống trong một mái nhà với người cha, nhưng cậu ta chỉ coi người cha là một người quản lý, còn anh ta là một người làm công, hàng ngày chỉ biết làm việc và làm việc. trong trái tim và tâm hồn của anh ta không có hình bóng người cha thân yêu. Chính vì cho rằng người bên cạnh anh ta là một quản lý tài sản, nên giữa anh với cậu em, không có chút gì liên hệ trong tình anh em, thậm chí trong tình người cũng không có luôn. Có thể nói đó là một người ích kỷ, hẹp hòi và bủn xỉn nữa. khi tình người không còn trong tâm hồn, khi tình cha con, anh em cũng mất luôn trong trái tim, anh ta chỉ biết sống cho mình, chỉ biết đòi hỏi cho mọi nhu cầu của bản thân. Quả thực đó là một thái độ sống dửng dưng và vô cảm với mọi sinh hoạt chung quanh. Và đó là một tình trạng đang hiện hữu trong suy nghĩ và thái độ sống của người tín hữu hôm nay. Họ giữ đạo theo phong trào, theo hình thức và những truyền thống, nếu ra khỏi những yếu tố đó, họ phản đối, la ó và bài xích, họ đâu có một trái tim để yêu mà chỉ có một trái tim để hưởng thụ. Thiên Chúa đối với họ là một ông chủ dịch vụ, phải đáp ứng mọi yêu sách trong cuộc đời con người. Một vết thương luôn rỉ máu trong trái tim của Thiên Chúa tình yêu.

 

Còn người cha thì sao, đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Luôn tôn trọng tự do và yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái, quên luôn cả sự sống và giá trị của một người cha trong gia đình. Tất cả chỉ vì yêu. Thiên Chúa chắc hẳn còn hơn người cha đó nhiều, Ngài yêu con người ngay từ lúc tạo dựng, Ngài chăm sóc và bảo vệ con người, thế mà con người ngay từ ban đầu đã loại ra khỏi cuộc sống mọi kế hoạch, mọi lối nẻo của Thiên Chúa, để sống theo những gì con người thỏa thích. Người cha đó đã cho con cái tất cả. Đáp lại, con cái đã sống tình thảo hiếu như thế nào, coi thường cha mình, chê bai và không tôn trọng cha mình, hơn nữa, còn coi cha mình như một quản lý tài sản, như một người chủ vô tâm, và hôm nay, người cha đó vẫn còn bị quy gán là một người thiếu công bằng trước mọi nhu cầu của con cái, một người cha thiếu sự quan tâm khi còn nhiều người giàu sống bên cạnh những người cơ cực, đói khổ và đau thương. Có phải vì Thiên Chúa không lên tiếng, nên Ngài phải nhận chịu những suy nghĩ rất đời của con cái Ngài ?

 

Lạy Chúa Giesu, khi bước vào chương trình cứu độ trong thân phận một con người, Chúa luôn tìm thánh ý Cha để thực hiện trong mọi nơi, mọi lúc, bởi Chúa luôn yêu mến và thực hành những gì Chúa Cha muốn, xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học của sự vâng phục và yêu mến, để chúng con thực hiện thánh ý Chúa qua lời dạy của Mẹ Giáo hội và Kinh thánh. Chúa đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, để chương trình cứu độ của Chúa Cha trọn vẹn, xin giúp chúng con biết sống ơn gọi mình cách trọn vẹn trong khả năng cùng với ơn Chúa ban. Chúa Cha đã yêu chúng con vô cùng bằng việc ban người Con duy nhất cho nhân loại, xin cho chúng con biết đáp đền tình yêu đó bằng một tình yêu không tính toán, không điều kiện, biết cho đi mà không mong đền đáp điều gì. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây