CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 23/09/2023 17:33
Lời Chúa tuần lễ 25 thường niên, mời mỗi người đừng nên dừng lại nơi sự công bằng giao hoán hay công bằng xã hội, nhưng hãy bước lên một nấc thang mới, đó là đức bác ái, thường được gọi là đức ái Kito giáo.
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 20, 1-16a)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

 

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

 

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

 

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

 

Suy niệm

 

Bước vào cuộc sống, ai ai cũng muốn mình được nhìn nhận, được trân trọng và được đứng vào đúng chỗ, đúng vị trí. Đó là lúc phẩm giá con người được nhìn nhận và được tôn vinh, đó là cũng điều phải lẽ hợp với đức công bằng, bởi con người là một sinh vật đặt biệt, có lý trí và ý chí để biện phân mọi sự kiện, biến cố và mọi câu chuyện trong cuộc sống. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 25 thường niên, mời mỗi người đừng nên dừng lại nơi sự công bằng giao hoán hay công bằng xã hội, nhưng hãy bước lên một nấc thang mới, đó là đức bác ái, thường được gọi là đức ái Kito giáo. Nơi Kito giáo, đức ái luôn được coi là chìa khóa mở cánh cửa vào Nước Trời, bởi đức ái đó đòi hỏi người thực hiện phải từ bỏ chính mình, yêu thương tha nhân như chính mình, biết sống cho, sống cùng và sống với tha nhân mỗi ngày trong từng ơn gọi và bổn phận.

 

Mang trên vai trọng trách hướng dẫn cho dân Chúa biết phải sống thế nào cho đúng với những gì Ngài đợi chờ, các tiên tri còn có bổn phận nhắc bảo họ hãy biết chọn lựa những giá trị nào phù hợp cho cuộc sống mỗi người. Thực hiện ý Thiên Chúa, họ sẽ được hạnh phúc và bình an, chọn lựa giá trị của thế gian, họ sẽ gặp những bất an và khổ đau. Đó là những gợi ý của tiên tri Isaia trong bài đọc 1 hôm nay: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy”. Cơ hội đến, hãy đón nhận và thực hiện, ý Thiên Chúa giúp mở cánh cửa để tìm gặp hạnh phúc, hãy quyết định. Không phân biệt kẻ lành người dữ, hạnh phúc và bình an đích thực chỉ đến với những ai thành tâm trong chọn lựa, và quyết định trong sự khiêm tốn.

 

Bước vào lịch sử nhân loại, Đức Giesu đã giới thiệu một giới luật mới của trời cao, đó là đức ái. Ngài đã giới thiệu cho các học trò, cho đám đông dân chúng, bằng nhiều dụ ngôn, bằng nhiều câu chuyện cuộc đời của Ngài, đức ái dần có chỗ đứng. Thế nhưng, để thực hành đúng với giá trị nội tâm của đức ái trời cao, Đức Giesu đã dùng chính sự sống của mình để giới thiệu. Ngài đã chọn cái chết cho người yêu để cho giá trị đức ái được tôn vinh. Thánh Phaolo đã giới thiệu những gì Đức Giesu đã thực hiện, cho con cái của ngài tại giáo đoàn Phi-lip-phê: “Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em”. Sống cùng, sống với và sống cho tha nhân, là những giá trị tinh thần đến từ đức ái trời cao, nếu chỉ sống cho bản thân, nếu chỉ biết đến cái tôi ích kỷ, làm sao được gọi là môn đệ của Đức Giesu được, chỉ khi nào vượt qua giới hạn đó, sống cho mọi người, người tín hữu Kito mới có thể họa lại khuôn mặt và cuộc đời của Thầy mình trong môi trường hiện tại theo ơn gọi của mình.

Câu chuyện tiền công trong bài tin mừng tuần lễ 25 này, xem ra rất gần với hoàn cảnh hiện tại của xã hội. Thỏa thuận công việc, thỏa thuận tiền công, giờ làm, đó là những gì các ông chủ quan tâm, khi thuê người làm. Tất cả làm nổi bật những giá trị công bằng giao hoán và xã hội trong tương quan Chủ -Thợ, thế nhưng, các ông chủ có thể thay đổi mọi thứ nằm ngoài đức công bằng đó, như là dấu chỉ của sự quan tâm và biết ơn những người làm công cho mình. Đó là đức ái nhân văn. Câu chuyện trong bài tin mừng là một dụ ngôn Đức Giesu dùng, để nói về niềm vui của đức ái, khi được hiện diện và thi thố trong mọi tương giao của con người: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta". Thỏa thuận tiền công với người làm, ông chủ đã thể hiện tính công bằng đối với sức lao động họ bỏ ra, không có gì sai trái. Thế nhưng, khi ông muốn cho thêm, ông có cần thiết phải xin ai hay phải trình báo cho những người tới làm trước không, tất nhiên là không, đức ái thôi thúc ông làm điều đó. Ông đã làm những gì lương tâm mách bảo để có được niềm vui thực sự của người chủ vườn.

 

Ước mơ có được một cuộc đời thịnh đạt, sang giàu thì ai cũng có, nhưng điểm đến cuối cùng của các mơ ước là gì nếu không phải chỉ là sang giàu và có địa vị. Nếu chỉ chừng đó thôi, thì giá trị con người còn lớn lao hơn nhiều, thế mà ít ai quan tâm đến, họ chỉ mong sao mình thật giàu, thật uy tín trong cộng đồng. Chính những ước mơ đó làm tắt dần những giá trị của đức ái tồn tại trong thâm tâm mỗi người. Đức ái được thăng tiến khi con người biết quan tâm lẫn nhau, biết sống cho nhau và biết cảm thông cho nhau. Đức ái còn có chiều sâu hơn, khi con người biết tôn trọng phẩm giá của nhau, biết chấp nhận những khác biệt nơi tha nhân, biết nhận ra giới hạn của chính mình, để sống và để yêu. Tình yêu đức ái vượt lên trên những giá trị của tình yêu nam nữ, bởi tình yêu đức ái thôi thúc con người đi ra khỏi vỏ bọc ích kỷ và hẹp hòi, biết tìm đến với những người đang thiếu thốn và bất hạnh. Những động lực đó giúp người tín hữu Kito từng ngày cởi bỏ chiếc áo quyền lực, cởi bỏ chiếc áo địa vị và tham vọng ra, hòa vào dòng chảy của những người nghèo, đang sống trong sự trần trụi của phận người.

 

Những bài học về đời sống cộng đoàn mà Đức Giesu gởi lại cho con người, đều có điểm xuất phát là tình yêu thương. Chính tình yêu đó thôi thúc các anh em biết giúp nhau sửa những lỗi lầm trong cuộc sống với một sự chân thành đủ, tình yêu đó, cũng thôi thúc con người hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chính mình. Lý thuyết thì nhẹ nhàng, nhưng thực hành thì vô cùng khó, nhưng tất cả sẽ trở thành hiện thực, nếu có sự hiện diện của đức ái trời cao. Trả công cho nhau trong mọi khía cạnh là điều hiển nhiên, nhưng trả thế nào và bao nhiêu, còn tùy thuộc vào tình yêu thương của ông chủ dành cho người làm công. Lòng thương xót của ông chủ dành cho gia đình, cho bản thân những người làm công muộn màng, có ai trách cứ và ganh tị được không, chắc chắn là những người được mướn làm từ sáng sớm sẽ ganh tị, sự ganh tị xuất phát vì ước mơ của họ là sẽ nhận được nhiều tiền công hơn, vì họ đã làm việc từ sáng sớm. Họ đã quên một điều cơ bản, là ông chủ đã thỏa thuận tiền công nhật ngay từ sáng, đó là đức công bằng. Họ đã dừng lại với những toan tính của đức công bằng, chứ chưa dám vượt lên với những giá trị của lòng thương xót, của đức ái trời cao.

 

Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa trong thế giới này, bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, xin cho mỗi người biết sống và cư xử với nhau bằng những suy nghĩ, những hành động đến từ đức ái trời cao, đó là những gì Chúa đang đợi chờ nơi mỗi người học trò. Chúa đã thi thố lòng thương xót cách hoàn mỹ với cái chết trên thập giá, để cứu độ tất cả mọi người, xin cho chúng con hiểu ra được những giá trị của đức ái trời cao đó, để chúng con lại trở nên chứng nhân của lòng thương xót, để giới thiệu và sống bài học đức ái trời cao, qua ơn gọi và hoàn cảnh hiện tại của mỗi người. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây