CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Thứ sáu - 13/05/2022 17:36
Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh trở về, Mẹ Giáo hội nhắc lại cho con cái tâm tình của Thầy Chí Thánh, đã nhắn gởi các môn sinh của mình tại phòng tiệc ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 13, 31-33a. 34-35)

 

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

 

Suy niệm

 

Ngay từ buổi đầu, khi con người xuất hiện trên trái đất này, tình yêu thương đã hiện diện giữa gia đình, giữa cộng đồng. Đó là tình người, đó là tình Cha Mẹ với con cái, đó là tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp. Tình yêu thương đó được ví như là chất xúc tác, để kết nối các thành phần với nhau trong gia đình, kết nối các thành viên trong cộng đồng với nhau. Tình yêu thương đó còn là động lực tạo nên sức mạnh để giúp nhau chống chọi với thú dữ, với khắc nghiệt của thiên nhiên, của môi trường và chống lại kẻ thù. Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh trở về, Mẹ Giáo hội nhắc lại cho con cái tâm tình của Thầy Chí Thánh, đã nhắn gởi các môn sinh của mình tại phòng tiệc ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Tình yêu thương đã có mặt trước khi Thầy đến thế gian, thế thì cái mới trong lời nhắn nhủ đó là gì, để các môn sinh của Ngài và các tín hữu hôm nay cần thực hiện mỗi ngày và mọi ngày.

 

Lời tâm sự của Thầy dành cho các môn sinh tại bữa ăn cuối, thôi thúc các ông lên đường sau khi gặp được Thầy đang sống, đang hiện diện bên cạnh. Các ông lên đường, vượt mọi khó khăn, băng qua mọi thách đố để thực hiện giới răn mới, giới răn mà Thầy đã thực hiện. Thánh Phaolo, vị tông đồ dân ngoại, cùng các tông đồ khác, đã vượt qua những trở ngại ban đầu, dấn bước vào cuộc phiêu lưu truyền giáo. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm đó với các bạn đồng môn, với các cộng đoàn mỗi khi ngài đặt chân tới thăm: “Trong những ngày ấy, Phaolô và Bar-na-ba trở lại Lys-tra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-ki-a, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo”. Ngoài những  chia sẻ về kinh nghiệm, các tông đồ còn động viên các tín hữu, hãy cố gắng chấp nhận những khó khăn ban đầu, những thách đố, những cạm bẩy trong việc giữ đạo và sống đạo. Ganh tị, thù ghét và khinh dễ luôn quấy rầy các cộng đoàn cũng như các tín hữu, tất cả cũng chỉ vì họ thực hiện giới răn mới mà Đức Giesu phục sinh, muốn họ họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa trong việc giữ đạo và thực hành đức tin hàng ngày.

 

Dù không còn hiện diện bằng xương bằng thịt như trước, nhưng Đức Giesu vẫn ở bên cạnh các tông đồ, bên cạnh các tín hữu, hiện diện giữa các cộng đoàn. Ngài ở đó với con người, chia sẻ những trăn trở về cuộc sống, về ơn gọi Kito hữu, về lời chứng từ cuộc sống của mỗi người. Bài đọc 2 trích từ sách Khải huyền của thánh Gioan kể lại cho chúng ta thị kiến mà tác giả đã thấy, đó là một Thiên Chúa đã và đang cúi xuống, đang hiện diện với con người mỗi ngày: “Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: "Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự". Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự, phần của Thiên Chúa là vậy, còn phần con người có dám mạnh dạn đổi mới mọi sự như thánh ý của Ngài không. Ngài mời con người đổi mới tư duy, đổi mới hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn, đổi mới cách gặp gỡ Ngài, đổi mới thái độ giữ đạo và sống đạo hàng ngày nữa. Điều tất nhiên là khi cố gắng thay đổi, con người sẽ gặp những khó khăn, và Thiên Chúa sẽ gánh lấy những khó khăn đó cho con người. Đó là một cử chỉ của tình yêu mới.

 

Trước lúc bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giesu bày tỏ trăn trở của Ngài với các học trò. Ngài muốn các ông tiếp nối sứ vụ của Ngài là họa lại bức tranh tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, trong từng ngày sống. Dù biết tình yêu thương đã có mặt trên trái đất từ lâu, nhưng Đức Giesu muốn các học trò thực hiện cử chỉ tình yêu theo một chiều kích mới: “Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". Thiên Chúa Cha yêu con người đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho con người, Đức Giesu yêu con người đến nỗi từ bỏ ngai vàng trời cao, xuống làm một con người tầm thường, sống vô danh tiểu tốt trong một gia đình nghèo, lớn lên không có nơi gối đầu, không có tên tuổi gì giữa cộng đoàn, chỉ là con bác thợ mộc làng. Ngài đã bày tỏ tình yêu và sứ vụ của Thiên Chúa trao cho Ngài bằng cách chăm sóc những người bất hạnh, đau khổ, bị xã hội loại trừ, bị cộng đồng ném đá, bị gia đình khinh miệt. Ngài ở bên cạnh họ và yêu họ, chăm sóc họ như người cha, người mẹ chăm sóc con cái trong nhà.

 

Từ khi Thiên Chúa Cha đi vào ngôi nhà của con người là thế gian, Ngài chứng kiến bao đau khổ, bao vất vả cũng như bao nỗi niềm bất hạnh của con người. Ngài đã chọn một con người, đặt làm tổ phụ một dân mới, dân riêng của Thiên Chúa, để từ mẫu hình cộng đồng này, Thiên Chúa thi thố tình yêu bằng việc chăm sóc và bảo vệ họ từng ngày. Theo chiều dài lịch sử, con người chưa thể nhận ra chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, họ cho rằng Ngài luôn nghiêm khắc với họ trong cuộc sống. mãi đến lúc Ngài đưa dân Ngài từ vùng đất nô lệ, trở về miền đất chảy sữa và mật, họ bắt đầu nhận ra giá trị của tình yêu. Thế nhưng, họ vẫn phản bội, vẫn đi tìm một thần linh khác thay thế Thiên Chúa. Vậy mà Thiên Chúa vẫn cứ đi theo họ, vẫn chăm sóc họ, hơn nữa Ngài còn quên hết những lầm lỗi của họ và cõng họ trên vai của Ngài, đưa họ tới đồng cỏ xanh, tới dòng nước trong lành, để nghỉ ngơi, để bồi dưỡng. Tình trời là thế, vậy mà khi Người Con Thiên Chúa vào đời, Ngài muốn nâng chiều sâu của tình trời đó lên một tầm cao mới, đó là mời con người hãy sống tình yêu đó, thực hiện tình yêu đó với tha nhân, với đồng loại như Thiên Chúa đã yêu họ.

 

Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu tự hiến, một tình yêu vô vị lợi, tình yêu đó được thể hiện trọn vẹn trên đỉnh đồi Can-vê. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu, dám quên những lần bội phản của người mình yêu. Một tình yêu chỉ biết tha thứ, chỉ biết chăm sóc, chỉ biết gắn bó trong tình thủy chung. Và Thiên Chúa đó đã và đang mời con người hãy yêu nhau như Thiên Chúa yêu con người. thiên Chúa đã yêu như thế, nhưng con người có đủ tự tin để yêu như vậy không ? bởi trong con người luôn tồn tại Tham – Sân – Si là những yếu tố làm cạn dần sức nóng của tình yêu, hơn nữa, con người khó quên những lầm lỗi của nhau, luôn trăn trở với ý định trả thù, luôn tính toán để vùi dập tha nhân khi họ gây ra cho bản thân những khổ đau, những tổn thương về lòng tự trọng. Nếu như con người kiểm soát được lý trí và ý chí để giữ đạo và sống đạo, thì việc thực hành giới răn mới này không phải là quá khó khăn, chỉ tiếc là khi gặp mặt những người mình không ưa, những người gây đau khổ cho bản thân, họ không còn làm chủ được lý trí và ý chí nữa, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục con người nếu chỉ quan tâm về kiến thức, thiếu giáo dục nhân bản, giáo dục tính xã hội trong con người, chắc sẽ khó thấy hành vi tha thứ trong cuộc đời của con người.

 

Nhân bản Kito giáo luôn hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ, hướng con người tới Đấng Thánh, vì thế người tín hữu Kito luôn được mời gọi học hỏi Tin mừng, học hỏi về cuộc đời của Thầy Chí Thánh là Đức Giesu. Hơn nữa, Mẹ Giáo hội luôn nhắc nhở con cái hãy ý thức mình là một Kito hữu, một con người có Chúa Kito hiện diện trong mình, nếu như người tín hữu hôm nay biết gạn đục khơi trong, biết chọn lựa, biết biện phân về những giá trị trong cuộc sống, họ sẽ dễ dàng thực hành lời tâm sự của Thầy trước lúc xa học trò. Có thực hiện những gì Thầy chỉ dạy, bắt đầu từ gia đình, từ cộng đoàn xứ đạo, người tín hữu mới thực sự giới thiệu một Thiên Chúa tình yêu cho thế gian, và giới thiệu bản thân là một người môn đệ của Con Thiên Chúa tình yêu. Lời chứng sống động nhất, thiết thực nhất và mạnh mẽ nhất chính là cuộc sống, là mối tương quan tình người hàng ngày. Vượt qua cánh cửa của hận thù là một thành công lớn, vượt qua cánh cửa của báo thù là bước ngoặt thứ hai để có thể tha thứ. Song hành với tha thứ là cầu nguyện cho những ai lỗi phạm đến mình. Sức mạnh của lời cầu nguyện chân thành, sẽ đưa giúp con người như là khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, để trao ban, để cho đi, để cảm thông và để đồng hành với nhau trong kiếp người mong manh hôm nay.

 

Lạy Chúa Giesu phục sinh, Chúa đã yêu con người đến chấp nhận cái chết bất công và đau khổ, xin cho chúng con biết hướng về Thánh giá mỗi khi tức giận hay hận thù bất cứ người nào trong cuộc sống. Chúa đã mời các môn đệ hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu họ, xin cho chúng con biết cố gắng vượt qua những trở ngại của thế gian như khinh dễ, như oán ghét, như báo thù, để chúng con được Chúa tha thứ, được Chúa yêu thương nhiều hơn, từ đây, chúng con cố gắng họa lại khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây