CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Thứ bảy - 05/03/2022 17:47
Bước vào tuần thứ nhất mùa chay, Mẹ Giáo hội gởi đến cho con cái câu chuyện Đức Giesu bị cám dỗ trong sa mạc, được tác giả thánh là Luca ghi lại, để gợi nhắc về những thách đố, những cám dỗ con người đối diện hàng ngày, cũng như trong niềm tin chân thành nơi mỗi người tín hữu Kito.
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 4, 1-13)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

 

Suy niệm

 

Bước vào mùa chay với màu tím nổi bật trong phụng vụ, dù đó là một màu sắc u buồn nhưng nỗi buồn của mùa chay không đưa các tín hữu đi tới ngõ cụt của hành trình đức tin, nhưng nỗi buồn đây đưa con người trở về với chính mình, để thấy sự mong manh của một con người. Màu tím còn giúp con người sống mùa chay có chiều sâu hơn, ý nghĩa hơn và thánh thiện hơn trong cuộc đời. Bước vào tuần thứ nhất, Mẹ Giáo hội gởi đến cho con cái câu chuyện Đức Giesu bị cám dỗ trong sa mạc, được tác giả thánh là Luca ghi lại, để gợi nhắc về những thách đố, những cám dỗ con người đối diện hàng ngày, cũng như trong niềm tin chân thành nơi mỗi người tín hữu Kito.

 

Lắng nghe bài đọc 1 từ sách Đệ nhị luật, chúng ta không khỏi ngạc nhiên với lời nguyện cầu của Môi-sen trong hành trình về đất hứa. Biết bao lần dân riêng của Chúa đã quay lưng lại với sự chăm sóc và bảo vệ của Thiên Chúa, họ kêu trách và xúc phạm đến Thiên Chúa. Bị trừng phạt nghiêm khắc bao lần, nhưng họ cũng không thể bỏ thói quen xấu, vì thế, Môi-sen đã nhắc cho họ rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ Và bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật”. Lời nhắc này cho con người thấy tình yêu thương của Thiên Chúa lớn lao dường nào, đồng thời tình yêu đó được hiện thực hóa qua việc chăm sóc, bảo vệ và dạy dỗ họ từng ngày. Và hôm nay, Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng tín trung, là Đấng tình yêu viên mãn, luôn yêu thương con người nếu như con người biết chân nhận phận người mong manh và trở về với Ngài, để được yêu và được sống.

 

Sau khi Đức Giesu về trời, các tông đồ lên đường loan báo tin mừng phục sinh cho các cộng đoàn giáo hội sơ khai, lời chứng của các ông là lời chứng sống động, bên cạnh đó còn có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, thế mà các cộng đoàn, do ảnh hưởng tư tưởng của các dân ngoại bang, chỉ chấp nhận những lời chứng đó như một bài giáo lý đơn giản, chứ chưa đón nhận đó là sự thật, là tin mừng cứu độ, vì thế, thánh Phaolo đã nhấn mạnh trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội Roma về ý nghĩa thiêng liêng của Thánh kinh, ý nghĩa cứu độ của Lời Thiên Chúa, ngài viết: “Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gi? Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi”. Lời Thiên Chúa vẫn mãi là chân lý, là sự sống cho con người, nếu con người can đảm thay đổi bản thân theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, bởi Lời Chúa vẫn mãi là ánh sáng soi lối dẫn đường cho con người nên hoàn thiện. Vì thế, khi con người vừa tuyên xưng niềm tin của mình bằng lời, vừa tuyên xưng bằng đời sống của mình, thì đó là lời chứng về sức mạnh của Lời Thiên Chúa đang hiện diện giữa lòng nhân loại, có ý nghĩa như thế nào.

 

Mỗi lần bước vào mùa chay, Mẹ Giáo hội luôn mời con cái nghe bài tin mừng thánh Luca trình bày những cơn cám dỗ của Đức Giesu, trước ngày Ngài bước vào sứ vụ cứu độ của mình. Đứng trước những cơn cám dỗ đó, ma quỷ tạo cho Ngài một cảm giác con đường nào là con đường cứu độ, yếu tố nào là yếu tố quyết định sự sống đời đời cho con người: “Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa". Ma quỷ đã giăng ra một ma trận thật tinh vi và thật quỷ quyệt. Đức Giesu xuống thế cứu độ con người bằng tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, nhưng chúng cho rằng, tiền bạc của cải, địa vị xã hội, quyền bính trong cuộc sống mới là cứu cánh của con người. Ngoài những yếu tố đó, sức mạnh của khoa học, của kỹ thuật sẽ giải thoát con người khỏi mọi gọng kìm của tội lỗi, của sự chết. Tất cả như những lời tiếp thị về viễn cảnh đời sau thật chắc chắn.

 

Cơn cám dỗ đầu tiên là bánh ăn. Con người vất vả làm việc để có của nuôi thân, để tồn tại. Ma quỷ bảo Đức Giesu biến hòn đá thành bánh mà ăn. Sự sống con người tồn tại tất cả do của cải vật chất. Đúng là thế, và đó là một sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Đâu chỉ cơm bánh, của cải vật chất quyết định sự tồn tại và sự sống đời sau cho con người. Chúng đã biến một nửa sự thật trở thành một sự thật hiển nhiên, để dụ dỗ con người bỏ Thiên Chúa đi theo những lối mòn của chúng. Quả là tinh vi và đầy xảo quyệt. Đó cũng là một cạm bẩy mà người tín hữu hôm nay đang đối diện trong một xã hội nặng mùi vật chất và của cải.

 

Cơn cám dỗ thứ hai cũng vậy. Ai có trong tay quyền bính, có trong tay sức mạnh của chiếc ghế quyền lực, sẽ được sung sướng và hạnh phúc cho hôm nay và tương lai. Sự thật hôm nay giống như thế, có trong tay quyền lực, con người sẽ làm được nhiều điều kỳ lạ, hạnh phúc cũng có và đau khổ cũng có. Cuộc chiến nhân loại đang chứng kiến là một điển hình, có quyền lực, có tiền bạc, nhưng không thể thực hiện được tham vọng và đạt được ý muốn, khi việc làm đó phi chính nghĩa và phi đạo đức con người. Ma quỷ đã dùng nửa sự thật về hạnh phúc cuộc đời để cám dỗ con người, nhưng thực tế, hạnh phúc trong cuộc sống của con người đâu chỉ được định đoạt bằng quyền lực, bằng tham vọng. Sự thật là vậy, nhưng người đương thời vẫn lầm tưởng nửa sự thật ma quỷ trình bày là đúng, là chân lý.

 

Cơn cám dỗ thứ ba là cơn cám dỗ về những gì con người hôm nay đạt được, nhất là về phương diện kỹ thuật. những tiến bộ khoa học của con người giúp họ thấy cuộc sống đáng yêu hơn, đáng sống hơn và đáng trải nghiệm hơn. Thế nhưng, từ lúc có điện thoại thông minh, có mạng lưới điện toán toàn cầu, con người có hạnh phúc hơn không, hay phải đối diện với nhiều nỗi bất hạnh hơn, từ sinh hoạt của mỗi người, đến hạnh phúc nơi mỗi gia đình, người ta có tự do để sống hơn hay bị lệ thuộc vào những thiết bị khoa học đang nằm trước mặt mỗi người đây. Không thiếu những người coi sự tiến bộ vượt bậc đó là sự sống còn của nhân loại, nhưng  có ai biết rằng thế giới đang ngồi trên những thùng thuốc súng hạt nhân khổng lồ, để rồi chỉ một cái nhất nút, cả thế giới này chỉ còn một đống tro tàn không ? Ma quỷ đánh vào tham vọng bá chủ thế giới, thay ngôi vị của Thiên Chúa để điều khiển vũ trụ và thế giới này và đó là một điều tất yếu sẽ đến. họ quên rằng, đó chỉ là một nửa của sự thật hiển nhiên. Nếu con người, vũ trụ này vắng bóng Thiên Chúa trong giây lát, tất cả sẽ đi về đâu ?

 

Cơn cám dỗ cuối cùng là một cơn cám dỗ rất xảo quyệt của ma quỷ. Chúng đã lấy chính Lời của Thiên Chúa để cám dỗ con người, chúng đã dùng sức mạnh và ánh sáng của Lời Chúa để dụ dỗ con người đi vào quỹ đạo sự chết của nó. Người tín hữu Kito hôm nay, khi đọc Lời Chúa, khi nghe Lời Chúa, cần phải đặt tất cả vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của Mẹ Giáo hội, chứ không thể đọc và hiểu theo cách chủ quan của con người được. Không thiếu những bài học đau thương, không thiếu cảnh chia rẽ trong gia đình Giáo hội chỉ vì đọc và hiểu Lời Chúa theo suy nghĩ chủ quan của con người. Đó là một cạm bẩy rất độc đáo của ma quỷ. Bên cạnh đó, những cám dỗ trong đời sống tôn giáo cũng dễ đưa con người đến chỗ lầm tưởng mọi nghi thức đều có giá trị như nhau và đó là sự thật cứu cánh. Trong một xã hội thượng tôn của cải, quyền lực và thành công của con người như thế, ma quỷ sẽ có nhiều thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ con người xa dần Thiên Chúa, trước những thách đố đó, niềm tin của người tín hữu có đủ lớn, đủ mạnh và đủ xác tín để giữ đạo, để sống đạo theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không, hay chỉ chạy theo những trào lưu, những hình thức và những truyền thống, và thậm chí coi đó là sự thật cứu độ cho con người.

 

Lạy Chúa Giesu, trước khi bước vào sứ mạng của Chúa trên trần gian, Chúa đã đối diện với những mưu mô của ma quỷ, hòng lôi kéo Chúa ra khỏi chương trình cứu độ của Chúa Cha, nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ ánh sáng Kinh Thánh, xin cho chúng con luôn cố gắng học hỏi Kinh Thánh theo sự hướng dẫn của Giáo hội, để chúng con tìm thấy sự bình an trong hành trình đức tin của mình, đồng thời giúp chúng con chiến thắng những cám dỗ lôi kéo chúng con xa dần Thiên Chúa. Chúa đem đến cho con người sự thật cứu độ của Thiên Chúa, đó là tin vào Ngài để được sống, xin cho chúng con biết phân biệt sự thật nào sẽ cứu độ chúng con và sự thật nào chỉ là một cạm bẩy trong đời sống đức tin của mình. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây