​​​​​​​CÓ MỘT ĐIỆU BUỒN THÁNH CA

Thứ tư - 11/09/2024 08:38
ngày 31.5.2024, kỷ niệm tròn 5 năm linh mục Phaolô Nguyễn Văn Oanh, tức nhạc sĩ thánh ca Oanh Sông Lam được Chúa gọi về trời.
​​​​​​​CÓ MỘT ĐIỆU BUỒN THÁNH CA



CÓ MỘT ĐIỆU BUỒN THÁNH CA
Francis Assisi Lê Đình Bảng.
 

1.Tôi viết bài này, thật tình cờ, hôm nay đúng vào ngày 31.5.2024, kỷ niệm tròn 5 năm linh mục Phaolô Nguyễn Văn Oanh, tức nhạc sĩ thánh ca Oanh Sông Lam được Chúa gọi về trời. Gọi ngày này là để làm giỗ Cha đấy. Đơn giản, chỉ vì yêu cái u ẩn chứa trong thánh ca của người Sông Lam Nghệ Tĩnh. Với ngần ấy tuổi, lúc này, không hẳn là thọ, mà cũng hơi vắn số. Người ấy với tôi, cũng lại tình cờ, có mối duyên nghệ sĩ tính, lãng mạn một chút như nhau. Hèn chi, người đời cứ hát “trời đất đầy... Vinh”!

…Sau một thời gian dài đau yếu, Chúa đã cất gánh nặng dầm dề bệnh tật cho Ông vào lúc 4 giờ 30 sáng 29.5.2019 ở tuổi 72, với 44 năm linh mục. Được giải thoát khỏi cơn bệnh trầm kha, đeo đẳng, là một điều may mắn. Lại được chịu đủ các phép lành, ưu đãi dành cho một tư tế rất hào phóng, là một đặc sủng. Theo Cáo phó của toà giám mục Kontum, nghi thức tẩn liệm được cử hành vào tối Thứ Năm 30.5.2019 tại Chủng viện Thừa sai Kontum và thánh lễ an táng diễn ra sáng Thứ Sáu 31.5.2019, trùng hợp với lễ Đức Mẹ đi thăm viếng bà chị Elysabeth. Cha được an táng tại đất thánh dành cho các linh mục - tu sĩ ở thành phố Kontum.

 

61905392 665878300529747 4762360905759457280 n 696x522
thánh lễ an táng linh mục Phaolô Nguyễn Văn Oanh

Ông chào đời ngày 8.4.1947 tại một xứ đạo nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An, nơi có dòng sông Lam chảy qua. Có lẽ vì thế, mà các tác phẩm thánh ca của Cha đều ký tên là Oanh Sông Lam, người con của dòng sông Lam. Thụ phong linh mục ngày 25.11.1975 tại nhà thờ chính toà Kontum, do đức giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà đặt tay chủ phong. Và chính đức giám mục chủ tịch Uỷ Ban Thánh Nhạc là người đầu tiên đã nhận ra cung bậc chủ đạo xuyên suốt sáng tác của Oanh Sông Lam, nên mới đặt cho Ngài cái biệt danh là “nhạc sĩ La thứ - La mineur” vì các tác phẩm của Ngài thường nhuốm cung điệu buồn thương da diết. Đây, ta nghe thử:
 

Biết lấy (Dm) gì cảm mến
Biết lấy (Bb)
chi báo (F) đền. Hồng ân…

ĐK. “Biết lấy gì cảm mến
Biết lấy chi báo đền
Hồng ân Chúa cao vời
Chúa đã làm cho con
… Thương con từ ngàn xưa
một tình yêu chan chứa.
Và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian,
Cho con say tình mến và này con xin đến
Một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đờ
i.”…

2. Sự nghiệp thánh ca mang tên Oanh Sông Lam khá bề thế và rõ nét, so với phần đông các nhạc sĩ viết Thánh Ca ở Việt Nam. Có dáng vẻ, cung bậc và cách thể hiện khác người. Không lẫn với một ai. Đấy là “cái air của Oanh Sông Lam”, một chút hơi hướm của hát ví dặm câu hò xứ Nghệ. Tai tôi nghe và trộm nghĩ thế. Đúng hay không, tuỳ mỗi người.

 

Chỉ cần đọc và nghe tên các bài thánh ca sau đây, ta dễ dàng bắt nhịp được tâm hồn dễ xúc động của tác giả. Rất mỏng manh. Như sợi tơ trời. Hãy đọc chậm từng chữ và ngẫm nghĩ xem tác giả đã chọn cách đặt tên cho chúng ra sao. Không đều nhịp 2, không cân đối chữ, dài ngắn bất chợt, bằng trắc gãy nhịp.
 

Tâm Tình Hiến Dâng
Lạy Chúa, Con Đây
Chúa Là Tình Yêu
Kinh Diễm Tình
Lòng Yêu Thương Của Chúa
Chúa Giàu Lòng Nhân Từ
Chỉ Trong Chúa Mà Thôi
Chẳng Bao Giờ
Hãy Ký Thác Đường Đời Cho Chúa
Có Thần Linh Nào Như Là Gia vê
Lời Con Dấu Yêu
Đến Với Những Người Chúa Thương
Tình Chúa Tuyệt Vời
Như Một Con Nai
Như Phượng Hoàng
Chỉ Có Một Chúa
Một Điềm Lạ
Lời Kinh Dâng Mẹ
Lời Nguyện Đầu Xuân
Từ Bây Giờ Cho Đến Ngàn Thu
Mùa Ban Ơn Phúc
Ngôi Lời Đã Làm Người
Khúc Hát Thiên Thần
Đi Trong Cuộc Sống Mới
Đường Chân Lý Này Con Đã Chọn…

3. Thánh lễ an táng được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính toà giáo phận Kontum, do đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, giám mục giáo phận Kontum chủ tế. Cùng đồng tế, có đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên giám mục Kontum, cha tổng đại diện, quý cha trong ngoài giáo phận, quý tu sĩ nam nữ, gia đình, thân bằng quyến thuộc cùng đông đảo giáo dân Kinh Thượng hiệp ý dâng thánh lễ cầu nguyện và tiễn biệt Ngài. Một cộng đoàn phụng vụ như thế, không phải ai ai cũng được. Chính Cha Oanh khi còn sinh thời, với năm tháng đoạ đày bệnh tật, với nỗi cô đơn lẻ loi cũng không ngờ. Thế mà, Chúa đã đoái thương. Mọi người cùng mở miệng hát bằng chính những lời ca của Cha lấy ra từ nguồn mạch Thánh Kinh:

 

Hồn con reo lên hân hoan
khi nghe Chúa kêu con về
Miệng con tươi như hoa
môi con cất tiếng hoan ca…”
“ Chúa chiên lành, Người thương dẫn tôi đi
Tôi không sợ chi, tôi không thiếu gì…

 

Toàn là lời lẽ của Thánh Vịnh diễn tả rất dấu yêu đậm đà của tình Chúa tình người. Mở đầu thánh lễ, đức cha chủ tế nói với cộng đoàn phụng vụ:Hôm nay, chúng ta cùng quy tụ nơi đây để dâng lễ tiễn biệt cha Phaolô Nguyễn Văn Oanh. Ngài xuất thân từ tiểu chủng viện Thừa Sai Kontum. Ngài giỏi đàn, giỏi nhạc, đã sáng tác rất nhiều bài thánh ca dưới bút hiệu là Oanh Sông Lam để nhớ đến quê hương Nghệ An của ngài. Cuộc đời của ngài có nhiều sóng gió, nhưng cuối cùng, Chúa đã yêu thương, gìn giữ ngài. Mang trong mình nhiều thứ bệnh, ngài đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót nếu còn vướng mắc trong cuộc sống của ngài…Cuộc đời của ngài gặp nhiều sóng gió, có lúc tưởng như bị đắm chìm. Chúa đã thương xót cha. Những ngày tháng ở toà giám mục, ngài đã tìm được sự bình an…
 

Trong phần Hiệp lễ, trong bầu khí lắng đọng, sốt sắng đón nhận Mình Thánh Chúa, cả cộng đoàn cùng cất lên, một lần nữa, bàiTâm Tình Cảm Mến” thiết tha của Ngài:
 

Biết lấy chi cảm mến. Biết lấy chi báo đền
Hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con…
Trao cho con lời Chúa, dù đời con hoen úa
Nguyện đời con đem chân lý đến cho mọi nơi.
Ra đi đầy nguyện ước và này, con gieo bước
Nguyện đời con đem nguồn yêu mến đến cho người.
Chân đi đạp đồi non biến đời bao sóng gió
Ngài đỡ nâng con dù nguy biến vẫn ở cùng con.
Yêu thương làm hành trang ngọn đèn tim thắp sáng
Một đời vui như đàn chim hót suối reo đầu ngàn.
 Xin cho con bình an và đầu cao, mắt sáng
Nguyện đời con đi làm chứng tá Chúa trên trần gian
Xin cho con nghèo khó cuộc đời bao nguy khó
Đời hạnh phúc con được chính Chúa gia nghiệp trọn đời…

 

Một hôm, rất tình cờ. Tôi ghé thăm cha Tôma Nguyễn văn Thượng và cái tủ sách hiến tặng các chủng sinh tiểu chủng viện Thừa sai Kontum năm 2012. Tiện thể, thăm Cha Oanh đang nằm điều trị tại đây. Trời Kontum lạnh buốt núi rừng. Cha Thượng dẫn tôi lên phòng cha Oanh ở trên lầu. Sách vở bề bộn. Chiếc xe đạp đua vẫn được chăm chút đàng hoàng. Trên tường, cây đàn guitar thùng vẫn máng vào bộ y phục thổ cẩm già làng của người J’arai. Một tấm hình cha chụp, xung quanh là anh em đồng bào người Thượng. Ngôi nhà thờ nhỏ xíu, nằm khuất trong rừng. Đấy là cả cái gia tài của người linh mục của núi rừng.

 

61550875 501787253696140 200806784993067008 n 1 696x522
thánh lễ an táng linh mục Phaolô Nguyễn Văn Oanh



4. Kết thúc lễ an táng, linh mục Đỗ Hiệu, bạn đồng môn với cha Phaolô suốt những năm học ở chủng viện Thừa sai đã thay mặt linh mục đoàn giáo phận Kontum nói mấy lời tiễn biệt. Giọng cha trầm hẳn xuống, xúc động. Có lúc, tưởng như nghẹn lại:Cha Oanh rất thân mến, người bạn vĩ đại của cha và của chúng ta là Đức Giêsu, đã đến và đưa Cha về với Ngài. Hạnh phúc cho kẻ sống cho Chúa và chết cho Ngài. Chúng tôi cùng với Cha cảm tạ Chúa đã cho Cha sống 72 năm cuộc đời, trong đó có 44 năm linh mục, là dấu ấn tình thương của Chúa Giêsu đối với Cha… Từ khi bước vào tiểu chủng viện Thừa Sai Kontum năm 1958, Cha đã chọn Chúa Giêsu làm lý tưởng cuộc đời mình. Rồi những khó khăn, đau khổ, chiến tranh, xáo trộn, loạn ly trên con đường tiến tới chức linh mục năm 1975… Cha luôn cố gắng, kiên nhẫn để vượt qua, đặc biệt, dành tình thương cho những anh em phong cùi, anh em nghèo dân tộc vùng Dak Mut - Kon Gung…
 

Chân đi, đạp đồi non
biến đời bao sóng gió
Người đỡ nâng con
dù nguy biến, vẫn ở cùng con
Yêu thương làm hành trang
Ngọn đèn tim thắp sáng
Một đời vui như đàn chim hót
Suối reo đầu ngàn…
.”

(Bài viết có sử dụng một phần ghi chép của Minh Sơn, 1.6.2019)

 

 

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây