CHUYỆN HẢI PHÒNG

Thứ hai - 30/09/2024 19:29
Nhân chuyến Hành hương hiệp hành cùng với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản về Giáo phận Hải Phòng, xin kể vài chuyện vui vui về Thành phố Hải Phòng.
1
1


CHUYỆN HẢI PHÒNG


Chuyện thứ nhất:

Anh hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: Hải Phòng thì không có lòng vòng đâu đấy nhé! Nhưng đến Hải Phòng phải làm vài vòng mới thấy thú vị.

Chưa đi chưa biết Hải Phòng,
Đi rồi mới thấy lòng vòng những sông.
Sông thì Cấm, cầu lại Rào,
Lạch Tray, Lạch Việt, nơi vào nơi ra!

Anh hướng dẫn viên du lịch giới thiệu tiếp: Hải Phòng là Thành phố nổi tiếng với 3 loại hoa.

- Thứ Nhất là Thành phố Hoa phượng đỏ.
“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ,
Ôi Hải Phòng thành phố quê hương.
Ta yêu thành phố quê ta
Như yêu chính người thương yêu nhất…” (Thành phố hoa phượng đỏ - Lương Vĩnh).

- Thứ Hai là Thành phố Hoa hậu.
Trong đêm Chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu 2024 diễn ra tối 21/9 tại TP Hải Phòng, ông Phạm Duy Khánh - Trưởng Ban Tổ chức phát biểu: “Nhiều năm qua Hải Phòng vắng bóng các sự kiện sắc đẹp nên tôi vui mừng khi được thành phố chấp thuận tổ chức cuộc thi. Khi vừa đặt chân đến Hải Phòng, chúng tôi cũng rất vui mừng được đón trận bão lớn nhất từ xưa đến giờ. Đây cũng là kỷ niệm đặc biệt với cuộc thi Hoa Hậu năm nay”. (theo https://dantri.com.vn).

- Thứ Ba là Thành phố Hoa cải.
Năm 1993, ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963) trú tại thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng được UBND huyện Tiên Lãng giao cho 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển thuộc xã Vinh Quang, Tiên Lãng để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm…
Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định cưỡng chế diện tích đất kể trên. Ngày 05/01/2012, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế với sự tham gia của lực lượng công an và quân đội. Anh em ông Đoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải chống lại lực lượng cưỡng chế khiến 6 cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng cưỡng chế bị thương. (theo https://danviet.vn).

Nói túm lại, Hải Phòng là Thành phố nổi tiếng… ba hoa: Hoa Phượng, Hoa Hậu và Hoa Cải.

Về Hải Phòng, còn được tận mắt chứng kiến:

“Ôi! Cô gái lái container trên cảng
Xe em bon nhanh và tóc em tung bay trên sóng biển quê hương…” (theo: Bến cảng quê hương tôi – Hồ Bắc).

Xin chúc mừng em gái lái container, chúc mừng thành phố Hải Phòng!

2


Chuyện thứ hai:

Ngày 28/8/2024, các thành viên trong đoàn Hành hương hiệp hành cùng với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản về Giáo phận Hải Phòng nhận được chương trình như sau:

- Ngày 09/09/2024: Khởi hành từ Tòa Giám mục Ban Mê Thuột về Hải Phòng bằng xe ô tô.
- Tối 09/09/2024: Nghỉ đêm tại La Vang.
- Ngày 10/09/2024: Dâng Thánh lễ tại La Vang, tiếp tục lên đường, dùng bữa sáng trên đường và đi về Hải Phòng tới Trung tâm mục vụ Giáo phận Hải Phòng.
- Ngày 11/09/2024: Du lịch – tham quan.
- Ngày 12/09/2024: Trở về Ban Mê Thuột bằng máy bay Vj 671 từ HP-BMV lúc 11 giờ.

Chương trình chi tiết thật hấp dẫn:

Ngày 11/09/2024: 10 giờ đi du lịch Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long. 11 giờ làm thủ tục lên tàu, ăn trưa trên tàu, tham quan Hòn Chó Đá, Hòn Đỉnh Hương, Hòn Trống Mái,... bằng du thuyền, tắm biển tại Bãi tắm Ti-tốp. 17 giờ 30 tàu cập bến Đảo Tuần Châu. 18 giờ ăn tối tại nhà hàng Thủy Chung, Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.

Tuy nhiên, chương trình phải thay đổi do bão lũ.

Ngày 01/9/2024, bão Yagi bắt nguồn từ một cơn bão nhiệt đới ở phía tây Biển Philippines đã đổ bộ Philippines vào ngày hôm sau. Đến ngày 4/9, bão Yagi mạnh lên thành bão cấp 3.

Ngày 5/9, Yagi trở thành siêu bão cấp 5, với sức gió là 260 km/h. Ngày 6/9, siêu bão Yagi đổ bộ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sức gió 223 km/h. Ngày hôm sau, bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh. Sau đó, bão Yagi hạ cấp thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn gây mưa lớn và lũ lụt, tàn phá nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Chương trình tham quan du lịch đổi thành chương trình thăm viếng cứu trợ đồng bào: thăm Giáo họ Khuông Lư, Giáo xứ My Sơn -nơi Nhà thờ bị sập tháp chuông và một phần mái tôn do cơn bão Yagi. Thăm Hiệp Hội Con Đức Mẹ Thừa sai Tin Mừng Hải Phòng. Thăm Giáo xứ Súy Nẻo -huyện Tiên Lãng, tại đây, gặp gỡ anh Đoàn Văn Vươn. Thăm Giáo xứ Văn Khê -huyện An Lão…

Ấn tượng nhất khi đến thăm giáo họ kia, có mỗi Bà Trùm ra đón.

- Sao Giáo họ vắng vẻ thế Bà Trùm?

- Báo cáo Bác, trước hôm bão, Giáo Họ em chết hết còn mỗi em.

- Trời!!!? Sao không thấy các Cha Hải Phòng nói gì cả. Báo chí cũng chẳng đưa tin? Bà nói rõ đầu đuôi xem nào.

Bà Trùm xụt xịt:

- Báo cáo các Bác, trước kia, Giáo họ em đông vui lắm. Năm 54, các cụ lên tàu há mồm vào Nam cả. Gia đình em chậm chân, phải ở lại. Sau năm 75, thanh niên trai tráng kéo nhau đi làm kinh tế các nơi, còn mỗi hai vợ chồng em ở lại giữ Nhà thờ Giáo Họ. Trước bão, ông chồng em “phải gió”. Chết. Giáo Họ giờ còn mỗi mình em.

- À, thì ra…!!!


 

3
Đức Cha GB Nguyễn Huy Bắc & Anh Đoàn Văn Vươn


Chuyện thứ ba:


Do bão Yagi, chương trình Hành hương hiệp hành có nhiều thay đổi. Ngày 11/09/2024, thay vì đi du lịch Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long, ăn trưa trên tàu, tham quan hang động bằng du thuyền, tắm biển Ti-tốp thì đi thăm Giáo xứ Súy Nẻo -huyện Tiên Lãng. Tại đây, được gặp gỡ anh Đoàn Văn Vươn. Người dân Hải Phòng phong cho anh danh hiệu Người Hùng.

Sau ngày ra tù, Đoàn Văn Vươn tập trung vào làm đầm ao, nuôi vịt biển để phát triển kinh tế. Hiện nay, anh đã sở hữu thương hiệu “vịt biển Đoàn Văn Vươn” nổi tiếng, đem lại thu nhập kha khá cho gia đình. Bữa cơm trưa nay, đoàn Ban Mê Thuột được thưởng thức vịt 8 món của anh. Rất ngon!

Ngoài chăn nuôi vịt biển, anh còn trồng chuối bao tử để bán ra thị trường, thu hàng trăm triệu từ việc bán chuối mỗi năm.

Đề cập tới sự việc Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng (người chỉ đạo lực lượng công an Hải Phòng cưỡng chế đất đai của gia đình anh -lúc này ông Ca đang bị cơ quan chức năng tạm giữ), anh Đoàn Văn Vươn tâm sự, bản thân anh rất cảm thông khi nghe tin ông Đỗ Hữu Ca bị bắt. Anh nói: “Đối với tôi, những ký ức đau buồn của câu chuyện sóng gió gần 11 năm trước đã trôi qua từ lâu rồi. Tôi không trách cứ gì ông Đỗ Hữu Ca. Mình là người Công giáo. Chúa dạy mình phải tha thứ, như Chúa hằng tha thứ cho mình.”

Đường vào các Nhà thờ ngoài Bắc, nói chung, thường chật hẹp, xe ôtô phải đỗ ngoài đầu làng. Đường vào Nhà thờ Giáo xứ Súy Nẻo -huyện Tiên Lãng cũng vậy. Nhà anh Vươn ở cạnh Nhà thờ. Cha sở điều đình để anh nhượng đất mở rộng đường cho Giáo xứ. Anh vui vẻ đồng ý ngay, không lấy tiền đền bù.

Giá mà, ngày ấy, Đỗ Hữu Ca khôn khéo hơn một tí thì nào có xảy ra cơ sự!!!

Nhưng, thế thì Hải Phòng mất đứt một hoa.

Nói về đất. Ngay tại Trung Tâm Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Công An TP Hải Phòng xát bên cạnh Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Hải Phòng, người ta vẫn thấy hiện hữu cây thánh giá bằng bê tông cốt thép. Sao thế!? Xin thưa, trước 54, đây là Nhà Hưu dưỡng Linh mục của Giáo phận Hải Phòng.

Có lần, chính quyền đến nhờ Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm phép để tháo dỡ thánh giá. Đức Cha trả lời: “Chúng tôi chỉ được làm phép dựng thánh giá, chứ không có phép dỡ thánh giá”.

Hải Phòng thật lắm chuyện!!!

Mà lắm chuyện thật. Ngày ông Nguyễn Văn Tùng mới về nhậm chức Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, theo thói quen ông đi bộ tập thể dục buổi sáng. Bỗng có một thanh niên “cứng” đến chào:

- Bác là tân chủ tịch thành phố phải không ạ!?

- Vâng! Có việc gì không anh?

- Bác cứ yên tâm làm việc nhá! Đứa nào đụng đến Bác, tôi đánh nó vỡ mồm!


 

4

 

Chuyện thứ tư:


Trên chuyến xe đưa Đoàn Hành Hương ra sân bay Cát Bi, anh Đoàn Xuân Bảo -hướng dẫn viên Công ty du lịch Trường Anh, giới thiệu về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục cổ, có từ xa xưa, của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng.

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hai phần, phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm những nghi thức truyền thống, trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Tước Điểm ở đình Tổng, được thực hiện từ ngày 1/8 âm lịch, do các vị cao niên trong làng đảm nhiệm.

Tại đình làng, các chủ trâu đưa trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Từ đó, trâu chọi chính thức được gọi là “ông trâu”, là biểu tượng tâm linh, đại diện cho niềm tin và ước vọng của người dân nơi đây.

Phần hội diễn ra vào ngày mùng 9/8 âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay từ sáng tinh mơ, dân cư trong các làng đều kéo ra đình. Từ đây, lễ rước các ông trâu ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm.

Điệu múa khai hội được 24 tráng niên chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt, huyền ảo trong âm thanh rộn rã hùng tráng của trống và thanh la.

Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội vang lên. Từ hai cổng Bắc - Nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng. Khi hiệu lệnh phát ra, hai ông trâu từ hai phía được cho di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20m. Hiệu lệnh tiếp theo, người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi để hai ông trâu lao vào nhau bắt đầu trận so tài. Ông trâu chiến thắng trận cuối cùng sẽ trở thành quán quân của giải.

Sau khi kết thúc lễ hội, dù thắng hay thua, các ông trâu đều được mổ thịt để tế thánh thần, trời đất. Người ta tin rằng, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn và người nào được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, cũng sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn liền với nhiều truyền thuyết:

- Tước Điểm Đại Vương: Ở chân Núi Tháp, thuộc địa phận xã Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, có một ngôi đền thờ vị tôn thần, tên hiệu là Tước Điểm Đại Vương. Truyền thuyết ghi lại rằng một số người dân từng đi qua đền thờ tôn thần này và gặp hai con trâu húc nhau. Thấy động, chúng liền bỏ chạy xuống biển.

- Đền Bà Đế: Xa xưa có một cô gái xinh đẹp tên là Đế, nàng thường ra biển một mình và cất giọng hát làm mê đắm lòng người. Tiếng hát quyến rũ đến nỗi làm rung động trái tim Thủy Thần và hai người đem lòng yêu thương nhau. Vì lỡ có mang, lại chưa chồng nên nàng Đế phải chịu lệ làng khắc nghiệt, bị thả xuống biển để sóng biển dìm chết. Cô gái oan ức, hiển linh và được cộng đồng địa phương lập đền thờ, tên gọi là Đền Bà Đế. Nơi Bà chết, từ đó có rất nhiều tôm cá tập trung, là nơi ngư dân đánh bắt được mùa, nhưng cũng thường xảy ra nhiều tranh chấp giữa các vạn chài. Người ta bèn tổ chức thi chọi trâu, mỗi vạn chài được phép mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng, năm ấy vạn chài đó sẽ được độc chiếm bãi cá tôm và con trâu thắng cuộc được mang đi cúng tế Bà Đế, cầu mong cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa.

Ngày nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được nhân dân cả nước và du khách bốn phương biết tới như là một lễ hội lớn, gắn liền với tên tuổi của vùng đất Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Chuyện kể tiếp:

Có anh du khách thơ thẩn ngoài bãi biển Đồ Sơn lúc này đang vắng vẻ. Bỗng một cô gái xinh đẹp xuất hiện bất ngờ như từ dưới biển hiện lên. Nàng cười tươi:

- Vui vẻ không anh?

Anh du khách khẽ gật đầu, mỉm cười hạnh phúc. Anh nghĩ thầm: Giữa thành phố Hải Phòng xa lạ và xô bồ này vẫn có người quan tâm đến niềm vui của mình. Em gái Đồ Sơn thật đáng yêu!

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn…

 

Vũ Đình Bình - VHTT Gp BMT

Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình - VHTT Gp BMT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây