CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG Ở ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Thứ bảy - 18/05/2024 21:19
Đọc sách, xem tranh để nhớ Sài gòn và cũng là để nhớ những người đã khơi gợi cho ta.
CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG Ở ĐÔ THỊ VIỆT NAM


CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG Ở ĐÔ THỊ VIỆT NAM
Qua tranh ký hoạ của một hoạ sĩ Pháp

 

●Francis Assisi Lê Đình Bảng.
 

Dường như những bức tranh ký hoạ của hoạ sĩ Pháp mà tôi sắp nói ra đây, đã thổi hồn vào sinh hoạt đời thường muôn vẻ, muôn màu của mỗi chúng ta. Có thể, làm vơi bớt đi đôi chút ám ảnh, tối tăm? Mà cũng có thể đánh thức những trở trăn, u buồn chợt hiện về? Vâng, làm sao quên được cảnh đời của những gánh hàng rong; những mẹt quà bánh; những cái xe đẩy, lọc cọc, rao bán đủ thứ vặt vãnh; những người đạp xe đi lượm rác; những anh xe ôm nằm ngủ chênh vênh trên yên xe; bác phu xích lô ế khách ngồi đọc báo bên ly trà đá? Tất cả là một bức tranh toàn cảnh đậm nhạt những gam màu sáng tối của người dân đô thị Việt Nam, của riêng Sài gòn một thuở một thời chưa xa, dù 5, 10, 20 và…những 48 năm đã lặng lẽ đi qua. Một miền của ký ức đang nhạt nhoà…
 

1


Người tôi muốn nói đến ở đây, là Fred Campana sinh năm 1976 tại Aix-en- Provence, miền Nam nước Pháp. Chưa được bao nhiêu tuổi, mà đã có hơn 20 năm sinh sống tại Bắc Kinh, Tokyo, Seoul, Taiwan, Bangkok và hiện đang làm việc trong ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em. Tranh ký hoạ của anh trên Instagram đã được đón nhận với 18.000 lượt theo dõi và bình luận tích cực. Tác phẩm của anh là một lao động nghệ thuật, được xây dựng từ một quá trình: quan sát, ghi nhận và phác hoạ ra giấy, thành dòng tranh rất riêng, mang tên ký hoạ Fred Campana, không lẫn vào đâu được. Trả lời BBC News tiếng Việt, Fred Campana kể câu chuyện về đời mình. Rằng, cuối cùng, cách nay 15 năm, nghĩa là năm 2008, anh đã tự nguyện chọn Sài gòn để làmột chốn đôi quê” đi về. Ngay lập tức, anh bị thu hút bởi nhịp độ và năng lượng cuộc sống của thành phố không ngủ này. Không thể hiểu được, Fred nói trơn tuột, hình ảnh của một thành phố mười mấy triệu dân, chen chúc mịt mù trên những con đường ken cứng xe gắn máy, với mũ bảo hiểm đủ kiểu dáng, đủ sắc màu? Trông khác nào những dòng sông nổi bồng bềnh những cái nồi cơm điện biết đi? Anh hay ví von bông đùa rằng, giả như được bay ra khỏi tầng khí quyển, để nhìn về trái đất này, người ta thấy được Vạn Lý Trường Thành, như là biểu tượng của Trung quốc thế nào thì cũng thấy được những dòng sông uốn khúc nối đuôi nhau vô tận là sự di chuyển không mệt mỏi của những chiếc xe gắn máy ở Sài gòn như vậy. Xe ở đâu mà lắm thế? Nếu đưa cả ra đường thì có chỗ đâu mà đi, mà đậu? Bởi thế, bất cứ việc gì, ở đâu, lúc nào, tôi vẫn dễ dàngbắt được” cái xe ôm vừa ý để đi tới nơi, về tới nhà. Nhanh.Gọn. Rẻ. Mát trời ông địa. Có lẽ, tôi nghĩ bụng, chỉ có Việt Nam, chỉ có Sài gòn mới có cả một “dịch vụ công nghệ xe ôm”. Được đi, lại còn được… ôm!
 

2


Hỏi, những cái gì là đề tài anh chọn cho tranh ký hoạ của mình? Anh nói không úp mở:Tôi có tất cả mọi thứ ở xung quanh. Tôi có thể thả bộ hàng giờ, cả buổi, bất cứ ngày nào trong tuần. Bất cứ khi nào trông thấy một khung cảnh gợi cảm hứng, là tôi ngồi xuống ngay, lôi đồ nghề ra (bút, cuốn sổ phác thảo…) và vẽ. Lúc ấy, tôi mất đi cảm giác về thời gian, để hoàn toàn sống trong hiện tại với cảnh mình vẽ… Rất may, tôi được trời cho một người vợ - Jeannette - rất tâm đầu ý hợp, yêu tôi và yêu cả cái đam mê nghề nghiệp của tôi nữa. Thời tiết, khí hậu đỏng đảnh, bất thường của miền nhiệt đới, tôi hiểu, đã là một trong những thách thức. Nhưng đó lại là điều tôi tâm đắc, tôi đã yêu những giọt mồ hôi dưới trời nắng nóng, hay trong cơn mưathành phố là sông” được lội bì bõm về nhà, cùng vợ con ngồi tát nước ra đường. Đó là những kỷ niệm đẹp. Chứ ở bên Tây, kiếm đâu ra?
 

3


Tóm lại, đời sống muôn mặt của cư dân đô thị miền Nam nói chung và của Sài Gòn nói riêng, có một thuở, một thời chưa xa lắm, đã hiện lên rất rõ nét, qua tranh ký hoạ của Fred Campana. Từ gánh bún riêu, người bán vé số, em bé đánh giày cho đến chiếc xe ba gác chở đầy gà vịt kêu oang oác, một đôi quang gánh cần xế đi rao mua ve chai, lông vịt, cái ngõ hẻm quanh co, cái cột đèn điện chằng chịt dây nhợ, trạm xe buýt, một cửa hàng chạp phô, chuyến xe Lam rau rợ tập tàng từ ngoại ô vào, cái chợ xổm ở đầu phố…
 

4


Xem tranh của Fred Campana, tôi nhớ ngay đến Cụ khảo cổ họ Vương (1902-1996) với “Sài gòn Năm Xưa(1961),Sài gòn Tạp Pín Lù (1991) và đi ngược mãi về Cụ Petrus Trương (1837-1898) vớiSouvenirs Historiques Sur Saigon Et Ses Environs”. Họ đích thị - nói như văn hào Marcel Proust (1871-1922) - là những người “đi tìm thời gian đã mất”… của những vang và bóng xưa xa.
 

5


Và nay, xem tranh của Fred Campana, tôi lại nhớ tới Bé Ký, một hoạ sĩ tên tuổi, một người đàn bà duy nhất làm nghề ký hoạ và dong ruổi ngoài đường phố Sài gòn suốt dọc dài thời gian 1957-1975. Thậm chí, hình ảnh Bé Ký đã là một trong những chân dung mang vóc dángchứng nhân” của Sài gòn. Người ta đã thấy và đã quen mặt, biết tên cô bé hoạ sĩ có tên thật là Nguyễn Thị Bé (1938-2021), quê gốc Hải Dương ấy đi lang thang khắp phố phường Sài gòn, để vẽ và bán tranh, để kiếm sống. Đặc biệt ở những điểm dừng, là vỉa hè đông người qua lại, như: Tự Do, Lê Lợi, passage Eden, thương xá Tax, Calmette… Thế giới của Cô đấy. Chủ đề và chất liệu, sắc màu của Cô đấy. Đôi lúc, thật tình cờ, giữa phố, Cô gần như muốn ngồi bệt xuống và vẽ, trao ngay hàng nóng, hàng tươi cho khách. Chỉ loáng một cái. Vài ba nét phác và thảo thôi, mà gửi gắm trong ấy rất nhiều. Có người bảo, Bé Ký vẽ theo phong cách thủ ấn hoạ của làng tranh dân gian Đông Hồ. Tôi không nghĩ thế. Bé Ký khác. Bé Ký một mình, cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu nét vẽ của những bậc thầy, như các hoạ sĩ Trần Văn Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen. Kể chút chuyện vui. Nhớ, khoảng những năm 1962-1965, làng Văn Khoa Sài gòn chúng tôi có lập một sân bóng chuyền. Cứ chiều chiều, cả Y, Dược, Luật và Sư Phạm rủ nhau về, chơi với nhau mấy ván, gọi là cáp độ, thua phải trả tiền bia bọt ở cái quán Chung Nhuận Hy, bên kia đường Lê Thánh Tôn. Vui đáo để. Có cả vợ chồng cặp hoạ sĩ Bé Ký - Hồ Thành Đức.
 

Nói đến Bé Ký là nói đến Sài gòn, Sài gòn của những năm vắn vỏi, thanh bình, yên ả (1957-1962) và Sài gòn của loạn lạc, chiến tranh, núp trong nhà chất đầy bao cát (1963-1975). Ấy thế mà người ta đã lãng quên Bé Ký. Cho đến khi chợt nghe người nhà báo tin Bé Ký qua đời vào ngày 12 tháng 5 năm 2021 mới đây thôi.

 

6

 

Là kẻ ngoại đạo của hội hoạ, tôi xin mượn lời của hoạ sĩ tên tuổi Trịnh Cung để kết luận, Bé Ký là một người phụ nữ Việt Nam duy nhất sống cho hội hoạ, sống cho một đời thường nhưng rất đỗi dạt dào của người Sài gòn bằng tất cả tâm hồn mẫn cảm của bà. Từ Petrus Ký đến Vương Hồng Sển. Từ Ngô Văn Phát, người vẽ bản đồ và đặt tên đường cho Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định đến hoạ sĩ Bé Ký… và Fred Campana. Một quyển sách lịch sử - địa dư mở ra và khép lại về một miền đất đã lùi xa về ký ức.
 

Đọc sách, xem tranh để nhớ Sài gòn và cũng là để nhớ những người đã khơi gợi cho ta.

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây