Có biết bao lá thư con đã viết cho bạn bè, người thân và cả người yêu. Có lẽ viết về mẹ và cho mẹ là lá thư nhiều nước mắt, nhiều tâm tình, kỷ niệm và dấu ấn thương nhớ nhất.
Đọc những bài viết gửi về cho chương trình chuyên đề trong cuộc thi “viết về mẹ”, tôi thấy những điều này và kể ra đây.
Nói là cuộc thi “viết về mẹ”, không chỉ đơn thuần là cuộc thi, mà còn là một dịp để những người con có những phút dừng chân lại giữa dòng đời trôi chảy, để nhớ, nghĩ, thương về mẹ; mẹ đang ở đâu đó trong hạnh phúc hoặc đau khổ; mẹ đang lặn lội mưu sinh hay đang cầu nguyện, để nuôi dưỡng các con của mình.
Tình mẹ như người ta nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Khối tình ấy lớn quá làm sao kể hết, mỗi người con là một ký ức sống động về mẹ. Ngày còn thơ, mẹ luôn là số một, dù mẹ là ai, mẹ làm gì, mẹ hung dữ hay hiền lành, mẹ vẫn là mẹ. Ngày đã lớn, nhận ra vai mẹ gánh gồng, trán mẹ âu lo, mắt mẹ mờ đi; lúc ấy nhớ về mẹ, không chỉ nhớ và còn là thương, rất thương về mẹ. Rồi khi làm mẹ, mới hiểu hết tình mẹ “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”; mới thấu hết tình mẹ yêu con, mẹ thương con “cho roi cho vọt”, mẹ “mua kỷ niệm cho con”...
Mẹ là trang nhật ký của tuổi thơ đời con, bao nhiêu chuyện mẹ kể, bao nhiêu sự kiện xảy ra. Ngày đầu tiên con đến trường, ngày con thi rớt, bao chuyện buồn vui, mẹ kể cho con nghe. Có lẽ mẹ kể để cho con ý thức về con, biết con có những điểm yếu, mạnh để con vững bước trên đường. Mẹ là những trang nhật ký sống động của con.
Ngày đi xa, không ở bên mẹ; những khi khuya về trằn trọc, nhớ về mẹ, nhớ những điều làm phiền lòng mẹ, nhớ những lời ít nói với mẹ “Con yêu mẹ!”, nhớ nhiều đến khó nhọc mẹ nuôi con; những làn nước mắt không sao ngăn nổi, cứ lăn dài thành tiếng nấc. Mẹ đâu chỉ là ký ức, đâu chỉ là hoài niệm; ở xa đâu đó, những đứa con muốn chắp đôi cánh bay về bên mẹ, làm phụ mẹ cái này, chia sẻ với mẹ điều kia, nói với mẹ: “Con yêu mẹ”. Nhưng có được đâu, “viết về mẹ” để tỏ bày cho mẹ nghe tất cả những điều muốn nói ấy.
Có người con lên diễn đàn thuyết trình “Viết về mẹ”, mong ước mẹ ngồi phía khán giả để nghe con nói với mẹ, có được đâu, mẹ còn đang bận nơi xa. Mà có lẽ, ở nơi đâu đó mẹ vẫn biết con mình đang làm gì, mẹ vẫn theo bước chân con ở mọi nẻo đường, mẹ vẫn cầu nguyện cho con trong mọi khúc đường con đi. Chính vì vậy con mới hiểu “mẹ là bầu trời’, “là vầng trăng dịu mát”.
Nếu có hỏi, mẹ bao nhiêu tuổi? Có lẽ ai cũng ước mong, mẹ bao giờ cũng còn trẻ, để ở mãi trong cuộc đời của con. Ước mơ thôi, nào có được! Mẹ đã ra đi, có lẽ là ngày buồn nhất, ngày thấy rõ nhất từng cử chỉ, lời nói mẹ yêu con. Người ta nói “khi mất rồi mới thấy quý”, đúng chỉ một phần đối với mẹ. Có những người con làm hết mọi điều để mẹ an vui, để mẹ sống đời với con, nhưng “Ai níu nổi thời gian, ai níu nổi”, bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Quân.
Mẹ ra đi, mẹ không còn tuổi, mẹ hết ưu phiền; trong người con, mẹ vẫn sống, những mẹ, con nhìn, những suy tư, lời nguyện cầu.
Mẹ, dù con là ai giữa đời, về với mẹ, con vẫn là con của mẹ. Mẹ không giỏi, không đẹp, nhưng không quan trọng vì mẹ luôn là người con thương mến. Mẹ, không bao giờ thôi gọi tiếng mẹ từ khi bập bẹ. Mẹ là thế đó, nguyện cầu cho mẹ, dù còn sống hay đã khuất, mẹ luôn thấy vui và hạnh phúc vì có con. Gửi mẹ tất cả lòng yêu mến của con trong trang “Viết về mẹ”.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan