CON HỔ, CHIẾN BINH THẦM LẶNG

Thứ hai - 24/01/2022 18:17
Năm con hổ, biểu trưng sự dũng mãnh trước kẻ thù là ma quỷ.
CON HỔ, CHIẾN BINH THẦM LẶNG



Con Hổ, Chiến binh thầm lặng


 Không có ý gì khác hơn để nói về con hổ trong năm Dần. Tính kiên trì và nhanh nhẹn của nó, mang theo sức mạnh và hung dữ khiến mọi người sợ hãi. Nhờ vào những đặc tính của con hổ, người ta xem đó như một chiến binh bảo vệ vương quốc và sức mạnh của đức tin.

Chiến binh bảo vệ. Ở Trung Hoa đề cao con hổ với chức năng bảo vệ. Ngũ hổ trông coi bốn phương trời và tâm điểm, năm hướng bảo vệ vững chắc ngôi vương và vương quốc. Hổ trắng được biểu trưng cho đức độ của nhà vua. Bạch hổ một trong “tứ tượng”, Thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ. Hổ trắng quý hiếm, có người cho nó là bạch tạng, dù sao bạch hổ vẫn được coi là biểu tượng đức độ của nhà vua. Một cách diễn tả của anh minh trong việc soi xét, nghiêm khắc trong việc xử trí, dũng mãnh trong việc bảo vệ, oai hùng trong tư cách.

Biểu lộ những rằn ri trên lưng, biểu trưng sự ẩn giấu. Sức mạnh không phải là khoa trương, sức mạnh hệ tại ở việc kiên trì và đúng lúc. Nó luôn ẩn giấu chờ đợi ở bụi rậm, rừng tre, khóm trúc, giữa lau sậy, bụi rậm. Từng bước tiến lên gần sát con mồi, thuận tiện mới bung sức mạnh để bắt giữ. Nhiều bậc trượng phu xem đức tính này giống như thành trì bảo vệ đức tin, âm thầm nhưng mạnh mẽ, ẩn giấu nhưng uy lực, chậm bước nhưng nhanh nhẹn. Không phải cứ nhe răng, gầm gừ đe doạ là khiến người khác sợ.

Con hổ chỉ nhìn bằng đôi mắt kẻ thù đã run rẩy, hết năng lực bỏ chạy. Ánh mắt chăm chú kiên định ấy là lập trường lý tưởng của cuộc đời. Ở các môn thể thao đối đầu hay luyện võ công, người ta dạy luyện cho đôi mắt tinh tường, nhanh nhạy để đáp ứng nhanh tình huống xảy ra. Lý Tiểu Long nhận định trong võ nghệ của mình: “Đầu tiên luyện mắt, thứ hai can đảm và thứ ba quyền cước”.  Tập chú trong đạo, sẽ không còn sợ mà chính kẻ thù khiếp sợ.   

Ngũ Hổ được xem như thần trong văn hoá đạo mẫu. Ngũ hổ trong điện thờ thường là bức họa, điêu khắc, tượng. Biểu trưng cho việc phù hộ, ban phát tài lộc, công danh. Con cọp trong văn hoá còn gọi là “ông ba mươi”. Trong cuốn “Lĩnh nam chích quái”, nghĩa là chọn lựa những câu chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam, còn nói đến phải cúng ông ba mươi bằng tế vật người sống, thì dân làng mới được yên ổn.

Trong Kinh Thánh có nói về con sư tử khoảng 150 lần. Sư tử được biểu trưng cho ý chí kiên vững của Thiên Chúa “Sư tử, dũng mãnh hơn mọi loài thú và không chịu lùi bước trước bất cứ loài nào” (Cn 30, 30). Hieromino xếp hình sư tử trong sách Khải huyền cho Tin Mừng Thánh Mat cô.

Người công chính được sánh ví như sư tử, không sợ hãi trước sự dữ: “Ác nhân trốn chạy dù không ai đuổi bắt, còn chính nhân đứng vững tựa sư tử con. (Cn 28, 1).

Sư tử cũng được sánh ví như sự dữ, ma quỷ, nhưng Thiên Chúa vẫn là sức mạnh bảo vệ cho những người biết trong cậy tín thác vào Người. “Tiếng sư tử gầm, tiếng hùm thiêng rống, Người làm cho im bặt. Người bẻ gãy nanh sư tử con. Sư tử tiêu vong vì không còn mồi, tất cả bầy con phải tan tác.” (Giop 4, 10 – 11).

Và con người cũng cần cảnh gíác bằng đời sống cầu nguyện để tránh rơi vào sự dữ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. (1 Pr 5, 8).

Năm con hổ, biểu trưng sự dũng mãnh trước kẻ thù là ma quỷ. Tỉnh thức và cầu nguyện để có sức mạnh và có bình an từ Thiên Chúa.

Kính chúc quý Thầy, quý Sơ, quý ông bà, anh chị em, một năm đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhận ra ân sủng Chúa thương ban, luôn kiên vững trong lời cầu nguyện và nhanh nhẹn đáp lại tiếng Chúa mời gọi, tránh mọi sự dữ, gặt hái điều lành, sống ơn bình an.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây