NHỮNG GIAI ĐIỆU CUỘC ĐỜI
(Kn 3,1–9 ; Rm 6, 3–9 ; Ga 17, 24–26)
Anh chị em thân mến,
Tối hôm qua, khi tham dự nghi thức nhập quan, con nhìn thấy một chiếc đàn mandoline treo bên cạnh thi hài của ông cố Gioan Baotixita. Con hỏi cha Huề chiếc đàn có ý nghĩa gì? Cha Huề cho biết, đó là chiếc đàn mà ông cố đã xử dụng hầu như suốt cuộc đời. Treo chiếc đàn bên cạnh ông cố để tưởng nhớ về hành trình một cuộc đời.
Con rất ấn tượng về hình ảnh chiếc đàn mandoline này và nó gợi cho con về những giai điệu mà ông cố đã gởi vào chiếc đàn khi hát lên những khúc tình ca, những bài thánh ca. Những cung bậc cảm xúc được hoà với tiếng đàn cùng với tiếng hát đã từng tạo nên những không gian thánh thiêng. Con hồi tưởng cuộc đời ông cố như là nơi hội tụ những giai điệu. Các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ An táng hôm nay gợi cho con nhận ra ba giai điệu: “giai điệu Tình yêu tha thiết”, “giai điệu Đức tin sống động”và “giai điệu Hạnh phúc vĩnh hằng”.
1. Giai điệu “Tình yêu tha thiết”
Trong bài Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 17, 24–26), Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Người và cũng cầu nguyện cho những ai nhờ họ mà tin vào Người như Người đã thưa với Chúa Cha : “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con”(Ga 17, 20).
Chúa Giê-su cầu nguyện điều gì? “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang Cha đã ban cho con… Lạy Cha, những người này đã biết chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và còn sẽ cho họ biết nữa, để tình Cha yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”(Ga 17, 24–26).
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta nhận ra bốn động từ thật quan trọng: “ở với”, “chiêm ngưỡng”; “nhận biết”, “ở trong”. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giê-su đã sống những cung bậc của tình yêu, một tình yêu dạt dào dành cho những người mà Người yêu thương tha thiết. Những người đó, là các tông đồ, là chúng ta, là ông cố Gio-an Baotixita.
Bốn động từ đó liên kết với nhau tạo thành một giai điệu, giai điệu của tình yêu tha thiết. Bằng lời cầu nguyện này, Chúa Giê-su đã kết dệt và diễn đạt “giai điệu tình yêu tha thiết”. Chúa Giê-su là người đầu tiên đã hát một cách tuyệt vời giai điệu tình yêu tha thiết.
Hôm nay, chúng ta cùng với ông cố Gio-an Baotixita dâng thánh lễ cuối cùng, trước khi thân gửi thi hài ông cố trong lòng đất mẹ Châu Sơn. Đây cũng là dịp để, nhờ Lời Chúa soi sáng, chúng ta hồi tưởng lại cuộc đời ông cố, không phải để ca ngợi những huân nghiệp của người quá cố, nhưng để ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã gieo vào cuộc đời ông cố những giai điệu tuyệt vời.
Ông cố đã được sinh ra trong một gia đình truyền thống công giáo, đạo hạnh, đã nhận được tình yêu thương thiết tha của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa, qua các bí tích và những nẻo đường thiêng liêng, đã gieo vào cuộc đời ông cố những cung bậc tình yêu để dệt thành giai điệu tình yêu tha thiết; vì Chúa Cha đã ban tặng ông cố cho Chúa Giê-su như một quà tặng quí báu. Ông cố đã đón nhận tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, để đến lượt mình, ông cố đã trở thành quà tặng cho gia đình và cho cả chúng ta. Ông cố được trao ban như quà tặng của giai điệu tình yêu tha thiết.
Thật vậy, những ai đã biết ông cố, đều nhận ra rằng nơi ông cố có một tình yêu tha thiết, xuyên qua những kinh nghiệm ngay từ lúc sinh ra và trải dài trong cuộc sống. Trong trích đoạn tập hồi kýcủa ông cố mà gia đình vừa gửi cho bản thân con – ông cố đã ghi nhận rằng việc ông cố còn sống trên trần gian này là một hồng ân thật cao quí. Vì, khi vừa mới lọt lòng mẹ, đã ngộp thở như đã chết, may nhờ bà hộ sinh truyền hơi thở nên mới được sống. Một ân phúc mà ông cố hằng ghi lòng tạc dạ đối với vị ân nhân này.
Rồi khi đến tuổi biết yêu đương, chàng thanh niên đã yêu thắm thiết cô Trinh là người vợ thân yêu sau này. Trong hồi ký, ông cố đã viết lên tình yêu tha thiết đối với người bạn đời yêu thương này. Cách đây khoảng hơn một tháng, con cùng với một số anh em Phước Sơn có dịp ghé thăm ông cố. Khi nhìn thấy di ảnh của bà cố – khuôn mặt trẻ và đẹp, hiền thục – con đã hỏi ông cố về bà cố. Chính cơ hội này, ông cố đã nói lên tình yêu tha thiết đối với người vợ đã khuất từ lâu. Thật là một cuộc đời như một giai điệu tình yêu tha thiết. Và một tình yêu tha thiết đối với những người con mà Chúa ban cho qua tình yêu hôn nhân chung thuỷ.
Ông cố còn có một tình yêu đặc biệt đối với những người ngoài gia đình, đó là những người nghèo, đau ốm. Ông cố luôn đi thăm họ và động viên họ, mang lại cho họ niềm vui sống, nụ cười. Phải chăng đó là âm hưởng của giai điệu tình yêu tha thiết in đậm trong cuộc đời ông cố, mà chiếc đàn mandoline kia đã từng tấu lên những cung bậc cảm xúc tình yêu đó?
Ông bà cố đều là những người có khiếu âm nhạc. Dù không được học hành gì nhiều, nhưng đã truyền lại cho con cháu “năng khiếu trời ban” như một ân lộc của Chúa để phục vụ Giáo Hội và xã hội, đặc biệt trong lãnh vực thánh nhạc. Phải chăng giai điệu tình yêu tha thiết đã gieo âm hưởng trên các thành viên gia đình để hình thành một gia sản quí báu cho mọi người?
Và còn hơn thế nữa, ông cố luôn quan tâm đến ơn gọi tu trì của con cháu, luôn khuyến khích sống đúng ơn gọi, nhất là tuân giữ các lời khấn và luật dòng.
Anh chị em thân mến,
Tiễn đưa ông cố trong thánh lễ an táng này, và cùng nhau hồi tưởng cuộc đời ông cố, để chúng ta nhận ra rằng cuộc đời mỗi chúng ta là một giai điệu “tình yêu tha thiết”, một sự hoà quyện giữa tình yêu Thiên Chúa, tình yêu gia đình, tình yêu tha nhân, tình yêu đối với Giáo Hội và xã hội, để hình thành một bản giao hưởng cho việc phục vụ. Tối hôm qua, cha J.B Nguyễn Huy Bắc, một linh mục bên ngoại tộc của bà cố, trong nghi thức nhập quan đã dùng từ “phục vụ” để làm nổi bật nét đặc thù của đời sống ông cố. Việc phục vụ đó được tiếp tục nơi con cháu khi trở thành những ca viên, những giáo lý viên, những giáo dân tham gia tích cực mọi sinh hoạt của giáo xứ, đặc biệt nơi những người con, người cháu là linh mục, là nữ tu. Phải chăng, giai điệu tình yêu tha thiết nơi ông cố và cả nơi chúng ta có sức quang toả, gieo âm hưởng trên tha nhân, trong những gì tinh tuý nhất?
Cuộc đời ông cố, dù là một giai điệu tình yêu tha thiết, nhưng cũng có những cung trầm, dấu lặng, cả những cung bậc của khổ đau. Trong những hoàn cảnh đó, điều gì cần được thắp sáng lên?
2. Giai điệu “Đức tin sống động”
Chúng ta vừa nghe bài đọc thứ nhất, trích sách Khôn ngoan (Kn 3, 1–9). Những lời trong trích đoạn sách này chợt cho thấy nỗi khổ đau được diễn đạt bằng từ “ra đi”, và những nhận định về ý nghĩa của hạn từ đó. Những nhận định này phát xuất từ những người vô tri – bọn ngu si, từ người đời hay từ chính nhân.
“Khi người công chính ra đi, bọn ngu si coi họ như đã chết rồi, là gặp điều vô phúc, là bị Chúa trừng phạt…”(Kn 3, 2–3). Đó là suy nghĩ của bọn ngu si, của người đời, nghĩa là của những người không có đủ nhận thức và cảm thức đúng đắn. Nhưng đối với chính nhân – người công chính , những cuộc ra đi lại mang ý nghĩa khác. Họ nhìn với đôi mắt đức tin. Họ thấy đó là những thử thách của Tình Yêu, vì Tình Yêu, cho Tình Yêu. Nghĩa là họ nhìn tất cả những khổ đau, những biến cố trong Thiên Chúa, trong lòng tin thác vào Thiên Chúa.
Dù là chính nhân, họ vẫn phải kinh qua những cuộc ra đi – nghĩa là những mất mát, phải trải nghiệm những cung bậc đau thương. Nhưng những thứ đó hình thành nơi họ một giai điệu: giai điệu “đức tin sống động”. Thử thách vẫn có đó, nhưng ý nghĩa đã khác đi và phản ứng cũng tích cực cho một sự lớn lên trong đức tin.
Anh chị em thân mến,
Cuộc đời ông cố Gio-an Baotixita được ghi dấu bởi những cuộc “ra đi”, những chia lý rất đau đớn. Cuộc ra đi xa lìa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn đã để lại trong tâm tư ông cố một nỗi hoài vọng không nguôi. Trong tập hồi ký, ông cố viết: “Mãi chờ ngày thống nhất trở về quê hương, hằng ngày rất nhớ nơi chôn nhau cắt rốn”. Rồi khi có cơ hội, ông cố đã cùng con cháu thực hiện một cuộc trở về thăm quê hương, đã ghé lại đền thánh An-tôn ở Trại Gáo, như để nhắc nhở những thế hệ kế tiếp về giá trị của quê hương.
Những biến cố lịch sử như làm cho gánh trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình thêm nặng nề. Nghèo, vất vả, thiếu thốn mọi sự… Rồi biến cố đau thương xảy ra vào ngày 29 tháng 6 năm 1976: người vợ thân yêu qua đời lúc tuổi 49, để lại một đàn con 11 đứa mà đứa út mới đầy ba tuổi. Những đứa con mà ông cố viết trong hồi ký là dại nhiều hơn khôn!. Nhà cửa bị chiến tranh làm hư nát, cực kỳ khó khăn!!! Trong hồi ký, ông cố thổ lộ: “…ta chán nản…”. Thật là những cung bậc của khổ đau. Những thử thách như không thể vượt qua được. Nhưng trong hoàn cảnh đó, ông cố đã cầu nguyện, và lời cầu nguyện được viết lại trong hồi ký: “Ta đã sốt sắng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con nhiều nghị lực để con chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã giao cho con.”
Những thử thách đó đã không quật ngã ông cố; trái lại, chúng đã giúp hình thành một giai điệu, giai điệu của đức tin, của cầu nguyện.
Cảnh gà trống nuôi con! với đàn con tám trai, ba gái. May thay Chúa an bài có O (Cô) Cát, người em gái sống độc thân dành cả cuộc đời để cùng anh nuôi dưỡng đàn con. Trong hoàn cảnh đó, ông cố đã hy sinh đời mình cho các con, quan tâm từng đứa một, nhất là những đứa đi tu, và út Hy mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi. Chỉ có giai điệu “Đức tin sống động” đã nâng đỡ ông cố và gia đình. Thiên Chúa đã thổi hồn sống vào giai điệu cuộc đời ông cố, trong hoàn cảnh éo le và khổ đau. Dù sống trong thử thách, ông cố đã nắn lên những dấu nhạc, gửi vào chiếc đàn mandoline những làn điệu của thánh ca, để nâng cuộc đời lên cao, vượt qua những gian truân.
Rồi lại một biến cố đau thương khác, đó là sự ra đi đột ngột vì tai nạn của người con trai thứ 7 dấu yêu vào ngày 17 tháng 3 năm 1992. Ông cố viết trong hồi ký: “Vết thương quá lớn lao này không bao giờ quên. Một đứa con bản tính rất tốt. Thương con trai rồi lại thương cháu mồ côi, thương con dâu son sẻ, xinh đẹp…”. Thật là thêm một dấu trầm, một dấu lặng vào giai điệu cuộc đời. Nhưng đó lại là giai điệu “Đức tin sống động”. Đây là điều ông cố sống và xác tín. Chính Chúa thổi vào đời ông cố giai điệu Đức tin sống động này.
Rồi chính bản thân với tuổi già và bệnh tật, ông cố luôn phó thác và vui tươi đón nhận tất cả. Phải chăng giai điệu tình yêu Chúa đã trở thành giai điệu đức tin nơi ông cố?
Anh chị em thân mến,
Khi chúng ta dâng thánh lễ cuối cùng này để tiễn đưa ông cố Gio-an Baotixita về Nhà Cha Trên Trời, chúng ta cũng mong ước và từng ngày tài bồi để giai điệu cuộc đời chúng ta cũng được sáng lên bằng đức tin sống động. Ai trong chúng ta đã, đang và sẽ trải nghiệm thử thách, khổ đau của những cuộc “ra đi”; nhưng, đâu là ý nghĩa mà chúng ta cần có, và hơn thế nữa, đâu là ánh sáng đức tin cần thiết để rọi chiếu hành trình cuộc đời này.
Anh chị em thân mến,
Dù cuộc đời là giai điệu tình yêu tha thiết, dù cuộc sống có sáng lên nhờ giai điệu đức tin sống động, nhưng nếu không có giai điệu thứ ba, thì hai giai điệu kia cũng vô ích,và cuộc nhân sinh sẽ đi vào ngõ cụt. Giai điệu cần thiết kia, như là điểm tới của hai giai điệu trên, đó là giai điệu hạnh phúc vĩnh hằng.
3. Giai điệu “Hạnh phúc vĩnh hằng”
Chúng ta vừa nghe bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma (Rm 6, 3–9 ). Thánh nhân đã đề cập đến sự hiệp nhất với Chúa Giê-su Ki-tô trong mầu nhiệm của bí tích thánh tẩy. Trong bí tích thánh tẩy, chúng ta được hiệp thông với Chúa Ki-tô trong sự chết và sự sống của Người; để chúng ta thuộc trọn về Người, cho một cuộc sống mới. Và chính sự sống mới này biến đổi chúng ta thành những con người mới. Chính vì thế, chúng ta sẽ không bao giờ chết nữa, tử thần sẽ không có quyền lực gì trên chúng ta, cũng như đã không có quyền gì trên Chúa Ki-tô. Cái chết, tử thần lại là cánh cửa mở ra cho sự sống vĩnh hằng. Chúa Ki-tô đã sống lại, và chúng ta cũng đã được sống lại với Người. Như vậy, đời sống chúng ta là hành trình hướng tới đời sống vĩnh hằng. Nếu như vậy, chúng ta sẽ vui mừng vì đang tiến tới niềm hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc vĩnh hằng. Đây là giai điệu mà chính Chúa Ki-tô đã trước tác nên khi Người sống lại và ngự trong vinh quang thiên quốc. Thế thì đời sống chúng ta cũng vậy, vì chúng ta được thông hiệp với Chúa Ki-tô và đượcđồng hình đồng dạng với Người. (x Rm 8, 29).
Khi nhìn lại cuộc đời ông cố Gio-an Baotixita, những ai đã tiếp xúc với ông cố, đều có cùng một cảm tưởng rằng ông cố là người rất vui tươi, và rất khôi hài. Nụ cười không bao giờ tắt trên môi. Cách đây hơn một tháng, khi gặp lại ông cố, một số anh em Phước Sơn chúng con đã nghe ông cố kể một vài kỷ niệm ngày xưa khi có dịp thăm một vài anh em trong cộng đoàn Phước Sơn nơi này nơi kia. Giọng nói còn oang oang và nhất là khiếu khôi hài. Phải chăng, đó là một thành tố tạo nên giai điệu cuộc đời ông cố, giai điệu hạnh phúc.
Ông cố là người rất ham học biết, rất thích đọc sách báo đạo, sách tu đức thiêng liêng. Phải chăng những kiến thức được thủ đắc đó để thêm nhân tố hình thành giai điệu hạnh phúc nơi ông cố? để cho một đời sống có ý nghĩa? Cuộc sống thêm những kiến thức và ngày càng thêm, để dẫn tới sự viên mãn. Đó là cuộc sống ngày càng phong phú hầu dần đạt tới hạnh phúc.
Những kiến thức đạo và cá tính nhân hậu đã hình thành nơi ông cố nên một con người bao dung. Sự bao dung được diễn tả với sự lạc quan, thương yêu và cái nhìn tích cực. Cuộc đời ông cố như một giai điệu hạnh phúc… hạnh phúc bây giờ và tiến tới hạnh phúc viên mãn, vĩnh hằng. Phải chăng khi hồi tưởng lại cuộc sống của cha mình dưới hình ảnh một con người hạnh phúc, mà em Ngọc Hy, trong bài đáp ca, đã hát lên thánh vịnh 115: “Tất cả là hồng ân” mà người anh là linh mục Ân Đức đã phổ nhạc, để cảm tạ Thiên Chúa, và để hát cho cha mình nghe, như cùng hoà điệu với cộng đoàn phụng vụ, để dâng lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn hạnh phúc viên mãn và là hạnh phúc vĩnh hằng. Giờ đây, bên Chúa, bên người vợ yêu quí, bên đứa con trai thân yêu, cùng với tổ tiên, ông cố đang hát lên giai điệu hạnh phúc vĩnh hằng, và như lời mời gọi chúng ta cùng hướng về đó như đích điểm cuộc sống trần gian. Chiếc đàn mandoline còn ở lại trần gian, nhưng giờ đây là những cây đàn của các thiên thần được sử dụng để cử lên giai điệu hạnh phuc vĩnh hằng.
Anh chị em thân mến,
Cuộc đời chúng ta có nhiều thăng trầm, trải nghiệm nhiều cung bậc. Những thăng trầm, những cung bậc đó có dệt thành những giai điệu không? Nhưng là những giai điệu nào đây?
Giai điệu phải có ý nghĩa. Và để có ý nghĩa, đương nhiên phải có người gợi hứng, thổi hồn vào. Người đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những giai điệu đó cũng cần được sự trợ lực của tha nhân, đặc biệt những người thân yêu, gần gũi, chia sẻ trong hành trình cuộc sống. Trong hồi ký, ông cố đã viết lên lời tri ân: “Nhờ nhân đức của bà Hân cũng như tổ tiên nội ngoại, ta mới được như hôm nay, diễm phúc được gọi là ông cố.” Thật đẹp khi nhìn ra những ân ban của Thiên Chúa qua trung gian những con người, trung gian nhân loại.
Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã thổi vào cuộc đời ông cố Gio-an Baotixita những làn điệu, những giai điệu hạnh phúc của một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời phục vụ, một cuộc đời mở ra cho sự sống đời đời.
Chúng ta ký thác ông cố cho Mẹ Ma-ri-a, mà ông cố rất yêu mến. Ông cố ghi lại trong hồi ký lời căn dặn của thân mẫu: “Bất cứ cuộc đời hay xã hội nào, mỗi ngày con hãy nhớ đọc kinh “Hãy nhớ” hoặc một chục hạt, hay đọc ba kinh Kính Mừng, để tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a cách riêng, thì Người sẽ không bỏ con.”
Chúng ta mong ước và cầu nguyện cho ông cố được đón nhận vào Nhà Cha trên Trời, để được sống mãi trong hạnh phúc vĩnh hằng với Chúa Ki-tô, như chính mong ước của Người: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con trước khi thế gian được tạo thành.”(Ga 17, 24)
Gio-an Thánh Giá Lê Văn Đoàn
Viện Phụ Phước Sơn kiêm Viện phụ Hội trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia.
Tác giả bài viết: Cha Gio-an Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Viện phụ Hội trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn