CHIA SẺ LỜI CHÚA LỄ CHÚA BA NGÔI

Thứ sáu - 02/06/2023 15:34
Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ Chúa Ba Ngôi, đưa chúng ta trở lại với hành trình đó, như một lời đề nghị dành cho các tín hữu, hãy chuẩn bị những gì cần thiết cho hành trình ở phía trước của mình, đừng để lầm lạc trong niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất.
LỄ CHÚA BA NGÔI
LỄ CHÚA BA NGÔI


SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM A


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 3, 16-18)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".


Suy niệm



Cứ mỗi lần giơ tay làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, người tín hữu Kito tuyên xưng một cách xác tín, niềm tin của mình vào một Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, hiện diện nơi một biểu tượng đem lại ơn cứu độ cho con người, đó là cây thánh giá. Niềm tin của người Công giáo hôm nay, là kết quả của một quá trình rất dài của Thiên Chúa dìu dắt con người, đi trong hành trình cứu độ của Ngài. Khởi từ tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa xây dựng một dân riêng của Ngài, với một niềm tin độc thần vào một Thiên Chúa duy nhất, hành trình đó, trải qua nhiều thăng trầm, nhiều thất bại của Ngài cũng như của con người, điểm đến quan trọng nhất là sự xuất hiện của Đức Giesu, Con Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ Chúa Ba Ngôi, đưa chúng ta trở lại với hành trình đó, như một lời đề nghị dành cho các tín hữu, hãy chuẩn bị những gì cần thiết cho hành trình ở phía trước của mình, đừng để lầm lạc trong niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất.

Để có được một dân tộc gọi là dân riêng của Thiên Chúa, Ngài đã nắm lấy tay họ, dẫn đi từng bước một, từ một nhóm nhỏ ban đầu với niềm tin đa thần, Ngài dùng nhiều phương cách, để đưa họ tới một niềm tin độc thần, niềm tin đó có một khởi đầu khá mong manh, nhưng Thiên Chúa vẫn đủ kiên nhẫn và yêu thương, để chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ họ trong suốt hành trình dài. Lời cầu nguyện của ông Môi-sen trong bài đọc 1 như là một sự bộc lộ yếu đuối của dân riêng đó, họ kêu la khi đói, khi khát, họ nổi loạn khi đối diện với quân thù. Tất cả cho thấy khi đối diện với những thách đố nguy hại đến sự sống, con người có thể xa rời Thiên Chúa: “Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Thiên Chúa là Đấng xót thương, từ nhân và bao dung, đó là bản chất của Ngài, vì thế, Môi-sen đã dựa vào lòng bao dung đó, để cầu xin sự tha thứ cho đám dân đã sống bội bạc với Ngài. Quả thực, lời cầu xin đó đã đem lại sự sống cho những kẻ tội lỗi. Và hôm nay, Đức Giesu vẫn luôn cầu nguyện cho những ai đã biết chọn Thiên Chúa là gia nghiệp cuộc đời của mình.

Sau khi trở lại với niềm tin Công giáo, thánh Phaolo đã mạnh dạn giới thiệu về một Đức Giesu đã yêu thương con người, đã chết cho con người. Dù đã tin vào Thiên Chúa, nhưng họ ít nhiều còn ảnh hưởng với những lối sống của những người vô thần, của các dân ngoại bang, vì thế, sự chia rẽ trong cộng đoàn, sự ganh tị và lối sống thiếu niềm tin, vẫn ẩn hiện đâu đó trong các cộng đoàn, lời khuyên bảo trong bài đọc 2 cho chúng ta thấy, thánh nhân muốn nhắc họ, mỗi khi cầu nguyện, hãy nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để xin sự hiện diện của Ngài giữa cộng đoàn, để xin sự hiệp thông Ba Ngôi, là nền tảng cho sự hiệp thông trong cộng đoàn: “Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em”. Thánh Phaolo như nhắc nhở con cái ngài hãy bắt đầu từ mầu nhiệm thập giá, nơi có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, để cầu nguyện và để hướng đến sự hiệp thông tình yêu đó, và đó cũng là yếu tố để xây dựng một cộng đoàn giáo hội vững mạnh và năng động trong Thánh Thần.

Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giesu và ông Ni-cô-đê-mô, Ngài đã vén mở phần nào cho thấy sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của con người, đặc biệt là sự hiện diện của người Con trong lịch sử nhân loại. Chúa Cha yêu thế gian, ban người Con cho thế gian như một dấu chỉ của tình yêu, không những thế, Chúa Cha còn đồng hành với người con trong mầu nhiệm nhập thể của người Con. Khi giờ của Ngài đã đến, Chúa Cha đã dùng quyền năng Thánh Thần, cho người Con duy nhất đó sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa. Một mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi: “Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một cánh cửa của tình yêu hướng ra bên ngoài, chính tình yêu mở ra từ Chúa Cha dành cho Chúa Con, mà chúng ta biết được phần nào sự ưu ái Chúa Cha dành cho con người. Cũng từ tình yêu mở ra đó, Chúa Thánh Thần trở nên một ngôi vị, gắn kết giữa các ngôi vị với nhau, đó là mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi, tính hiệp thông bày tỏ sự tôn trọng và cùng yêu thương nhau trong kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, mầu nhiệm này rất cần thiết cho Giáo hội, cho các cộng đoàn, cho các tín hữu trong gia đình của Thiên Chúa.

Trong hành trình đức tin của người tín hữu, làm dấu thánh giá là một cử chỉ niềm tin tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn nhất. Cũng từ cử chỉ của mầu nhiệm này, người tín hữu giới thiệu với thế giới về một sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi cây thập giá, nơi Đức Giesu đã bị treo lên như một tử tội. Nơi mầu nhiệm thập giá đó, luôn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, có thể nói được rằng, trên thánh giá, Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, Chúa Con là tình yêu chịu đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa đã cứu độ con người ngày xưa trên đồi Can vê, và hôm nay, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn tạo dựng, vẫn cứu chuộc và vẫn thánh hóa con người. Để nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, người tín hữu cần ý thức về cử chỉ làm dấu hàng ngày của mình, bởi nơi cử chỉ đó, thánh giá được coi là biểu tượng của niềm tin độc thần của đạo Công giáo, Thiên Chúa vẫn mãi là vị thần duy nhất và luôn hiện diện bên cạnh con người, để giúp họ mỗi ngày sống ơn gọi làm người và là một tín hữu hoàn thiện hơn.

Mỗi ngày, người tín hữu giơ tay làm dấu thánh giá không biết bao nhiêu lần, tất cả để tuyên xưng niềm tin của mình. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, đó là lời của nghi thức làm dấu, người tín hữu nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa để khởi đầu một ngày mới, để khởi đầu một công việc, để khởi đầu một bữa ăn hàng ngày. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là người tín hữu sẽ đại diện cho Thiên Chúa, để sống một ngày thật hữu ích, để làm một công việc thật ý nghĩa, và để thánh hóa những gì Thiên Chúa ban cho con người là của ăn thức uống. Nhân danh Thiên Chúa cũng là lúc chân nhận sự hiện diện của Ngài bất cứ nơi đâu người tín hữu xuất hiện, họ sẽ là sứ giả của Thiên Chúa, họ sẽ là người nói thay Thiên Chúa và làm thay cho Thiên Chúa, họ không làm theo ý riêng của mình. Cử chỉ thánh thiêng này như một lời xác quyết về niềm tin độc thần của người Công giáo, chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể cuộc đời con người.

Trong một xã hội đề cao những giá trị của vật chất, quyền bính và địa vị, con người có những lúc đã thay thế hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa, bằng những vị thần mà họ coi là cứu cánh cuộc đời của họ. Giá trị của con người hôm nay được minh định dựa trên tài sản và địa vị xã hội, dựa trên những yếu tố thực dụng của cuộc sống, đời sống tôn giáo cũng chỉ là một yếu tố như bao yếu tố khác, vì thế, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, luôn đòi hỏi người tín hữu Kito phải chọn lựa, phải phân biệt và phải rõ ràng, nếu không niềm tin đó vô tình biến mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi như một vở kịch, như một câu chuyện cổ tích, còn Thiên Chúa chỉ là môt ký ức, chỉ là một vị thần như bao vị thần khác trong cuộc sống mà con người cần đến. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là một cơ hội thức tỉnh niềm tin của người tín hữu, có lúc vô tình họ để cho niềm tin ấy trôi theo những xu hướng của xã hội, hoặc niềm tin đó bị mai một vì những trào lưu của ý thức hệ trong xã hội hiện đại. Cũng cần có sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, đấng được gọi là Thần Chân lý, để mỗi người là một lời chứng sống động về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giesu, khi bước vào lịch sử nhân loại, Chúa đã vén mở cho chúng con biết về Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là những ngôi vị của Thiên Chúa, nhưng quan trọng nhất đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính của Ngài, xin cho chúng con luôn ý thức về niềm tin của mình là một niềm tin độc thần, tin vào một Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ba Ngôi trong mầu nhiệm cứu độ con người, giúp chúng con hiểu được phần nào chiều sâu của tình yêu cứu độ, xin giúp chúng con luôn cố gắng làm chứng cho tình yêu đó, mỗi khi chúng con làm dấu thánh giá trong cuộc đời. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây