CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

Thứ năm - 27/05/2021 18:23
Chúa nhật thứ chín mùa thường niên được dành riêng để hướng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi từ đây trở lại với đời sống chứng nhân của mình, người tín hữu hơn ai hết hiểu rõ Thiên Chúa tôi đang tin thờ là vị Thiên Chúa nào, Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời mỗi người và chính bản thân, Ngài đến với tôi trước hay tôi đến với Ngài trước. Tất cả những vấn nạn này giúp người tín hữu có một niềm tin tinh tuyền và độc thần giữa một xã hội đa thần.
CHÚA NHẬT CHÚA  BA NGÔI
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

Bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 28, 16-20)

 

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

 

Suy niệm

 

Lớn lên trong gia đình Giáo hội Công giáo, người tín hữu nào cũng được học hỏi về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm quan trọng trong các mầu nhiệm của đạo thánh. Từ mầu nhiệm này, người tín hữu luôn minh định niềm tin của mình hàng ngày, để hành trình đức tin của bản thân không bị lệch lạc, không bị tục hóa và cũng không rơi vào tình trạng mê tín hay cuồng tín. Chúa nhật thứ chín mùa thường niên được dành riêng để hướng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi từ đây trở lại với đời sống chứng nhân của mình, người tín hữu hơn ai hết hiểu rõ Thiên Chúa tôi đang tin thờ là vị Thiên Chúa nào, Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời mỗi người và chính bản thân, Ngài đến với tôi trước hay tôi đến với Ngài trước. Tất cả những vấn nạn này giúp người tín hữu có một niềm tin tinh tuyền và độc thần giữa một xã hội đa thần.

 

Sau khi tiếng kêu than từ đất Ai cập thấu tận trời xanh, Thiên Chúa đã cúi xuống, đem dân riêng Ngài ra khỏi kiếp nô lệ. Môi-sen người đã được trao sứ mạng dẫn đưa dân riêng của Thiên Chúa ra khỏi cảnh lầm than xứ người, đồng thời, ông cũng được trao sứ vụ củng cố niềm tin của cộng đoàn. Sống cảnh du mục đó đây trong sa mạc Si-nai, rồi bước vào vùng đất của người Ai-cập, dân Do thái đối diện với một đời sống tôn giáo đa thần. vì thế, khi được lên đường trở về đất hứa, trước khi đặt chân lên mảnh đất chảy sữa và mật, họ phải xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, bởi chỉ có một Gia-vê Thiên Chúa, đấng đã yêu thương và giải cứu họ: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi". Cả một hành trình dài của lịch sử dân riêng, niềm tin đa thần được thay thế bằng niềm tin độc thần, đây là một sự thay da đổi thịt từ bên trong lẫn bên ngoài, họ phải thay đổi khuôn mặt Gia-vê trong tâm trí họ, thay đổi quan niệm về một thần linh đặc biệt đã yêu thương và lắng nghe họ giữa cảnh tăm tối cuộc đời. Ngài còn đồng hành với họ trên từng bước chân cuộc đời. Tôi sẽ chọn Ngài là Gia-vê Thiên Chúa độc nhất để tôn thờ, hay chấp nhận nhiều thần ngoại bang khác, hiện diện trong cuộc đời và giúp cho đời sống hàng ngày của tôi hữu ích và tốt đẹp hơn ?

 

Theo dòng lịch sử cứu độ, từ niềm tin đa thần, Gia-vê Thiên Chúa đã dùng chính con người như Môi-sen, các Tiên Tri, các Vua cùng những vị đại diện khác, uốn nắn đời sống tâm linh của cộng đoàn, đưa niềm tin đó đi vào quỹ đạo độc thần mà Thiên Chúa mong đợi. Khi Đức Giesu nhập thể, Ngài vẫn minh định cụ thể là chỉ có Thiên Chúa duy nhất hiện diện ở trên trời chứ không có thần nào khác. Từ những tâm tình đó, thánh Phaolo đã hướng dẫn cho cộng đoàn giáo hội Roma hiểu rõ hơn về chiều sâu tâm linh của niềm tin đó, tất cả đều nhờ đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Khi đón nhận niềm tin đó dưới sự hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa, con người mới khám phá vị thế của bản thân có một giá trị thiêng liêng và cao quý như thế nào trước mặt Thiên Chúa. Mối tương quan giữa con người với Đức Giesu, người Con duy nhất của Thiên Chúa là một mối liên hệ thừa tự, là anh em với nhau cùng một Cha. Do đó, để có được một niềm tin độc thần, cần có thời gian và sự cố gắng rất nhiều từ Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ và hướng dẫn bằng nhiều cách thế, con người cố gắng loại bỏ những gì không cần thiết, san định lại mối tương quan của bản thân với một Thiên Chúa duy nhất, từ đây, cuộc đời của các tín hữu sẽ đi theo quỹ đạo mới, quỹ đạo của tình yêu và gia đình.

 

Trước khi về trời, Đức Giesu mong muốn mọi người chân nhận địa vị làm con của mình trong gia đình của Thiên Chúa, Ngài mời các Tông đồ, các môn đệ lên đường loan báo niềm vui đó, đón nhận niềm vui đó bằng việc lãnh nhận phép rửa, họ sẽ chính thức được gọi là con cái Thiên Chúa: “Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Để có được một niềm tin độc đáo ấy, cần có những khoảng lặng để phân định niềm tin và quan niệm sống của các tín hữu. Là Do thái hay dân ngoại, chấp nhận một Thiên Chúa duy nhất không là một điều đơn giản nhưng là một quá trình thanh luyện. Niềm tin đó đến từ Thiên Chúa và đi trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, đó mới thực là niềm tin đưa con người đi vào ngôi nhà của Chúa Cha, đưa con người đi vào gia đình thiêng liêng là Giáo hội, đưa con người đi vào mối tương quan anh chị em có cùng một Cha chung trên trời.

 

Phép rửa được cử hành nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đưa con người đi vào gia đình Ngài. Để có được niềm tin độc thần, Thiên Chúa đã chấp nhận những khiếm khuyết ban đầu của con người trong niềm tin đa thần, Ngài đã hướng dẫn họ bằng tình thương, bằng đời sống phụng tự, bằng đôi tay bảo vệ và chăm sóc từng ngày. Hình ảnh người cha chăm sóc và bảo vệ cho đứa con mỗi ngày là một hình ảnh làm hiển lộ tâm tình Thiên Chúa chăm sóc và đồng hành với con người. Bản tính của Thiên Chúa chỉ là một từ muôn đời và cho đến muôn đời, nhưng để khám phá tình yêu Thiên Chúa với những thái độ cúi xuống, con người đã dùng những khái niệm cụ thể về ngôi vị, để làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Nhiều lúc có sự lẫn lộn giữa bản tính của Thiên Chúa và ngôi vị, dẫn đến những niềm tin lệch lạc kèm theo cách sống đạo thiếu chuẩn mực. mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có từ đời đời và trường cửu, chỉ tiếc là cách suy nghĩ, cách diễn đạt và áp dụng vào cuộc sống của các tín hữu có đổi thay theo từng giai đoạn lịch sử. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là cơ hội để các tín hữu Kito xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, tin vào một Thiên Chúa duy nhất hay còn nhiều thần linh khác ẩn hiện trong dòng đời ?

 

Chúng ta trách dân Do thái bất tín khi dám đúc bò vàng để tôn thờ và coi đó là thần cứu mạng của họ, chúng ta trách họ dám bỏ Thiên Chúa khi đã định cư trong đất hứa, để rồi đi tìm các thần linh ngoại bang chung quanh. Chúng ta còn trách họ nhiều lần phản bội Thiên Chúa trong niềm tin, đúng sai sẽ không bàn tới nơi đây nhưng người tín hữu hôm nay có mạnh dạn tuyên tín rằng niềm tin của tôi là niềm tin độc thần không, tôi chỉ tin thờ một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, bởi bên cạnh mỗi người và trong dòng đời, còn có những vị thần khác như thần Quyền bính ; thần Tiền bạc ; thần Xác thịt và bao vị thần khác đang hiển hiện đó đây. Chắc không thiếu những lần chúng ta đã vô tình chọn những vị thần đó và đặt vào chổ của Thiên Chúa trong trái tim và cuộc đời của mình rồi, đó là thái độ sống đơn sơ, chân thành hay có những tính toán theo kiểu thế gian ? có lúc nào khuôn mặt Thiên Chúa chúng ta tin thờ được thay thế bằng một khuôn mặt Thiên Chúa do con người nhào nắn lên chăng ? đời sống ơn gọi nào, hoàn cảnh sống nào cũng khó tránh khỏi cám dỗ này, bởi chủ nghĩa cá nhân thực dụng và hấp lực của thế gian đang tác động trực tiếp vào niềm tin mong manh của người tín hữu Kito.

 

Lạy Chúa Giesu, khi làm người như chúng con, Chúa đã đối diện với muôn vàn cám dỗ như chúng con hôm nay, nhưng Chúa đã chiến thắng, bởi Ngài luôn cầu nguyện và thi hành ý của Cha trên trời, xin giúp chúng con biết chăm chỉ cầu nguyện để biết thánh ý Cha muốn con làm gì và làm như thế nào đúng với ý Cha. Chúa đã vượt qua những cơn cám dỗ lớn bằng sức mạnh của Lời Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết đọc và học hỏi Lời Chúa nhiều hơn, để sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa đưa chúng con ra khỏi thế giới của bóng tối, đi vào thế giới của ánh sáng tình yêu. Tất cả để cho niềm tin của chúng con nên tinh ròng và hoàn thiện hơn trong cuộc đời. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây