CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Thứ sáu - 16/04/2021 05:58
Được gặp lại Thầy sau biến cố tử nạn, các Tông đồ rất vui và có thể nói ngập tràn trong hạnh phúc.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 35-48)

 

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

 

Suy niệm

Được gặp lại Thầy sau biến cố tử nạn, các Tông đồ rất vui và có thể nói ngập tràn trong hạnh phúc. Nhưng để chấp nhận một sự thật như thế, đòi hỏi các Tông đồ phải loại bỏ những suy nghĩ, những hình ảnh về Thầy mình hiện đang có trong tâm hồn của họ, đồng thời thay vào đó hình ảnh một người Thầy đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa sau khi chiến thắng sự chết, dù thân xác Thầy vẫn là một. Chấp nhận một Thiên Chúa đang sống bên cạnh mình cách vô hình và sẵn sàng để thay đổi não trạng tôn giáo của bản thân về Thiên Chúa là một sự khiêm tốn đức tin mà các Tông đồ đã đi tiên phong, để rồi hôm nay lời mời gọi đó, một lần nữa, Mẹ Giáo hội gởi tới con cái mỗi khi đại lễ Phục sinh trở về.

Trở lại với những lời chứng ban đầu của các Tông đồ, chúng ta bắt gặp một bài giáo lý của thánh Phero, khi ngài trình bày về một Thiên Chúa phục sinh dưới góc nhìn mới của các Tông đồ. Đức Giesu Kito là một vị Thiên Chúa làm người, luôn sống bên cạnh con người, để hướng dẫn con người từng ngày thay đổi thái độ sống, thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ, để họ có thể gặp gỡ và trò chuyện với Ngài: “Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: "Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng”. Các Tông đồ trong những thời khắc đầu tiên nghe tin Thầy đã sống lại, cũng chưa thể chấp nhận, chưa thể cúi xuống để cho Ngài thay đổi suy nghĩ, thay đổi hình ảnh về một Thiên Chúa phục sinh đang hiện diện bên cạnh các ngài, phải trải qua một quá trình, trải qua một khoảng lặng của đức tin, rồi tất cả đã được thay đổi, đã được chấp nhận, và các ngài đã trở thành những chứng nhân rất sống động và xác tín.

 

Không bước ra trước đám đông để trình bày biến cố sống lại của Thầy cách xác tín như thánh Phero, nhưng thánh Gioan lại trình bày biến cố đó dưới góc độ của tình yêu, của lòng mến. Chính dưới góc nhìn mới mẻ này, chúng ta khám phá được chiều sâu của tình yêu tự hiến, đặc biệt là tình yêu cứu chuộc của Con Thiên Chúa: “Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian”. Sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại không dừng lại nơi mầu nhiệm cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, nhưng xa hơn nữa chính là khi Đức Giesu đóng vai của người trạng sư để bầu chữa cho con người trước tòa Chúa Cha. Con người là gì mà Thiên Chúa yêu thương như thế, nhân loại là chi mà Chúa phải bận tâm. Lời của vịnh gia ngày xưa đã ứng với lời chứng của thánh Gioan khi ngài trình bày về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Vì thế, thái độ khiêm tốn đức tin của người tín hữu hôm nay là một đòi hỏi phải có để được đồng hành với Chúa phục sinh: “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy”.

 

Biến cố phục sinh của Đức Giesu đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm nhưng mãi đến hôm nay, ý nghĩa của biến cố đó vẫn là một bước ngoặt để người tín hữu Kito thay đổi cuộc sống. Lời kể của thánh Luca trong bài tin mừng cho chúng ta thấy những lần hiện ra của Đức Giesu, dù trong cùng một thân xác khi Ngài bị kết án, hay khi Ngài được mai táng trong mồ đá, nhưng các bà cũng như các môn đệ không nhận ra Ngài bên cạnh, bởi đó là một thân xác vinh hiển trong uy quyền của Thiên Chúa: “Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ”. Dù trong cùng một thân xác nhưng sự hiện diện của Đức Giesu phục sinh bên cạnh các môn đệ là một sự hiện diện của một Thiên Chúa làm người, một sự hiện diện trong một con người đích thực, đang thực hiện những hành vi nhân linh chứ không dừng lại nơi những hành vi nhân sinh.

 

Người tín hữu Kito mừng lễ phục sinh long trọng nhưng bên cạnh đó họ còn được mời sống mầu nhiệm phục sinh trong ơn gọi hàng ngày của mình. Để sống được mầu nhiệm phục sinh, người tín hữu cần phải thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong niềm tin, trong ý thức và trong hành trình đức tin của mình. Con Thiên Chúa sống lại trong vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa đã đưa con người lên một tầm cao mới, đặt con người vào đúng giá trị ban đầu là của họ là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Do đó, người tín hữu không chỉ học làm người mỗi ngày, nhưng cần phải sống trưởng thành hơn với những hành vi, những thái độ trong cuộc sống, đặc biệt trong việc tôn trọng thân xác của mình cũng như của tha nhân. Đi trong quỹ đạo của một xã hội đề cao thân xác và chiều chuộng thân xác, nhiều lúc người tín hữu Kito đã bị cuốn vào vòng xoáy của quỹ đạo đó nên đặt giá trị của thân xác không đúng chỗ như Tạo Hóa thưở ban đầu mong muốn. Chiều chuộng, coi trọng thân xác dẫn đến một thực tại là chỉ thực hiện những hành vi nhân sinh, theo bản năng tự nhiên của con người, kết cục chỉ là nô lệ cho thân xác, nô lệ cho bản năng tự nhiên của con người, trong khi đó, thân xác con người là khí cụ của tình yêu, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giesu Kito phục sinh.

 

Sống mầu nhiệm phục sinh là thay đổi ý thức và quan niệm sống, là thay đổi hình ảnh về một Thiên Chúa yêu thương, đồng thời, dù thân xác mỗi người là vậy nhưng phải đổi thay về khái niệm thân xác, đổi thay về giá trị thân xác, từ đây người tín hữu nhận ra được sự hiện diện của Đức Giesu phục sinh đồng hành với mỗi người và mọi người. Cùng lúc, Ngài hiện ra với hai ông trên đường về quê, và cùng lúc đó, Ngài lại hiện ra với các ông còn lại đang cầu nguyện trong phòng kín, quyền năng Thiên Chúa đã đưa Đức Giesu vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian, nhưng hình ảnh về thân xác của Ngài vẫn là một, bởi thế, dù đứng bên cạnh các ông, nhưng khi Ngài lên tiếng gọi tên và hỏi han, các ông mới nhận ra Ngài đã sống lại và đang bên cạnh các ông. Nhiều lần trong cuộc sống hôm nay, Ngài cũng đứng bên cạnh cuộc đời mỗi người môn đệ, nhưng do chúng ta chưa sống mầu nhiệm phục sinh, chưa đổi mới hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống và trong ơn gọi của mình, nên chúng ta chưa nhận ra Ngài đó thôi, hãy cố gắng đổi thay và khiêm tốn hơn, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Thầy Chí Thánh trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của mỗi người.

 

Lạy Chúa Giesu phục sinh, để nhận được sự hiện diện của Ngài giữa cuộc đời mỗi người, chúng con xin Ngài cho chúng con trở nên mù lòa trong hiện tại, để ánh sáng phục sinh soi chiếu và mở lại đôi mắt cho chúng con nhận ra Ngài. Để được gắn bó với Chúa phục sinh mỗi ngày, xin giúp chúng con biết trân trọng thân xác mình và tha nhân, để thấy một Con Thiên Chúa làm người trong thân xác con người đúng nghĩa. Từ đây, mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa vẫn là tâm điểm để chúng con đổi mới cuộc đời, đổi mới ý thức sống và thái độ đức tin của bản thân. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây