CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Thứ bảy - 27/03/2021 05:00
Mùa chay đang dần khép lại với đỉnh cao là tuần thánh. Tuần lễ này được gọi là “Mẹ” của các tuần lễ trong năm phụng vụ. Khởi đầu tuần lễ thánh thiêng này là Lễ Lá. Trong Lễ Lá, một nghi thức của người Do thái ngày xưa thường cử hành khi đón tiếp một vị vua nào ghé thăm thành thánh Gierusalem hay một bậc vị vọng nào từ xa đến thăm kinh thành, nay được lặp lại để đón Con Thiên Chúa vào thành thánh Gierusalem.
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 11, 1-10)

Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con 'Sao các ông làm thế?', thì hãy nói rằng: 'Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'". Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: "Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?" Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!"

 

Suy niệm

Mùa chay đang dần khép lại với đỉnh cao là tuần thánh. Tuần lễ này được gọi là “Mẹ” của các tuần lễ trong năm phụng vụ. Khởi đầu tuần lễ thánh thiêng này là Lễ Lá. Trong Lễ Lá, một nghi thức của người Do thái ngày xưa thường cử hành khi đón tiếp một vị vua nào ghé thăm thành thánh Gierusalem hay một bậc vị vọng nào từ xa đến thăm kinh thành, nay được lặp lại để đón Con Thiên Chúa vào thành thánh Gierusalem. Đây là lúc người Con Thiên Chúa làm người bước lên đỉnh cao của tình yêu tự hiến. Đây là lúc Đức Giesu làm hiển lộ chiều sâu thánh thiêng của tình yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm tự hiến của người con. Tại sao Con Thiên Chúa đã chấp nhận bản án đó, hơn thế còn chấp nhận treo thân mình trần trụi trên khổ giá như thế ?

Bước vào lịch sử nhân loại, Đức Giesu đã đón nhận vị thế của mình trước mặt Cha yêu của Ngài, đó là một người tôi tớ. Người tôi tớ này luôn vâng phục ông chủ, luôn tìm cách để đọc được mọi thao thức của ông và luôn thực hiện những gì ông mong mỏi. Tiên tri Isaia đã phác họa khuôn mặt người tôi tớ này trong tác phẩm nổi tiếng của ngài với những nét chấm phá rất ý nghĩa: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”. Người tôi tớ đặc biệt này đã vâng phục ý Cha cách trọn vẹn, trọn vẹn đến nỗi chấp nhận mọi nhục hình, mọi khổ đau, mọi thử thách trong phận nhỏ của mình. Tất cả chỉ với mong muốn cho tình yêu của Chúa Cha dành cho con người được thực hiện trọn vẹn và có ý nghĩa hơn.

Con Thiên Chúa khi bước vào thế gian, đã chấp nhận những giới hạn của con người, từ việc tượng thai trong cung lòng người mẹ, đến việc sinh ra trong một gia đình như bao con người khác. Ngài còn chấp nhận một người cha, một người mẹ tầm thường, để nuôi dưỡng, dạy dỗ và đồng hành trong phận làm con người. trong kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, Đức Giesu đã chấp nhận hủy mình ra không, để diễn đạt chiều rộng, chiều sâu, chiều cao và chiều dài của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh Phaolo đã phần nào cảm nghiệm được chiều sâu của tình yêu đó, ngài ước mong con cái của ngài trong cộng đoàn Phi-lip-phê hãy sống tâm tình biết ơn Con Thiên Chúa làm người: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ đã làm nổi bật giá trị cứu độ của tình yêu Thiên Chúa. Chấp nhận hy sinh tất cả cho người mình yêu mến, Ngài đã yêu họ và yêu cho đến cùng tận. Quả là một tình yêu đích thực chỉ đến từ nơi Thiên Chúa tình yêu.

Thiên Chúa là vậy, luôn trung tín, luôn yêu thương, luôn tha thứ, do đó, Ngài đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho con người. Người Con đó đã đi vào lịch sử nhân loại trong thân phận con người. Để cho thánh ý Cha được vẹn toàn, Đức Giesu đã đón nhận tất cả, kể cả bản án bất công và cái chết tủi nhục. Do đó, Ngài đã long trọng bước vào thành thánh Gierusalem như một dấu chỉ của một người yêu sẵn sàng đón nhận tất cả, hy sinh tất cả cho người mình yêu: “Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!". Ngày mà Ngài bước vào thành long trọng như một vị vua chiến thắng trở về là hình ảnh báo trước về chiến thắng của Thiên Chúa trước tội lỗi và sự chết. Vinh quang trong nghi thức đón tiếp là vinh quang của một Thiên Chúa đến cứu độ con người trong thế giới tội lỗi và khổ đau. Và đó cũng là dấu chỉ sự khải hoàn của đoàn người chiến thắng, khi họ cùng Ngài đón nhận thập giá, dám từ bỏ những thói quen, những tật xấu trong đời sống hàng ngày của mình.

Nhìn từ xa, đồi Can-vê và thập giá đang dần rõ nét, Con Thiên Chúa làm người phần nào cũng cảm thấy sợ hãi, lo âu, thế nhưng, Ngài luôn cầu xin sự hiệp thông với Chúa Cha trong sức mạnh của tình yêu, để vượt thắng những yếu đuối của nhân tính. Dù có được đón tiếp long trọng tại cổng thành, nhưng Đức Giesu luôn trăn trở với những hình thức bên ngoài của con người, luôn lo âu với thái độ sống vụ luật của họ, chính những thái độ vụ hình thức đó, đã che đôi mắt tinh thần của họ, và họ đã không nhận ra giờ phút Thiên Chúa đến cứu độ con người trong quyền năng và vinh quang của Ngài. Thế giới hôm nay đón tiếp Thiên Chúa đi vào trong ngôi nhà nhân loại cách trọng thị với những vẻ hào nhoáng bên ngoài, hay đón tiếp Ngài với sự khiêm tốn của đức tin, với tâm tình của một tội nhân trở về với Ngài. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đem đến cho con người, nhưng Ngài đợi chờ thái độ đón tiếp và đón nhận ơn cứu độ đó như thế nào. Tất cả đều hệ tại sự tự do chọn lựa và đón nhận của con người.

Và hôm nay, trên nhiều nẻo đường của nhân loại, Con Thiên Chúa thay vì được đón tiếp long trọng, thì Ngài đang bị khinh miệt, đang bị bỏ rơi, đang bị kỳ thị cách này cách khác. Ngay trong các gia đình và cộng đoàn xứ đạo cũng như các cộng đoàn huynh đệ. Đến từ quan niệm giàu nghèo, sang hèn và khả năng nhận thức, nên đâu đó vẫn còn thái độ thiếu thiện chí, vẫn còn thiếu sự chấp nhận một Con Thiên Chúa làm người nơi tha nhân. Đức Giesu đang cần một sự cảm thông, cần một sự chia sẻ và một thái độ tôn trọng giữa con người với nhau trong mỗi ơn gọi, trong mỗi cộng đoàn huynh đệ. Ngài đã cúi xuống vì tôi, vì bạn và vì mọi người, nếu con người biết trân quý sự cúi xuống đó, con người sẽ cảm nghiệm được chiều sâu và chiều rộng của tình yêu tự hiến đến từ Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, để được đón tiếp long trọng tại cổng thành Gierusalem, Chúa đã chấp nhận tất cả, kể cả sự sống, tất cả vì yêu thương con người, xin cho chúng con mỗi khi nhìn lên thập giá, chúng con nhận ra hình dáng một người cha dang rộng tay đón chúng con trở về, dù tội lỗi có cao đầy. Chúa đã tự hiến sự sống của mình để nhân loại được sống và sống dồi dào, xin cho chúng con biết sống tâm tình tri ân khi cùng với Mẹ Giáo hội bước vào tuần thánh với những nỗi đau của roi đòn và bao nhục nhã của thập giá, đó cũng là lúc chúng con đang cố gắng loại bỏ con người cũ của mình là sự ích kỷ, nhỏ nhen bên cạnh một cái tôi quá lớn giữa đời. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây