Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 17-27)
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
Suy niệm
Hàng ngày, con người luôn đối diện với muôn vàn chọn lựa, từ cuộc sống vật chất, từ tương quan xã hội, đến những ý tưởng trong suy nghĩ, đặc biệt trong đời sống tinh thần. Chính sự chọn lựa của con người nói lên giá trị cao cả của nhân vị, đồng thời, trong sự chọn lựa đó, quyết định cuối cùng sẽ đưa con người vươn lên một tầm cao mới, tiến lại gần hơn với Thượng Đế, với Thiên Chúa, bởi khi chọn lựa, con người luôn chọn phần tốt nhất, ý nghĩa nhất, thánh thiện nhất, dù chỉ là tương đối. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 28 thường niên, mời gọi người tín hữu Kito trở lại với những chọn lựa rất đời thường của bản thân, để nâng giá trị của niềm tin và ý chí lên cao hơn, thánh thiện hơn và có giá trị hơn trong mọi tương quan.
Trước khi đưa ra một quyết định, con người thường đối diện với một chọn lựa, để có những chọn lựa đúng đắn cần có nhiều kinh nghiệm, cần có tri thức và cần có sự khôn ngoan. Trở lại với bài đọc 1, chúng ta nghe tác giả sách Khôn ngoan nói về tính cần thiết của đức khôn ngoan trong đời sống con người thế nào: “Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn”. Sự khôn ngoan mà tác giả thánh đề cập ở đây không phải là sự khôn ngoan của thế gian, nhưng là sự khôn ngoan trong đời sống tinh thần. Đức khôn ngoan này sẽ là người thầy góp vào những lời khuyên bảo, để con người biết chọn lựa cái đúng đắn, cái thiện và cái gì có giá trị đối với một con người. Nếu một người luôn khao khát sự khôn ngoan, có thể nói đó là con người khiêm tốn, con người biết lắng nghe và biết phân định rạch ròi mọi ý tưởng, mọi thái độ và mọi tương quan. Có được người thầy như thế, cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn và đem lại nhiều niềm vui cho bản thân và cuộc sống.
Theo dòng lịch sử của nhân loại, với những gợi ý từ tác giả sách Khôn ngoan, con người dần khám phá ra chiều sâu của sự khôn ngoan bởi yếu tố này giúp con người thăng tiến hơn. Vì thế, tác giả lá thư gởi tín hữu Do thái trong bài đọc 2, đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng của một người biết dựa vào sức mạnh của đức khôn ngoan đích thực, từ đây, con người thấy rằng nếu cuộc sống không có sự khôn ngoan, thì tương lai sẽ đi về đâu: “Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái được coi là một người có nhiều kinh nghiệm trong hành trình đức tin, vì thế, bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu niềm vui thăng trầm trong cuộc sống, tác giả đã gởi gắm lại cho hậu thế, để mọi người có thêm chút kinh nghiệm, vượt qua những khó khăn trong đời sống và ơn gọi của mình. Sự khôn ngoan đích thực, theo tác giả, là Lời Thiên Chúa, lời hằng sống, do đó, nếu con người chấp nhận để cho sự khôn ngoan đưa lối dẫn đường, họ sẽ là con người bình an, con người hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Chàng thanh niên giàu có đến gặp Đức Giesu để xin hướng dẫn tìm kiếm con đường hạnh phúc, con đường bình an cho hiện tại và tương lai. Ngài đã gợi mở cho anh ta, thế nhưng, điều Ngài chỉ cho anh đã đụng đến những lợi ích hiện tại anh ta đang theo đuổi, vì thế, anh đã ra đi trong thất vọng: “Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Khát vọng nên hoàn thiện là một yếu tố chàng thanh niên ấp ủ và nuôi dưỡng từ nhỏ, ngay cả việc làm ăn hay buôn bán, anh đều thể hiện tính lương thiện của mình. Của cải anh có chưa thể giúp anh thỏa mãn niềm hạnh phúc và bình an trong cuộc sống. Quả thực, đó là một khát vọng chính đáng như bao người khác, vì tiền bạc, quyền lực và địa vị không có thể giúp con người thanh thoát được. Khi Đức Giesu đề cập đến vấn đề từ bỏ, chúng ta thấy phản ứng của anh ấy: “Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Sở hữu nhiều của cải vật chất làm cho con người bị cuốn vào sức mạnh nội lực của nó, dù ý chí ước muốn thế nào đi nữa, tự thân con người khó vượt qua hấp lực của thế gian.
Dừng lại bên câu chuyện trong bài tin mừng, nếu như chàng thanh niên đó có đủ sự khôn ngoan để chọn lựa, có đủ sức mạnh của sự thánh thiện, có thể anh ta sẽ chiến thắng sự giằng co trong nội tâm của bản thân. Quyết định ra đi là chấp nhận thất bại, chấp nhận từ bỏ ước mơ anh ấp ủ từ thưở nhỏ, để rồi dấn thân vào cuộc phiêu lưu của thế gian. Đức Giesu chỉ gợi ý để cho anh ta chọn lựa và đem ra quyết định cuối cùng, thế nhưng, anh ta chỉ im lặng và ra đi, một dấu hiệu của người thất bại. Và câu chuyện đó hôm nay vẫn còn ẩn hiện giữa cộng đoàn, trong mỗi tín hữu Kito chúng ta.
Vật chất, quyền bính và địa vị, theo góc nhìn thế gian, sẽ làm cho con người vĩ đại, đáng quý trọng, nhưng theo ánh mắt của Thiên Chúa, thì đó là kẻ thua cuộc, đó là một chọn lựa sai lầm khi quyết định trở thành đồ đệ của thế gian. Con đường mang tên Giesu là con đường từ bỏ, con đường phục vụ và tự hủy, chứ không phải là con đường giàu có và đầy uy quyền, trở nên nghèo, trở nên trần trụi trên thập giá là những đòi hỏi của con đường Giesu. Để có thể trở nên con người hạnh phúc, con người bình an ngay hiện tại, cần có một chỗ sâu thẳm trong tâm hồn dành cho Giesu, Ngài đến và ở lại đó để hướng dẫn, để đồng hành và để cùng chúng ta cúi mình phục vụ và hy sinh. Không có chổ cho Giesu trong tâm hồn, người tín hữu khó vượt qua ngưỡng cửa của vật chất và quyền bính, bởi trong họ không có sự chọn lựa khôn ngoan.
Sự khôn ngoan thế gian rất cần cho con người hiện tại, nó giúp con người tồn tại và phát triển, nhưng sự khôn ngoan đó không đưa con người tới bến bờ của sự sống vĩnh cửu, do đó, người tín hữu được chỉ dạy, được hướng dẫn đi tìm kiếm sự khôn ngoan nước trời, chính sự khôn ngoan này mới là chuyến tàu chở người tín hữu tới bến bờ tình yêu vĩnh cửu là Nước Trời. Tiếc rằng, con người vẫn luôn hiện hữu giữa thế gian và hấp lực của thế gian đang kéo họ chạy theo những giá trị ảo tưởng, nên người tín hữu chưa phân định được đâu là giá trị thực và đâu là giá trị ảo của ngày mai. Nếu người tín hữu khiêm tốn tìm đến với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chắc họ sẽ nhận được nhiều lời khuyên bổ ích và ý nghĩa, để giúp họ trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố cuộc đời.
Lạy Chúa Giesu, Ngài đã buồn khi thấy chàng thanh niên từ bỏ lời khuyên của Ngài, ra đi trong vô vọng, xin giúp chúng con, khi tìm đến với Chúa, biết lắng nghe, biết chọn lựa và quyết định theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để chúng con được sống và sống dồi dào. Chúa đã chỉ dạy cho các môn đệ thấy, theo Chúa không phải để được giàu sang, để có địa vị, nhưng là để từ bỏ mình, cúi xuống phục vụ, hy sinh sự sống, để mai sau được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, xin giúp chúng con biết phân định trước những giá trị của hiện tại, để mai sau chúng con được sống trong gia đình của Chúa trên thiên quốc. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn