Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 12, 28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy niệm
Trong cuộc sống, con người vốn dĩ khao khát tìm được cội nguồn của mình. Biết bao nhà khoa học, biết bao nhà tư tưởng, đã dày công tìm kiếm, thế nhưng, câu trả lời cuối cùng chưa thể giải đáp cho tất cả mọi người. Khái niệm về Tạo Hóa được đặt lên hàng đầu, Tạo Hóa được coi là đấng tạo dựng nên con người, vũ trụ và mọi sinh vật, nhưng cũng không thiếu những nhà khoa học, những người dân đó đây, phủ nhận điều đó, và cho rằng con người đến từ một loài sinh vật nào đó rất đặc biệt. Với Kito giáo, con người đến từ Thiên Chúa, đó là một chân lý. Thiên Chúa là Đấng Thánh, con người chỉ là tạo vật thôi, thế thì con người do Thiên Chúa tạo dựng để phô diễn quyền năng, vinh quang của Ngài sao ? Truy tìm những chứng tích trong Kinh Thánh, con người thấy rằng, sự hiện hữu của con người là do tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài là nguồn mạch tình yêu sung mãn, Ngài muốn thông chia tình yêu đó cho tạo vật mang họa ảnh của Ngài, đó là con người, để trong cuộc sống, con người làm sáng lên niềm vui và chân lý của tình yêu sung mãn đó. Phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ mới, tuần 31 thường niên, cho chúng ta thấy phần nào dung nhan của Thiên Chúa tình yêu đó, và thái độ đáp trả của con người như thế nào ?
Khi được quy tụ thành một dân riêng với tên gọi là dân Thiên Chúa, Môi-sen, vị đại diện của dân cũng là đại diện của Thiên Chúa, đã nhắc nhở mọi người hãy khắc ghi hình ảnh Thiên Chúa trong tâm trí của mình, đó là một Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, dù đầy quyền năng và vinh quang, nhưng Ngài đã yêu thương và chăm sóc dân Ngài như người mẹ ôm những đứa con vào vòng tay yêu thương của mình: “Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài”. Một dân tộc trầm luân trong kiếp nô lệ, thế mà được Thiên Chúa, một vị thần cao cả, cúi xuống lắng nghe và giải cứu, hơn nữa, còn bảo vệ, chăm sóc và đồng hành mỗi ngày. Thế thì vị Thiên Chúa đó có đáng được kính thờ và yêu mến không ? tất nhiên là có rồi. Do đó, Môi-sen đề nghị với họ hãy tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng".
Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, người Do thái luôn đợi chờ một Đấng Me-si-a, Đấng sẽ thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại. Hình ảnh Đấng Cứu Độ đó trong tâm trí họ luôn là một đấng đầy quyền năng, sáng láng trong vinh quang khi đến trần gian, luôn ngồi trên ngai vàng để xét xử muôn dân, do đó, khi Đức Giesu xuất hiện, cuộc đời, khuôn mặt và từng ngày sống của Ngài không giống như họ suy nghĩ, vì thế, họ không chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Thế nhưng, không phải ai cũng vậy, tác giả thư gởi cho người Do thái đã bày tỏ tâm tình tôn giáo của mình, đồng thời, gợi nhắc cho đồng bào hãy tìm đến với Đấng Cứu Độ là Đức Giesu, bởi nơi Ngài là sự hiện diện cúi xuống của một Thiên Chúa tình yêu: “Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta”. Đức Giesu đến trần gian là để thực hiện chương trình tình yêu của Chúa Cha, Ngài không đến với quyền lực và vinh quang như thế gian suy tưởng, nhưng với quyền lực của tình yêu, là cúi xuống, là phục vụ, là hy sinh và chết cho người mình yêu. Một Thiên Chúa rất đáng yêu và đáng kính.
Trải dài theo lịch sử con người, hình ảnh Thiên Chúa và sự hiện hữu của Ngài luôn làm cho con người trăn trở và kiếm tìm. Dẫu biết rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh và vô hình, nhưng con người vẫn nỗ lực để tìm kiếm và mong được gặp Ngài. Trong lúc đợi chờ để được gặp gỡ Thiên Chúa, con người hình dung khuôn mặt của Ngài theo suy nghĩ, đó là một Thiên Chúa đầy quyền năng, uy nghi và sáng láng, hình ảnh đó được lưu giữ mãi trong suốt thời Cựu ước. Mãi đến khi Đức Giesu xuất hiện, Ngài giới thiệu cho con người một khuôn mặt mới của Thiên Chúa qua sự hiện hữu của Ngài, thế nhưng, con người chối từ, bởi hoàn toàn khác nhau, Đức Giesu chỉ là con bác thợ mộc, là cậu thanh niên vô danh tiểu tốt, sao được gọi là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ được, còn Thiên Chúa cha ông họ khắc họa trong lề luật, là một Thiên Chúa đã chiến thắng quân Ai cập, đã đuổi xa mọi dân ngoại bang bằng quyền lực. Vì thế, khi có người đến nhờ Đức Giesu hướng dẫn con đường nên trọn lành, Ngài chỉ dạy cho anh ta với tâm tình của người cha mong con nên thánh với một hình ảnh Thiên Chúa mới hoàn toàn: “Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Khi được giới thiệu về con đường nên thánh, người luật sĩ thấy hài lòng, nhưng thực chất, hình ảnh Thiên Chúa trong tâm trí của anh ta không giống như hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giesu giới thiệu. Anh ta vẫn giữ một hình ảnh Thiên Chúa quyền năng và vinh quang như lề luật đã dạy, còn con người chỉ là tạo vật, đầy tội lỗi và khiếm khuyết. do đó, con người khó có thể gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa được, trong khi đó, Đức Giesu đã giới thiệu cho anh ta một Thiên Chúa đầy quyền năng trong yêu thương, đã cúi xuống lắng nghe, thông cảm và đón lấy con người dù họ đầy tội lỗi. Ngài đã trở nên con người thực sự, ngoại trừ tội lỗi, sống như con người và chết cho con người. về phía con người, đó là một tạo vật mang họa ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, hơn nữa còn cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết bằng chính người Con duy nhất của Chúa Cha. Yêu thương con người là nấc thang đầu tiên để con người thực hiện những điều kiện của tình yêu, để tiến lên gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu. Hai giới răn tuy được tách ra nhưng là một chiếc thang đưa con người lên tới Thiên Chúa nếu con người mong muốn và cố gắng.
Chiếu lại cuốn phim về hành trình đức tin của mỗi người, chắc chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa chúng ta thờ phượng trong nhà thờ, trong Thánh lễ, trong mọi sinh hoạt của Giáo hội và trong các phẩm trật, sẽ khác hoàn toàn với Thiên Chúa hiện diện trong Tin mừng. Đầu tiên chúng ta quên rằng Đức Giesu là Thiên Chúa nhưng cũng là con người thực sự. Ngài đã cúi xuống làm người, đã trở nên rốt hết trong tinh thần phục vụ, đã ngồi lại bên giường bệnh của các bệnh nhân, đã đụng chạm đến những người phung hủi, đã vượt qua giới hạn của lề luật để chữa bệnh trong ngày Sabath, đã đụng chạm đến quan tài của người chết, là điều cấm kỵ trong lề luật, đã đồng bàn với người tội lỗi và những kẻ được cho là bán nước, quả thực là một Thiên Chúa rất người. trong khi đó Thiên Chúa trong niềm tin của chúng ta là Thiên Chúa quyền năng, sẽ đuổi xa dịch bệnh, ngăn sự căm thù của chiến tranh, cho ai cầu cứu được giàu có, thương những người siêng năng đến với Ngài, yêu thương các Giáo sĩ, các Tu sĩ hơn người giáo dân, thỉnh thoảng còn bỏ quên người này, gia đình kia nữa. Quả là một Thiên Chúa với nhiều sắc diện khác nhau nhưng vô cùng phức tạp.
Quả thực, Thiên Chúa có giống như con người suy nghĩ và khắc họa nên không ? chắc chắn là không, dù chưa một ai dưới bầu trời này lên trời để được gặp Ngài, nhưng bất cứ ai khi rời xa ngôi nhà, quê hương mình, đều mong ước quay trở về, đều mong ước được gặp lại người Cha, người Mẹ với những vòng tay ấm áp, đầy yêu thương, chắc chắn Thiên Chúa còn hơn thế, bởi sau khi phạm tội, con người phải rời xa ngôi nhà yêu thương đó, đi vào cõi tạm là trần gian, nơi đó con người vẫn mong một ngày trở về ngôi nhà với những vòng tay yêu thương và tha thứ của người cha nhân lành là Thiên Chúa. Đó là một vị Thiên Chúa sẵn sàng quên mọi tội lỗi của con cái, sẵn sàng đón nhận bất cứ ai muốn trở về ngôi nhà yêu thương đó. Và hôm nay, con người có cần thiết sửa lại hình ảnh Thiên Chúa họ đang tin thờ mỗi ngày không ? để cảm thấy tâm hồn bình an, hạnh phúc và ấm áp trong vòng tay Thiên Chúa nhân từ. Chắc phải sửa lại hình ảnh đó, phải bắt đầu làm mới từ thái độ sống của bản thân, rồi đến nỗ lực thay đổi ý thức của người tín hữu Kito hôm nay trong thế giới thiếu tình yêu thương này.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đi vào lịch sử con người với thân phận của một con người, để bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người như tình gia đình, tình anh em, tình cộng đoàn, xin Chúa giúp chúng con bằng chính cuộc sống và ơn gọi của mình, khắc họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu, để thế giới dễ nhận ra Ngài đang ở bên cạnh con người. Chúa đã dùng quyền năng của tình yêu để chiến thắng sự dữ và tội lỗi, xin giúp chúng con biết họa lại tình yêu thương và tha thứ của Ngài, để cuộc sống của chúng con vơi đi những thương đau và oán hờn, vơi đi những hận thù và ghen ghét, được đong đầy tình yêu và tha thứ, được đong đầy hơi ấm của tình người và tình Trời. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn