CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 03/11/2022 06:07
Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 32 thường niên, giúp người tín hữu Kito có được những câu trả lời về vấn nạn cuộc đời.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 20, 27-38)

 

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

 

Suy niệm

 

Con người vẫn luôn trăn trở với tương lai của chính mình, chết rồi sẽ đi về đâu, sau bức màn đen của cái chết, tôi sẽ như thế nào, được thưởng hay bị phạt. Những trăn trở về tương lai cứ hiện lên trong suy nghĩ, trong từng nhịp sống của mỗi người. Cuộc sống hiện tại của con người đầy hứa hẹn, đầy màu hồng thế, chẳng lẽ chết là bỏ đi tất cả, là kết thúc cuộc chơi giữa sân chơi cuộc đời sao. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 32 thường niên, giúp người tín hữu Kito có được những câu trả lời về vấn nạn cuộc đời. Con người sẽ bước qua cánh cửa sự chết, đi vào cõi sống nếu như con người biết chuẩn bị từ hôm nay, để hội đủ những điều kiện cần thiết có thể bước qua cánh cửa của sự chết, đó là hãy tỉnh thức, hãy sống đúng ơn gọi của mình là con cái Thiên Chúa, hãy thực hành những mối phúc của Tin mừng, để có được tấm vé bước vào sự sống đời đời.

 

Đối diện với cuộc chiến tương tàn giữa các dân chung quanh với người Do thái, tác giả sách Macabe chứng kiến nhứng nỗi đau về thể xác, nhưng đồng thời cũng hiểu được những nỗi niềm của những người đang giữ mối hiệp thông với Giave Thiên Chúa. Bị bắt bớ, bị đánh đập, tù tội và có thể phải chết, nhưng các anh chị em đó vẫn kiên định trong niềm tin. Câu chuyện kể về người mẹ cùng các con trai chấp nhận mọi hình phạt, mọi đau khổ, để giữ trọn khí tiết của một người nghèo Giave: “Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: "Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi". Dù tương lai của gia đình không có gì sáng sủa và hy vọng, nhưng các thành viên vẫn tin rằng, Thiên Chúa luôn đứng về phía họ, luôn che chở và bảo vệ họ. Thiên Chúa sẽ không quên những người con của Ngài đang đối diện với những đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt là khi họ đang cố gắng để trở thành những người trung thành với lề luật, với Giave: "Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu".

 

Đối diện với những trào lưu thế gian từ dân ngoại, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai ngoại thành Gierusalem cùng với các Tông đồ đang nhận chịu nhiều áp lực trong đời sống chứng nhân. Chứng kiến cộng đoàn huynh đệ sống theo tinh thần mới, không thiếu những người ganh tị, hiềm khích, họ tìm cách chia rẽ cộng đoàn, vu khống các Tông đồ và những ai đang thành tâm đi tìm Thiên Chúa. Dẫu rằng bên ngoài, họ là những người Do thái, nhưng thực tâm họ đến các cộng để gây chia rẽ, gây hoang mang về niềm tin: “Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ”. Dù khởi đầu của các cộng đoàn Giáo hội còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn bên cạnh họ, bên cạnh các Tông đồ, vì thế, các cộng đoàn luôn tin rằng, Thiên Chúa sẽ có những cách thế, để che chở, để bảo vệ con cái của Ngài.

 

Là con người, ai cũng mong được biết cội nguồn của mình, được chào đời từ đâu, sống như thế nào, và kết thúc cuộc đời sẽ ra sao ? những trăn trở đó không dừng lại trong suy nghĩ, nhưng đã đi vào trong những sinh hoạt tâm linh, nó còn là một trong những quan niệm sống của một số giáo phái, các hội nhóm. Dần dần, chúng được đưa vào trong các tôn giáo, trở thành tâm điểm gây ra nhiều tranh cãi, nhiều bất đồng trong sự tồn tại của mỗi nhóm, mỗi giáo phái. Thời Đức Giesu, nhiều giáo phái xuất hiện, họ đã có những cuộc tranh luận gắt gao về ngày cánh chung của con người. Sự xuất hiện của Đức Giesu như là một cái gai trong mắt họ, bởi Ngài trình bày một giáo lý mới về sự sống mai sau, đặc biệt Ngài còn giới thiệu chính Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Do đó, họ quay chung quanh Ngài để tranh luận về vấn đề bên kia cái chết: “Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ". Dù phái này hay phái kia, mục đích của họ là đi tìm câu trả lời cho thắc mắc về thế giới bên kia, họ muốn biết trong thế giới bên kia, những nhu cầu căn bản của con người có được thỏa mãn không, có được trải nghiệm không, còn Đức Giesu, Ngài giới thiệu cho họ về những giá trị tinh thần của một con người, hãy sống tử tế, sống thế nào đừng đánh mất nhân phẩm, đánh mất giá trị tinh thần của mình hôm nay, thì mai sau, họ sẽ được bình an, được hạnh phúc trong thế giới bên kia.

 

Đạo là con đường, con đường dẫn con người tới cõi bình yên và hạnh phúc, những giá trị ở cuối con đường đó không tồn tại trên thế gian này, chỉ có được ở thế giới bên kia. Thế nhưng, con người đã lầm tưởng rằng, bước vào đạo, vào một tôn giáo nào, họ sẽ được trả lời đầy đủ, được trải nghiệm tất cả và được cầm tay dắt tới chốn bình yên đó, tới nơi hạnh phúc tuyệt đối đó. Chính lầm tưởng đó, nhiều tín hữu Kito thích sống đạo với những màu sắc lễ hội, với những lý thuyết trên sách vở, với những truyền thống của dân tộc này, vùng miền nọ, bởi họ nghĩ rằng, những hình thức bên ngoài đó, là vỏ bọc an toàn, là  chiếc vé đưa họ tới bến bờ bình an. Con đường mang tên Giesu trong Giáo hội Công giáo là một con đường đầy những gian nan, ẩn hiện nhiều thập giá, đó là những khổ đau, những từ bỏ, những hy sinh thua thiệt, tất cả cần phải buông bỏ, để rồi chỉ còn lại trong con người, trong cuộc đời họ một mình Thiên Chúa, một mình với mầu nhiệm tự hủy, đó là tấm vé giúp họ bước vào thế giới bình yên cách nhẹ nhàng.

Ngày nay, người tín hữu Kito, dù ơn gọi nào cũng đang đi trong một thế giới rất thực dụng, ai cũng mong được trải nghiệm những thành tựu của cuộc sống, của khoa học và công nghệ, do đó, những giá trị thực hôm nay luôn được quan tâm, luôn được đề cao, còn những giá trị tinh thần của ngày mai, của tương lai, và xa hơn là của thế giới bên kia sự chết, con người ít quan tâm, ít trăn trở. Với chủ nghĩa thực dụng đó, người tín hữu ít dành chỗ nhất trong trái tim cho Thiên Chúa, ít quan tâm tới những giới răn, những giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo hội, thậm chí đang dần tục hóa cả đời sống phụng tự và những gì thánh thiêng nhất trong sinh hoạt tôn giáo.

 

Tất cả chỉ dừng lại là bổn phận, tất cả chỉ là sợ mang tiếng, tất cả chỉ là thói quen truyền thống, trong những lần tham dự các nghi lễ tôn giáo, ít người có niềm tin thực sự và chân thành, được mấy người đón nhận sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa giữa cộng đoàn, giữa gia đình và nơi những người nghèo khổ, bất hạnh. Bởi thế, những ngày cuối của năm phụng vụ đang trôi qua, Mẹ Giáo hội nhắc nhở con cái mình, nếu có những lầm lỗi, những lệch lạc trong niềm tin và việc sống đạo, hãy trở về, hãy canh tân tâm hồn và thay đổi nhận thức của mình, có cố gắng, có quyết tâm, con người vẫn đủ thời gian tìm cho mình tấm vé để bước vào thế giới của sự bình yên và hạnh phúc đích thực là Nước Trời, là quê hương vĩnh cửu của mình.

 

Lạy Chúa, sự hiện diện của Đức Giesu trong thế giới này đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt của con người, trong đó có những môn đệ của Chúa, xin giúp chúng con biết chấp nhận sự đảo lộn đó, để làm mới niềm tin và lòng mến của mình, đó là lúc chúng con đang tỉnh thức đón Chúa, đang tỉnh thức với ngọn đèn sáng của niềm tin và lòng mến đã được tẩy uế trong máu của Đức Giesu Kito. Chúa đã gợi mở cho chúng con thấy những giá trị của phút giây hiện tại, nếu chúng con cố gắng, những giá trị đó sẽ giúp chúng con tìm thấy chỗ đứng của mình trong cõi vĩnh hằng là Nước Trời. Amen.

 

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây