Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 10, 17-22)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Suy niệm
Hiệp thông cùng với Giáo hội hoàn vũ nói chung và Giáo hội Việt nam nói riêng, chúng ta long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt nam, ngày các Ngài được Thiên Chúa trao cho vòng nguyệt quế của người chiến thắng trong ơn gọi Kito hữu, đặc biệt trong hành trình làm chứng cho đức tin. Phúc tử đạo là niềm vinh dự cho người tín hữu biết dành cuộc đời cho Thiên Chúa, biết trao trái tim và lòng mến của mình cho Ngài sử dụng, biết chọn cho mình con đường mang tên Giesu, dù đó là con đường hẹp, con đường của khổ giá, con đường của từ bỏ và là con đường của hy sinh. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta hướng tới ơn gọi của mình trong hiện tại, ơn gọi đó khởi đi từ sự cố gắng của bản thân, cộng với ơn Chúa đủ cho mỗi người trong từng ơn gọi, người tín hữu sẽ nên hoàn thiện như Cha trên trời, sẽ là người công dân Nước Trời ngay từ hôm nay, sẽ là lời chứng cho sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu trong thế giới này.
Sự cố gắng của bản thân luôn được Thiên Chúa trân trọng, tác giả sách Khôn ngoan trình bày khuôn mẫu của một người tôi tớ biết ý chủ, biết thực hành ý của chủ trong từng ngày sống, đồng thời biết phận mình là người tôi tớ, luôn thực hiện ý của chủ nhân. Hình ảnh người công chính trong bài đọc 1 cho chúng ta thấy chân dung của người công chính theo khuôn mẫu của Kinh thánh như thế nào: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Đau khổ, thiệt thòi, bị hiểu lầm hay bị bắt bớ là điều không tránh khỏi trong cuộc đời của một người nghèo Giave, họ đón nhận trong niềm tin, đón nhận trong sự vâng phục và đón nhận trong sự phó thác. Mất mát về sự sống không phải là một sự hụt hẫng trống vắng trong cuộc đời họ, nhưng đó là niềm vinh dự khi được xét đáng đi vào hưởng sự sống đời đời với đấng là chủ sự sống và cuộc đời con người.
Người tín hữu được nghe tin mừng sự sống, được mời gọi bước vào sự sống, đó là sự sống đời đời, sự sống đến từ Thiên Chúa. Thánh tông đồ Phaolo đã nhắc cho các tín hữu thành Corintho hiểu rằng, phép rửa chỉ dành cho những ai quyết định chọn cho mình con đường nên giống Đức Kito, con đường thập giá, con đường dẫn đến sự sống đời đời, chứ phép rửa chưa thực sự là tấm vé bảo đảm cho con người được tham dự vào sự sống đời đời. Chính thập giá của Đức Giesu, chính mầu nhiệm vâng phục đến tự hủy của Ngài, là con đường dẫn đến sự cứu độ, là con đường các tín hữu có thể hiệp thông với Giáo hội, hiệp thông với Thiên Chúa, để tham sự vào sự sống của Ngài: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng”. Sự khôn ngoan của con người, của thế gian, không thể dẫn tới sự sống đời đời được, đó chỉ là chút hư danh tạm thời, chỉ có một con đường dẫn tới sự sống đời đời, đó là con đường Đức Giesu giới thiệu cho nhân loại, con đường đó mang tên của Ngài, con đường Giesu.
Sống giữa đầm lầy nhưng không để hôi tanh mùi bùn, đó là giá trị và là sự tinh tuyền của bông sen trong văn hóa Việt nam. Hình ảnh các thánh Tử đạo Việt nam phần nào cũng đẹp tựa bông sen vậy: sống giữa đầm lầy nhưng không để hôi tanh mùi bùn. Các thánh Tử đạo đã hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa, tất cả dành cho Thiên Chúa, dù có bị bắt bớ, dù có bị tù đày trong gông cùm, dù có bị kết án tử, các ngài vẫn một mực trung tín, bởi các ngài đã để cho ánh sáng Lời Chúa thẩm thấu vào trong con người và ơn gọi của mình: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con”. Có thể nói cuộc đời của các thánh Tử đạo Việt nam như một chiếc loa để cho tiếng của Thiên Chúa phát ra, vang đi xa đi xa. Lời chứng của các ngài trước các tòa án thế gian, là một lời chứng cho mọi người biết, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh những người con yêu dấu của Ngài, đặc biệt, Ngài luôn có mặt trong thế giới này.
Ý thức mình chỉ là tạo vật, các thánh Tử đạo Việt nam luôn trung thành với Thiên Chúa, các ngài tin rằng Thiên Chúa luôn trung tín trong lời Ngài phán, luôn bênh vực những ai tin tưởng vào Ngài, luôn yêu thương những ai dành chỗ nhất trong trái tim cho Ngài. Vì thế, đối diện với những mối đe dọa của nhà cầm quyền, các ngài vẫn lạc quan và tin tưởng vào một Thiên Chúa tình yêu. Khi bị bắt và đưa ra trước các tòa án, các thánh Tử đạo luôn tuân phục những gì nhà cầm quyền đòi hỏi, nhưng không bao giờ các ngài chấp nhận bước qua hình ảnh hay một cây thập giá, bởi đó là dấu hiệu của ơn cứu độ từ Đức Giesu. Yêu mến và cầu nguyện cho nhà cầm quyền dù họ có hành hạ đau đớn chừng nào, nhưng chối bỏ lề luật và bước qua thập giá trước mặt mọi người, thì không bao giờ các ngài thực hiện. Bổn phận của người con Thiên Chúa, các ngài đã làm tròn, bổn phận với nhà cầm quyền, các ngài vẫn vẹn toàn.
Là con người, các thánh Tử đạo cũng có một gia đình, có thể đó là một người cha, có thể là một người mẹ, có thể đó là người con, có thể đó là người anh hay người em trong các gia đình, nhưng tựu trung lại, các ngài luôn giữ vẹn toàn đạo làm con trong gia đình, nâng niu tình nghĩa vợ chồng trong các tổ ấm và giữ trọn đạo hiếu với tổ tiên. Có thể nói cuộc đời các thánh Tử đạo Việt nam là một nhịp cầu kết nối giữa Thiên Chúa với con người, đưa Thiên Chúa đi vào giữa lòng thế giới, là con đường cho Thiên Chúa đi vào trong bàn ăn gia đình mỗi ngày trong tình người ấm áp. Cho dù có bị ngăn cấm, bị bắt bớ, nhưng cuộc đời của các ngài không rơi vào ngõ cụt, không mất đi tính hiệp thông với Thiên Chúa và con người. Niềm vui tin mừng và hạnh phúc khi có Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn, là động lực giúp các ngài luôn bình an trong cuộc sống, luôn mạnh mẽ trước những cạm bẩy của ma quỷ, luôn kiên định trong niềm tin nhỏ bé của mình.
Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ, người tín hữu Kito luôn đối diện với những lời mời hấp dẫn, lời mời đó dẫn họ đi xa dần với Thiên Chúa, bởi Ngài không còn hiện diện trong tâm hồn họ, trong suy nghĩ và nhận thức của họ nữa. Tất cả đã được thay thế. Có thể cuộc đời họ sung sướng, nhưng sung sướng trong phút chốc, sung sướng trong hiện tại, còn tương lai là một quãng đường đen tối, lắm cạm bẩy và thất bại, sung sướng không bao hàm những giá trị tinh thần, tất cả chỉ là những gì phù phiếm và chóng qua. Có thể nói cuộc đời các thánh Tử đạo là một niềm vui kéo dài, niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui được sai đi, niềm vui được làm chứng cho Tin mừng, niềm vui được hy sinh anh dũng vì Tin mừng và cho Tin mừng. Niềm vui đó bao gồm cả hy sinh và mất mát, nhưng là một niềm vui thực sự trong tương lai, bởi các ngài đã được nhận triều thiên của người chiến thắng, được nhận vòng nguyệt quế của một chiến binh Nước Trời.
Lạy Chúa, là con cháu của các thánh Tử đạo Việt nam, chúng con nài xin Chúa cho mỗi người tín hữu Việt nam luôn ý thức và trân trọng món quà Thiên Chúa trao cho Giáo hội Việt nam, để chúng con cố gắng hơn, đừng để mình trở thành nô lệ của chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ, đừng để mình trở thành những tín đồ chỉ đi tìm sự sung sướng khoái lạc của hiện tại, nhưng biết cố gắng tìm kiếm niềm vui tin mừng trong đời sống của mỗi ơn gọi. Chúa cho các thánh Tử đạo Việt nam một trái tim rộng mở, một tình yêu đủ lớn để yêu thương tất cả, để tha thứ tất cả dù đó là kẻ thù, xin giúp chúng con cố gắng biến đổi trái tim mình trở thành một trái tim bằng thịt, biết rộng mở, biết yêu thương, biết tha thứ cho mọi người, dù đó là những người làm hại chúng con. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn