Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 21, 28-32)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Suy niệm
Tuần lễ thứ 26 thường niên trở về, lời mời từ Mẹ Giáo hội qua phụng vụ Lời Chúa gởi đến mỗi tín hữu Kito, hãy sống niềm tin của mình bằng những việc làm cụ thể, sống động và hữu hiệu, để giúp mảnh đất tâm hồn của bản thân ngày càng phong phú, sinh nhiều hoa thơm quả tốt từ cây đức tin, đồng thời, những hoa quả tình yêu đó, giúp tha nhân tìm lại được mối tương quan huynh đệ gia đình với nhau, từ đây, mọi người cùng nhau hướng về sự hoàn thiện mà Đức Giesu mong muốn, đó là hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Trở lại hành trình đức tin của dân riêng Thiên Chúa, họ được Ngài đồng hành qua lề luật, qua đời sống phụng tự, qua những con người được ngài đích thân gởi tới như các tiên tri, các vị vua. Những vị đại diện đó, hướng dẫn họ luôn đúng đường lối của Thiên Chúa, để họ được hưởng phần phúc mai sau. Lời chỉ dạy của các tiên tri là những lời nhắc thiết thực dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi, nếu họ nghe, sám hối, thay đổi cuộc đời, họ sẽ được sống trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa: “hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết". làm sao con người hiểu được đường lối của Thiên Chúa, làm sao con người biết được ý định của Ngài, nếu như Ngài không tỏ lộ, từ đây, có thể hiểu được phần nào, nếu con người thực thi những giáo huấn của Ngài, đi theo con đường Ngài hướng dẫn, họ sẽ được thông dự vào niềm vui của Thiên Chúa và sống trong vinh quang của Nước Trời, hơn nữa, còn được sống với Thiên Chúa bắt đầu từ hôm nay tại trần thế.
Được tin cộng đoàn giáo hội tại Philiphê có nhiều câu chuyện thiếu tình hiệp nhất và huynh đệ cộng đoàn, thánh Phaolo đã mời gọi mỗi người hãy hướng về một Đức Kito, đấng đã sống cho, sống cùng và sống với con người, hơn nữa, Ngài đã chấp nhận một bản án tử, tất cả vì yêu con người. trước một tấm gương sống động về lòng vị tha, về sự hy sinh, thánh nhân nhắc nhở cộng đoàn: “nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô”. Đức Giesu đã chết, đã sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa, đã ban Thánh Thần Ngôi Ba cho nhân loại, Chúa Thánh Thần là nhịp cầu kết nối mọi tâm hồn, mọi con người và mọi gia đình lại với nhau, tạo nên một đại gia đình của Thiên Chúa. Ngài còn mời gọi con người hãy từ bỏ lối sống của thế gian là ích kỷ, là ghen tuông, là hiềm khích, là giận hờn, để đón nhận một đường lối mới trong sự đồng tâm nhất trí với Thánh Thần.
Không nhận lời đi làm vườn nho cho cha, rồi thay đổi suy nghĩ và ra đi, người khác thì nhận lời rồi cũng thay đổi suy nghĩ và không đi nữa, là thái độ của hai người con trong dụ ngôn của bài tin mừng. Đức Giesu đã dùng dụ ngôn hai người con, để gởi trao cho mỗi người thông điệp về hành vi đức tin của mình. Tin là chấp nhận, là dấn bước vào một hành trình mới, là lên đường, không tin là khước từ lời mời, là từ chối lên đường vào cuộc phiêu lưu: “Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Dù yêu thương người cha, nhưng mỗi người con có thái độ đáp trả khác nhau. Không nhận lời đi làm rồi hối hận, thay đổi và ra đi, ngược lại, người kia nhận lời, nhưng không màng tới giá trị nội tại của lời mời, đã thay đổi ý định và không ra đi. Tình yêu thương là một khái niệm thuộc phạm vi tinh thần, vì không thể nhìn thấy hay nắm bắt được, nên tình yêu thương đó cần có những việc làm, những biểu hiện bên ngoài để biểu lộ. Chính những việc làm, những hình thức bên ngoài khẳng định cho giá trị của tình yêu thương đó, và cũng từ đây, họ sẵn sàng dấn thân cho tình yêu thương đó, tiếc thay, con người luôn cần những hình thức, những gì cụ thể mới can đảm dấn thân, do đó, tình yêu thương theo thời gian, được cụ thể hóa bằng những việc làm, những hình thức, do chịu ảnh hưởng từ môi trường thực dụng của cuộc sống. Niềm tin của con người đặt vào Thiên Chúa cũng bị tác động như thế, tin là một hành vi thuộc thế giới tâm linh, nhưng để niềm tin đó trở nên sống động, cần có những việc làm cụ thể, chứ không dừng lại nơi công thức. Vì thế, hai khái niệm về niềm tin cần bổ trợ cho nhau và song hành với nhau, tiếc thay, con người đã đề cao một phần và để phần kia rơi vào quên lãng. Việc làm của niềm tin luôn được quan tâm, còn chiều sâu nội tại của niềm tin là sự chấp nhận dấn thân, ít được chăm sóc. Vì thế, người tín hữu hôm nay thường tập chú vào những hình thức bên ngoài như tham dự các nghi thức phụng vụ và sinh hoạt tôn giáo, nhưng ít ai dám đo lường chiều sâu, chiều rộng về niềm tin của mình vào Thiên Chúa bằng đời sống thiêng liêng.
Khi niềm tin chưa thực sự bén rễ sâu vào tâm hồn, vào trong nhịp sống và mọi sinh hoạt của người tín hữu, niềm tin đó rất dễ đổ vỡ, vì mong manh như thế, niềm tin người tín hữu hôm nay cần được củng cố với những việc làm thiết thực, không mang màu sắc của hình thức, không dừng lại nơi những công thức, mà những việc làm đó phải xuất phát từ lòng mến, từ tình yêu của bản thân dành cho Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa không dừng lại nơi đầu môi chóp lưỡi, nhưng là sự chân thành và lệ thuộc bởi có chân thành mới tìm thấy chiều sâu nội tâm, có lệ thuộc mới thấy Thiên Chúa là đấng đầy lòng thương xót, nhân từ và luôn chăm sóc như người mẹ chăm sóc con cái.
Sống ơn gọi nào cũng là thái độ đáp trả của niềm tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa, trên mỗi hành trình đó, người tín hữu Kito có nhận ra lời mời của Thiên Chúa nơi ơn gọi đó, để sống tử tế với Ngài, những việc làm thiết thực trong mỗi ơn gọi có làm hiển lộ được sự chân thành và yêu mến của bản thân dành cho Thiên Chúa không ? Ta cần lòng nhân chứ không cần lễ tế. Có những khoảng khắc trong mỗi ơn gọi, người tín hữu cần trở về với giá trị thực của tình yêu thương Thiên Chúa dành cho mình, để đền đáp, để cảm nghiệm và để gắn bó với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Bởi đang sống trong một thế giới chuộng hình thức, công thức, nhiều tín hữu đã để niềm tin và lòng mến của mình tục hóa với những hình thức, công thức như thế gian. Thiên Chúa đợi chờ nơi con người sự chân thành và khiêm tốn, Ngài sẽ tuôn đổ tình yêu và lòng nhân từ xuống trên mỗi tâm hồn nhiều hơn nếu con người ý thức hơn những giá trị thiêng liêng của niềm tin.
Lạy Chúa, Chúa mời chúng con vào làm vườn nho cho Chúa và trả công cho chúng con bằng những giá trị của tình yêu thương, trong lúc chúng con cứ mãi ganh tị lẫn nhau và chưa thực sự cảm nghiệm giá trị của tình yêu thương đó, xin cho chúng con, dù không thấy được tình yêu thương, nhưng biết dùng trái tim, niềm tin và lòng mến, để đền đáp tình Chúa yêu chúng con mỗi ngày. Chúa đón tiếp chúng con như người bạn, như người cùng một mái ấm gia đình, tất cả là vì yêu chúng con, xin cho mỗi người biết họa lại bức tranh tình yêu đó với sự chân thành và khiêm tốn đủ, để hoa trái của tình yêu được nẩy nở trong cuộc đời mỗi người. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn