CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 17/10/2020 06:26
Chúa nhật 29 thường niên mời chúng ta phân định lại những giá trị trong cuộc sống của mình, cái gì thuộc về Thiên Chúa, điều gì thuộc về con người, để trả lại cho nó giá trị ban đầu mà Thiên Chúa đã trao tặng trong phận người, từ đây, con người, cùng với ơn thánh từ trời, sẽ sống vẹn toàn hơn với Thiên Chúa và với chính mình. Có vậy, tương quan với tha nhân mới thực sự được dựng xây trên nền tảng của Tin mừng tình yêu.
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 22, 15-21)

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?" Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".

 

Suy niệm

Con Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, sống như một con người, ngoại trừ tội lỗi, Ngài đã ở bên cạnh con người và chia sẻ với con người mọi câu chuyện cuộc đời. Dù có đối diện với muôn vàn khó khăn như con người, Ngài vẫn là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, và con người vẫn mãi là con người, dù được làm bạn với Con Thiên Chúa làm người. Câu chuyện trong bài Tin mừng Chúa nhật 29 thường niên mời chúng ta phân định lại những giá trị trong cuộc sống của mình, cái gì thuộc về Thiên Chúa, điều gì thuộc về con người, để trả lại cho nó giá trị ban đầu mà Thiên Chúa đã trao tặng trong phận người, từ đây, con người, cùng với ơn thánh từ trời, sẽ sống vẹn toàn hơn với Thiên Chúa và với chính mình. Có vậy, tương quan với tha nhân mới thực sự được dựng xây trên nền tảng của Tin mừng tình yêu.

Ngay từ khi tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã làm việc và đến hôm nay, Ngài vẫn làm việc, những việc làm của Ngài làm sao con người hiểu thấu. Câu chuyện trong bài đọc 1 là một dấu chứng về những gì Thiên Chúa thực hiện, để tỏ bày quyền năng và tình yêu thương của Ngài dành cho con người. vua Cyro là một vị vua nổi tiếng của Batư, ông ta không thờ kính Thiên Chúa, thế nhưng, Thiên Chúa đã dùng ông để đưa dân riêng của Ngài trở về quê hương, khi họ bị lưu đày trên đất Babylon: “Ðây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác”. Thiên Chúa đã mượn bàn tay của những người không tin vào Ngài, để thực hiện những việc lạ lùng. Làm sao con người hiểu được những gì Thiên Chúa làm, để rồi quy gán câu chuyện cho khả năng và tài năng của con người. Thiên Chúa đã vẽ một đường thẳng bằng những nét cong, và đó là việc tay Chúa đã làm.

Sau khi chứng kiến sự trưởng thành về đức tin của cộng đoàn giáo hội tại Thexalonica, thánh Phaolo đã lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa và cùng với các anh chị em trong cộng đoàn đó, khích lệ nhau, nâng đỡ nhau, để những gì Thánh Thần đã thực hiện giữa cộng đoàn, là một lời chứng hiển lộ, việc Thiên Chúa làm, con người chưa thể hiểu nổi, nhưng cần có niềm tin, lòng mến và sự cậy trông vững bền, mới giúp cảm nghiệm được tình yêu thương Thiên Chúa dành cho mỗi người, cũng như cả cộng đoàn: “Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta”. Dù hành trình đức tin của cộng đoàn còn non trẻ, chiều sâu nội tâm chưa là bao, nhưng thánh Phaolo đã cảm nghiệm được sức sống cộng đoàn không do tài năng mỗi người, nhưng đến từ Thánh Thần Thiên Chúa. Ngài cho họ sức nóng của tình yêu, hơi ấm của lòng mến và sự can đảm của niềm tin, tất cả tạo nên một cộng đoàn vững mạnh trong đời sống tôn giáo.

Trong các cuộc tranh luận giữa Chúa Giesu với những người lãnh đạo tôn giáo, nhiều chủ đề trong đời sống được đem ra làm chủ đề, vấn nạn thờ kính Thiên Chúa, vấn nạn tuân giữ lề luật, vấn nạn hôn nhân, vấn nạn giữ đạo và hôm nay, trong bài tin mừng, vấn nạn tương quan giữa đạo và đời có hòa trộn với nhau được không, họ đã đặt vấn nạn bên ngoài là có nên nộp thuế cho chính quyền không trong khi Ngài xưng là Con Thiên Chúa, nếu có nộp, Ngài có thực sự là Con Thiên Chúa không, nếu không nộp, Ngài là người đến gây chia rẽ cộng đoàn, là nguyên cớ để người ngoại lai đàn áp dân tộc. Quả là một cạm bẩy rất tinh vi, thế nhưng, trước cạm bẩy đó, Đức Giesu đã trả lời cách minh bạch mối tương quan giữa đạo và đời, giữa Thiên Chúa và con người, hai lãnh vực khác nhau hoàn toàn: “các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?”. Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể nhận ra bài học Chúa Giesu gởi đến cho con người, cái gì thuộc về Thiên Chúa, cái gì thuộc về thế gian, việc làm nào thuộc về Thiên Chúa, việc làm nào thuộc về thế gian. Những người lãnh đạo tôn giáo của dân Do thái thời đó dù suốt ngày ở trong hội đường, trong đền thờ, thông thạo lề luật, am tường Kinh thánh, nhưng việc làm và thái độ ứng xử của họ có chưa thể thuộc về Thiên Chúa, chỉ mang dáng dấp của thế gian, thế nhưng, bà góa nghèo bỏ vào thùng quyên góp chỉ một phần tư xu, việc làm đó xảy ra ngoài cổng thành chứ không phải trong đền thờ, nhưng việc làm đó mang giá trị của Nước Trời, của tin mừng, của Thiên Chúa. Điều quan trọng hôm nay của con người là phân định cách rõ ràng, đừng lấy yếu tố thời gian và không gian làm tiêu chuẩn để áp dụng, nhưng hãy lấy giá trị của việc làm, ý nghĩa của công việc, để hướng những việc làm đó thuộc về bên nào.

Đời sống hôn nhân có ý nghĩa khi đôi bạn hiểu và sống đúng với giá trị, khi đặt nó trên nền tảng thiêng liêng, chứ không dựa vào tiêu chí của thế gian. Nếu cả hai dựa vào những yếu tố của thế gian để kết hôn, để sống đời sống gia đình, chắc chắn nền tảng gia đình đó luôn lấy những tiêu chí về vật chất, về địa vị để đánh giá nhau, để xây dựng con người, vậy hạnh phúc họ đem lại cho nhau là thứ hạnh phúc của thế gian hay của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, việc giáo dục con cái cũng vậy, những giá trị của tin mừng, những giá trị nhân bản Kito giáo được chọn để hướng con cái đến sự trưởng thành, đó có phải là những người con thuộc về Thiên Chúa chứ đâu thuộc về thế gian. Để có thể sống, xây dựng gia đình, giáo dục con cái theo đường lối của tin mừng, cha mẹ sẽ là những người sống đạo thực sự chứ không chỉ giữ đạo, biết trau dồi niềm tin và đồng hành với con cái trong cuộc sống thực sự, và đó là một gia đình thánh thiện.

Đời sống dâng hiến cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, bởi sống ơn gọi nào thì con người vẫn là tâm điểm. một tu sĩ được gọi là chân tu khi trong tâm hồn họ, chỉ có một hình bóng duy nhất là Thiên Chúa, công việc họ làm mỗi ngày, dù phục vụ cho tha nhân, nhưng mục đích là phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân. Đó mới thực là những người thuộc về Thiên Chúa, còn những người chọn con đường tu trì, nhưng mục đích hướng tới là địa vị, là sự thăng tiến, suy nghĩ và chương trình sống hàng ngày của họ chỉ là những toan tính, những kế hoạch, những mưu đồ của thế gian. Thiên Chúa không vui thích khi thấy những toan tính đó ẩn hiện trong bậc sống được coi là đặc biệt trong gia đình Giáo hội, tiếc thay, Giáo hội vẫn đi trong nhân loại, vẫn ở giữa thế gian, do đó, những yếu tố thế gian vẫn len lỏi vào tâm hồn những con người khiếm khuyết, tác động vào mọi sinh hoạt của họ, xa hơn là đưa họ đi ra khỏi chổ đứng trong quỹ đạo tình yêu mà Thiên Chúa dành cho những ai sống đời dâng hiến.

Thiên Chúa mong muốn con người chọn lựa những giá trị của Nước Trời, để đem lại cho họ niềm vui cuộc sống, đem lại cho họ hạnh phúc đích thực của những việc làm, đem lại cho họ sự bình an nội tâm trong mỗi ơn gọi. làm sao để những ước muốn của Thiên Chúa trở thành hiện thực nếu con người không cố gắng, nếu con người không sát cánh giúp nhau hoàn thiện bậc sống của mỗi người. cộng góp với ơn Chúa trong mỗi ơn gọi, ước mong tất cả mọi sinh hoạt của con người đều thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về thế gian.

 

Lạy Chúa, Đức Giesu đem đến cho nhân loại niềm vui Nước Trời và sự bình an đích thực, để con người dựa vào đó xây dựng thế giới như một gia đình huynh đệ, xin cho chúng con luôn biết xây dựng cuộc sống của mình dựa trên những giá trị của Tin mừng và sự bình an của Thiên Chúa. Chúa đã đồng hành với chúng con mỗi ngày trong từng ơn gọi, để chúng con biết xây dựng con người, xây dựng gia đình và ơn gọi của mình trên nền tảng tình yêu, xin cho chúng con luôn biết trở về mỗi khi lạc lối, và biết chọn lựa những giá trị đích thực, để bản thân mỗi ngày một hoàn thiện hơn như Cha nhân lành trên trời. Amen.

 

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây