Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 18, 21-35)
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Suy niệm
Tha thứ luôn được coi là một hành động của tình yêu. Khi con người sống với nhau bằng tình yêu thực sự, thì tha thứ luôn là người bạn đồng hành, luôn là một hành động cần có để biểu lộ chiều sâu của tình yêu mỗi người dành cho nhau. Hình ảnh này khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, Chúa Cha đã yêu con người, yêu không bờ bến, yêu không cần đền đáp, Ngài yêu con người ngay khi con người còn là một tội nhân, Ngài yêu con người đến nỗi đã tha thứ cho con người tất cả. Chúa nhật 24 thường niên trở về, phụng vụ Lời Chúa là lời của Thiên Chúa mời con người hãy yêu thương nhau, và hãy tha thứ cho nhau, chính lúc tha thứ cho nhau, là lúc con người họa lại khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình và của tha nhân.
Là họa ảnh của Thiên Chúa, mỗi người có một giá trị rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, hơn nữa, họ con mang trong mình sự sống là hơi thở của Thiên Chúa, do đó, tác giả sách Huấn ca đã gởi tới mỗi người lời khuyên bảo: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao?”. Thấy được chiều sâu nội tâm của con người luôn có những khiếm khuyết, những lầm lỗi, vì thế, tác giả gợi nhắc mỗi người hãy ý thức điều này: “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó”. Sự hiện hữu của con người trong thế giới này không phải là vĩnh viễn, nhưng chỉ là hữu hạn, do đó, con người hãy cố gắng sống tốt mỗi ngày, chính sự cố gắng đó nói lên giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa, và sẽ nhận được tình thương và sự tha thứ đến từ Ngài: “hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác”. Nếu hôm nay ngươi yêu thương và tha thứ cho tha nhân, mai ngày, ngươi sẽ được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ tất cả, còn được Ngài đưa vào trong gia đình của Ngài là Nước Trời.
Mỗi ngày trong hành trình đức tin của mình, thánh Phaolo tông đồ xác tín hơn về niềm tin và ơn gọi của mình, dù có sinh sau đẻ muộn, thánh nhân luôn ý thức bản thân là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giesu Kito, Thầy Chí Thánh, do đó, trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, thánh nhân bộc bạch niềm tin và tình yêu của mình dành cho mỗi thành viên, đồng thời, ngài cũng khuyên bảo họ: “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”. Khi sống cho anh em mình là dấu hiệu của tình liên đới huynh đệ trong một gia đình, trong một thân thể mầu nhiệm, trong tình liên đới đó, sự sống của Thiên Chúa kết nối các tâm hồn với nhau, vì vậy, cần có sự cảm thông, cần có sự tha thứ, cần có sự quan tâm lẫn nhau. Tất cả là dấu chỉ của tình huynh đệ gia đình Thiên Chúa. Khi cuộc sống vươn tới tầm cao đó, là lúc con người không còn sống cho mình nữa mà là sống cho Thiên Chúa và thuộc trọn về Thiên Chúa, ngay hôm nay và mai sau.
Cuộc sống con người là một cuộc chiến, chiến đấu với bản thân, chiến đấu với những cám dỗ, chiến đấu với những nghịch cảnh, tranh đấu trong công ăn việc làm, tranh đấu với những tham vọng, những địa vị trong cuộc sống. chính vì tranh đấu dai dẳng mà hố sâu giữa con người với nhau ngày càng sâu, khó có thể san lấp, vì thế, trong thế giới nhân loại, chiến tranh luôn diễn ra đó đây, ngay cả trong công ăn việc làm cũng thế. Để lấp đầy những hố sâu ngăn cách đó, cần có một động lực vô hình là tình yêu, mà đỉnh cao của tình yêu là tha thứ. Hành động tha thứ giúp con người thông cảm với nhau, giúp con người xích lại gần nhau để giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau phản tỉnh cuộc đời, giúp nhau giữ vững giá trị của con người trong cuộc sống. Để tha thứ được đâu phải chỉ nói suông, nhưng là một quá trình đấu tranh với bản thân, với cái tôi của mình. Nhưng để tha thứ được, cần có tình yêu thương, đó là lúc nhìn nhận giá trị của tha nhân như là giá trị của bản thân, rồi cảm thông, rồi đón nhận sự khác biệt, rồi tha thứ, rồi yêu thương nhiều hơn. Hành động tha thứ không phải chỉ một lần nhưng được mời thực hiện mỗi ngày, thánh Phero nghĩ rằng tha thứ ba lần là rất quảng đại rồi, thế nhưng, Đức Giesu đã nói với ông, chừng đó chưa đủ cho cuộc đời: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Một trong những khác biệt giữa các thánh tử đạo trong giáo hội công giáo với các anh hùng dân tộc, đó là sự tha thứ. Các thánh tử đạo đã tha thứ cho những người làm hại đến mình và anh chị em, bởi họ chỉ là nạn nhân của tội lỗi, của ma quỷ, họ cũng là con người, là anh chị em con cái Thiên Chúa. Các thánh tử đạo đã tha thứ và cầu nguyện nhiều cho họ khi họ chưa hiểu việc họ làm, còn các anh hùng dân tộc luôn kết án những ai xâm phạm sự sống của họ và mọi người, thậm chí có những lời kết án rất nặng nề, không có chút bóng dáng của tình yêu thương.
Đức Giesu đã thực hiện hành động tha thứ cách tuyệt vời khi Ngài bị treo trên thập giá bởi một bản án bất công. Chính vì yêu thương con người, Ngài đã đón nhận họ trong thân phận một tội nhân, do đó, lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất, tuyệt vời nhất của Đức Giesu trên thập giá: “lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chọn lựa con đường mang tên Giesu là lúc chúng ta cùng với Ngài họa lại bức tranh tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống như Ngài đã thể hiện trên đồi Canvê, là yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, kẻ chống đối Thiên Chúa và Giáo hội, yêu thương những người đang làm hại tha nhân hàng ngày, và luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi người, không chỉ tha bảy lần, mà là tha thứ cả đời, tha thứ mọi nơi mọi lúc. Một hành động đong đầy tình người, tình trời và tình huynh đệ gia đình Thiên Chúa. Để thực hiện được hành động đó cần cố gắng nhiều từ sự cảm nghiệm của bản thân, tôi được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ mỗi ngày, mỗi hành động thiếu ý hướng tốt lành, có như vậy mới cảm nhận được nhu cầu của anh chị em là mong được tha thứ, mong được yêu thương, mong được bình an trong tâm hồn. Tôi nhận được tình yêu của Thiên Chúa, nhận được sự tha thứ của Ngài, nhận được sự bình an của Ngài, tôi có trách nhiệm chia sẻ và thực hiện cho tha nhân.
Trong đời sống gia đình, mỗi thành viên dù trong cùng tổ ấm, nhưng không thiếu những lầm lỗi, những bất đồng, những sự vô tâm, thiếu trách nhiệm, do đó, cần được yêu thương, cần được tha thứ. Để có một tổ ấm thực sự, cần có sự hiện diện của tình yêu thương giữa vợ chồng với nhau, một tình yêu hy sinh, một tình yêu thông cảm, một tình yêu tha thứ, rồi nữa là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, thông cảm với con cái trước những khó khăn của xã hội mà chúng đang là thành viên, đồng cảm với cha mẹ với công ăn việc làm ngày càng bấp bênh. Có được sự thông cảm và chia sẻ vậy, tha thứ mới có thể hiện hữu giữa gia đình. Ngay cả đời sống dâng hiến cũng không ngoại lệ, trong mỗi cộng đoàn, bao con người xa lạ, khác biệt mọi thứ cùng tìm về sống bên cạnh nhau để giúp nhau gọt dũa những lầm lỗi để được nên thánh. Dù ước muốn thật chân thành và cao đẹp, nhưng chưa thể thoát khỏi những xu hướng, những trào lưu từ xã hội, bởi đó, tìm kiếm một tình yêu thương thực sự nơi các cộng đoàn có phải là việc làm bất khả thi không ? nếu như tình yêu thương thực sự có mặt, hành động tha thứ và đón nhận nhau sẽ là nét son tuyệt vời hiện diện giữa các cộng đoàn, tiếc thay, tình yêu thương và tha thứ đó chỉ là một hình thức bên ngoài, chưa có chiều sâu nội tâm và chưa có ý nghĩa thiêng liêng.
Lạy Chúa, con được Chúa tha thứ mỗi ngày, được Chúa yêu mỗi ngày, xin Chúa giúp con can đảm yêu thương và tha thứ mọi người, dù đó là người đang làm con đau khổ, đang làm con tổn thương, Chúa đã cầu nguyện cho những người đã xâm hại Chúa, xin giúp con mỗi ngày biết cầu nguyện cho những người đang giận ghét Thiên Chúa, oán thù Giáo hội và thiếu thiện cảm với các tín hữu Kito, để mỗi ngày họ nhận ra họ đang được yêu thương, đang được tha thứ từ Thiên Chúa. Xin cho con luôn biết sửa mình để cảm thức về tội thôi thúc con sống khiêm tốn, sống chân thành và biết tha thứ nhiều hơn. Amen.
Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn