Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Suy niệm
Sau khi Đức Giesu sống lại trong vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã thiết lập Giáo hội như là một gia đình của Thiên Chúa ngay tại trần gian, Ngài cho con người được thông chia quyền bính của Ngài, và thánh Phêrô, được đặt làm người hướng dẫn gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội Công giáo. Gia đình đó là những người thành tâm thiện chí, với tinh thần khiêm tốn và mong ước được cứu độ, họ chọn Thiên Chúa là Cha, Giáo hội là Mẹ, để giúp đỡ họ sống ơn gọi làm người, làm Kito hữu, làm con Thiên Chúa, ngày một hoàn thiện. thế nhưng, tất cả mọi thành phần trong Giáo hội là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì thế, việc giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau tránh xa những thói hư tật xấu, được coi là trọng trách mà Thiên Chúa giao cho Giáo hội, để giúp con cái mình, bất phân giàu nghèo, sang hèn hay sự khác biệt về mọi phương diện cuộc sống. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 23 thường niên là những lời hướng dẫn cũng như là mệnh lệnh Thiên Chúa yêu cầu Giáo hội và mọi con cái hãy ý thức trọng trách đó, để giúp đỡ nhau trong đời sống tâm linh.
Các ngôn sứ là những người được Giavê chọn từ giữa cộng đoàn, họ được trao trọng trách là loan báo chương trình của Giavê, đồng thời, giúp đỡ các cộng đoàn sửa đổi những gì chưa thích hợp trong đời sống tâm linh, để họ luôn là những người con của Giavê. Tiên tri Edekiel là một trong số những con người được chọn. Dù mang trên mình trọng trách lớn lao, nhưng ông luôn ý thức về trách vụ nặng nề đó để sống hết mình và hết bổn phận với trách vụ. Giavê đã dặn dò ông: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: "Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết"; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”. Ngoài trách vụ là nói lời của Gia vê, các ngôn sứ còn có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên trong cộng đoàn loại bỏ những lối sống trụy lạc, thiếu lành mạnh, sai lạc đường lối của Gia vê, nếu những thành viên đó ra đi trong tội của nó, không những nó phải chết đời đời, mà những thành viên trong cộng đoàn cũng phải chịu trách nhiệm về số phận của thành viên đó, ngược lại, nếu một thành viên giúp đỡ cho ai đó sửa đổi cuộc đời, nhưng người đó không nghe, thì người giúp đỡ không phải gánh lấy trọng trách liên đới đó: “Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”. Tình liên đới cộng đoàn luôn là trách nhiệm của mỗi thành viên, giúp đỡ tha nhân cũng là mệnh lệnh và là lời mời của Thiên Chúa gởi đến cho mỗi người, mỗi thành viên trong các cộng đoàn.
Trong hành trình đức tin, Thiên Chúa luôn mong con người tiến đến sự trọn hảo như Thiên Chúa Cha, đó là lời mời được Đức Giesu gởi đến cho các môn đệ, đồng thời, cũng là lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại, gởi cho con cái Thiên Chúa trong giáo đoàn Roma: “Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác”. Trong một cộng đoàn, không ai là một chi thể bị bỏ rơi, nhưng luôn được gắn kết trong một thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa, có Đức Giesu là đầu, bởi đó, thánh nhân mời gọi các thành viên hãy giữ lề luật của Thiên Chúa trong tình bác ái, đồng thời, hãy sống bác ái trong sự thật. Đó là nét đẹp nhất trong đời sống cộng đoàn. Giúp nhau sửa lỗi hàng ngày là trọng trách Thiên Chúa trao cho mỗi thành viên, từ chối hay thực hiện trong trách đó không dựa trên bác ái Kito giáo, chẳng khác gì là chúng ta kết án người đó, hoặc nữa là chối bỏ một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội.
Giáo hội công giáo là một cộng đoàn gồm những tội nhân, họ mong muốn được sửa đổi cuộc đời của mình trong sự hướng dẫn và ân sủng của Thiên Chúa, đồng thời, đó còn là một cộng đoàn sống tình gia đình, các thành viên có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, giúp nhau tìm thấy hạnh phúc nước trời chứ không phải giúp nhau đi tìm hạnh phúc nghĩa trang, vì thế, Đức Giesu đã hướng dẫn các môn đệ và cộng đoàn giáo hội tiên khởi, hãy ý thức tình huynh đệ cộng đoàn, để giúp nhau sữa chữa những lỗi lầm hàng ngày trong phận người khiếm khuyết: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế”. Đức Giesu đề nghị các môn đệ của Ngài hãy quan tâm tới nhau trong cuộc sống, đặc biệt trong đời sống nhân bản và tâm linh. Sự giúp đỡ nhau trong cộng đoàn phải xuất phát từ tình yêu thương có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì tình yêu thương đó mỗi người phải giúp đỡ nhau nhưng phải dựa trên nền tảng sự thật và chân lý, không phải giúp nhau vì những mục đích tiêu cực trong cuộc sống. Sửa lỗi cho nhau theo sự hướng dẫn của Đức Giesu là giúp nhau nên thánh, giúp nhau loại bỏ những tật xấu của nhau, chứ không phải dìm người khác xuống để mình được đề cao, hoặc giúp nhau với những cách nói không tế nhị, không lịch sự, không có màu sắc của bác ái, mà chỉ nổi bật sự ganh tị, nổi bật tính tự mãn của bản thân, coi nhẹ tình huynh đệ gia đình. Bởi thế, giúp nhau sửa lỗi luôn phải đề cao tình bác ái huynh đệ và dựa trên sự thật, đồng thời, khi vì lợi ích của chân lý, của sự thật mà chúng ta sửa lỗi nhau không có tình bác ái Kito giáo.
Giáo huấn của Giáo hội hướng dẫn con cái phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, do đó, khi Giáo hội giảng dạy, Giáo hội luôn đặt giáo huấn đó trên nền tảng Chân lý của Tin mừng, đồng thời Giáo hội dạy dỗ con cái trong tình yêu thương của một người Cha và lòng bao dung của một người Mẹ. Thế nhưng, nhiều lúc con người đã vô tình lạm dụng quyền giảng dạy, gây chia rẽ trong cộng đoàn, chia rẽ trong gia đình xứ đạo và ngay trong cộng đoàn dòng tu, chỉ vì lợi ích hay cá tính cá nhân. Trong đời sống gia đình hay lối xóm với nhau cũng thế, lắm lúc chỉ vì một chút lợi lộc cá nhân hay của gia đình, chúng ta thay vì sửa lỗi cho nhau thì kết án nhau, khủng bố nhau và làm chứng gian dối về nhau. Đồng tiền, của cải đã làm mờ đôi mắt lương tâm của người tín hữu Kito, bởi thế, thay vì giúp nhau tìm kiếm sự bình an trời cao, chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự bình an sự chết. Người tín hữu không thể đi ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống thiên về vật chất và có tính cách thực dụng, do đó, vì tình bác ái Kito giáo mà giúp nhau hoàn thiện trên nền tảng chân lý Tin mừng, thì người tín hữu đã kéo nhau ra xa sự thật và giết chết luôn tình bác ái Kito giáo. Cũng không thiếu những câu chuyện người ta nhân danh sự thật, nhân danh chân lý để bóc lột lẫn nhau và giết chết phẩm giá con người của nhau, do đó, giúp sống sự thật mà không có bác ái thì chỉ tội gây cho nhau những đau thương và oán thù.
Ơn gọi nào cũng chưa ra khỏi những tham vọng của con người, cộng đoàn nào cũng chưa thể ra khỏi quy luật của sự hữu hạn nơi mỗi cá nhân, do đó, mục đích của đời sống chung là giúp nhau nên thánh, giúp nhau sống linh đạo của con đường mình chọn cách hiệu quả với tinh thần phục vụ. Đó là tinh thần đời sống cộng đoàn, tiếc thay, những con đường mòn tuy nhỏ, nhưng luôn hằn sâu trong cuộc sống, vì thế, những thói quen cá nhân khó có thể gặp nhau nơi mẫu số chung của linh đạo hội dòng, mà chỉ dừng lại nơi những vách tường chia cắt tình huynh đệ cộng đoàn, tình gia đình hội dòng, tình lối xóm giữa các gia đình, ngay cả các giáo sĩ vẫn ẩn hiện đâu đó những toan tính mang mầu sắc nhân loại nhưng khi Mẹ Giáo hội sửa sai những lầm lỗi đó, thì cá nhân đã bất tuân phục, bất cộng tác và hơn nữa là từ bỏ Giáo hội ra đi, tất cả chỉ vì tham vọng con người.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đi vào lịch sử loài người với phận người, chắc Chúa đã thấu hiểu sự hữu hạn của con người, nên Chúa đã muốn chúng con giúp nhau sửa lỗi, để hoàn thiện vai trò người con Thiên Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Ngài sự khiêm tốn của một người con, sự chân thành của tinh thần hy sinh vì tha nhân, để chúng con chấp nhận sự khác biệt nơi nhau, chấp nhận lời góp ý và sửa lỗi của tha nhân. Chúa đã tha thứ cho các tội nhân khi họ nhận ra phận người trong họ, xin Chúa cũng tha thứ cho chúng con khi chúng con đi vào con đường tự mãn, kiêu căng, muốn bằng Thiên Chúa trong sinh hoạt cuộc sống. Được Chúa hướng dẫn, được Chúa tha thứ, chúng con sẽ cố gắng từng ngày, sống khiêm tốn, chân thành trong phận là con người bất toàn và yếu đuối. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn