Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 41-52)
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy niệm
Mỗi năm, khi lễ Thánh Gia trở về, mỗi người tín hữu cảm thấy bồi hồi với cảm xúc khó tả, trong những cảm xúc đó có tình gia đình, nơi thiêng liêng đã gắn bó với mỗi con người từ lúc sinh ra, cho tới khi ra đi trở về lòng đất mẹ. Chính nơi gia đình nhỏ bé đó đã cho mỗi người nhiều bài học về cuộc sống, về giá trị con người, về mối tương quan tình người cần thiết và ấm áp như thế nào. Đức Giesu, Con Thiên Chúa làm người, đã đón nhận những cảm xúc đó như bao con người nơi mái ấm gia đình của Ngài là gia đình Thánh Gia, và cũng nơi đó, Con Thiên Chúa học những bài học làm người như bao cậu thiếu niên khác, chính những giá trị nhân bản dưới mái ấm gia đình, trở thành yếu tố đưa Ngài đến gần với người nghèo, người bất hạnh, trẻ mồ côi và bao người khó khăn khác.
Bước vào gia đình Giáo hội Công giáo, rất nhiều người thầm nghĩ nơi tôn giáo này chỉ hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa, với trời cao, chứ làm gì có những bài học nhân bản để làm người, làm gì có những câu chuyện gia đình, như là những bài học nhân bản giúp mọi tín hữu sống tốt nơi gia đình và xã hội. Quả thực là một thiếu sót khi những anh chị em đó chưa đọc sách Huấn Ca, một trong những tác phẩm của Kinh Thánh nói về niềm vui gia đình, cùng với bổn phận, trách nhiệm của các thành viên sẽ ra sao, để xây dựng một gia đình trong ấm ngoài êm: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Cha Mẹ là những thầy dạy đức tin đầu tiên cho con cái không ai có thể thay thế. Đó là lời của thánh Công đồng Va-ti-ca-nô II khi nói về những giá trị của gia đình. Con cái có bổn phận và trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ Cha. Đây cũng là một nét đẹp trong đạo hiếu của người Việt khi hướng về gia đình. Vậy gia đình là một cộng đoàn Giáo hội thu nhỏ, để sinh dưỡng, dạy dỗ, và hướng dẫn mỗi người biết và sống đạo làm người với nhau, đặc biệt là với Thiên Chúa, người Cha giàu lòng thương xót.
Thánh Phaolo khi nói về gia đình, ngài vẫn dành một sự trân trọng đặc biệt, do đó, ngài đã hướng dẫn cho con cái thành Co-lo-xê cách xử sự cho phải đạo làm người nơi mái ấm gia đình, tất cả giúp cho con người lớn lên trong tình yêu, trưởng thành trong tình người và cảm thông trong tình huynh đệ cộng đoàn: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa”. Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong một gia đình để thánh hóa ơn gọi hôn nhân và thánh hóa các gia đình, vì thế, mỗi thành viên trong các gia đình hãy cộng góp khả năng và sự cố gắng của mình, để xây dựng một gia đình trên thuận, dưới hòa. Chính nơi đó, mỗi người như tìm thấy sự bình an nội tâm sau một ngày làm việc vất vả ngược xuôi.
Đức Giesu, dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi chấp nhận cúi xuống bước vào lịch sử nhân loại, ngài chọn một gia đình để hòa mình vào cuộc sống của con người. khởi đi từ gia đình Na-za-reth, Con Thiên Chúa chào đời, được chăm sóc trong vòng tay mẹ cha, được dạy dỗ bởi tình yêu thương của mẹ cha, được lớn lên trong sự bảo bọc và nuôi dưỡng của các ngài. Còn hai ông bà, dù được gọi là Cha Mẹ của Đấng Cứu Thế, nhưng hai ông bà vẫn giữ những gì lề luật dạy, để hướng dẫn con cái sống tâm tình tôn giáo cách chân thành và xác tín: “Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua”. Đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa với cậu bé Giesu, để biết thêm về mối tương quan với Thiên Chúa như thế nào, đồng thời hiểu thêm về tình huynh đệ cộng đoàn, tình gia đình, đặc biệt là tình người ấm áp ra sao.
Được chứng kiến niềm vui cộng đoàn huynh đệ trong dịp đại lễ tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, cậu bé Giesu vui vẻ theo cha mẹ trở lại mái ấm gia đình dù Ngài còn công việc của Cha nơi đền thờ, trở về gia đình trong sự vâng phục, chia sẻ và yêu thương, Con Thiên Chúa đã chia sẻ với con người những khó khăn thăng trầm trong cuộc sống gia đình: “Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta”. Nơi mái ấm gia đình thánh gia, Con Thiên Chúa đã vâng phục Cha Mẹ, bởi các ngài là những người được Thiên Chúa Cha mời cộng tác trong vai trò là Cha, là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Giesu đã thể hiện vai trò của một người con hiếu thảo, biết vâng lời, giúp đỡ và chia sẻ với mẹ cha trong những khó khăn của gia đình. Tất cả như là những bài học làm người của Con Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại, để từ đây, mỗi người biết yêu quý gia đình, trân trọng mọi người và hiếu thảo với Mẹ Cha của mình.
Đức Giesu khi còn ở trên trời hay khi bước vào ngôi nhà nhân loại, ở đâu Ngài vẫn coi đó là gia đình của mình, dù đó là gia đình nhân loại hay nhỏ hơn là gia đình thánh gia. Vì thế, gia đình luôn được Thiên Chúa ưu ái với sự hiện diện thánh thiêng và chăm sóc cho mỗi thành viên trong gia đình. Hơn thế nữa, Ngài còn ban đủ ơn cho mỗi người trong vai trò là con cái, để biết sống tốt đạo làm người, đạo làm con trong gia đình. Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, do đó, giữa gia đình Hội thánh luôn có bóng dáng của Thiên Chúa, luôn có dồi dào ân sủng của Ngài, nhưng con người có đủ niềm tin, có đủ khiêm tốn để nhận ra sự hiện diện thánh thiêng và gần gũi đó không, cũng như có đủ quảng đại để cộng tác với Ngài khi Ngài cần mượn cuộc đời và trái tim của mình không.
Sống trong một thế giới chủ nghĩa cá nhân luôn được đề cao, con người thấy mình như là tâm điểm của vũ trụ, của thế giới, do đó, gia đình không còn là nơi thiêng liêng đối với họ nữa, gia đình chỉ là quán trọ, là bến tàu tạm thời của cuộc đời, con người đang đánh mất dần những giá trị của gia đình, nơi đó tình yêu vợ chồng không còn thực sự là một tình yêu dâng hiến, thủy chung và tha thứ nữa, tình cha mẹ với con cái đã có nhiều thay đổi theo xu hướng bình đẳng xã hội, cha mẹ không được xâm phạm quyền riêng tư của con cái, không được chỉ dạy cho con cái trong bổn phận của cha mẹ nhưng chỉ được đồng hành để giúp đỡ. Có thể nói khi sự tiến bộ của khoa học, sự phát triển về mọi mặt của xã hội đã vô tình đảo lộn trật tự trong gia đình, tình gia đình đang bị xã hội hóa từng ngày, đạo hiếu đang âm thầm đi vào dĩ vãng, gia đình không còn là tổ ấm mà chỉ là quán trọ qua đường. Mừng lễ Gia Thất, Mẹ Giáo hội nhắc nhở cho con cái hãy trở về tìm lại gia đình của mình, hãy trân quý gia đình của mình, bởi đó là chiếc nôi cho mình chào đời, là trường học đầu đời và cũng là xưởng thợ dạy ta nên người.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã chọn một gia đình để sinh ra trong tình thương của cha mẹ, để lớn lên trong tình thương gia đình, để học những bài học làm người, xin cho chúng con biết bắt chước Chúa, luôn hướng về gia đình trong tình yêu thương, luôn biết trân trọng tổ ấm của mình và biết sống đạo làm người, đạo làm con ngày một vẹn toàn hơn. Chúa đã thánh hóa gia đình bởi đó là ngôi nhà của Ngài, xin Chúa cho chúng con biết quý trọng gia đình, biết chu toàn mọi bổn phận của mình nơi gia đình, để gia đình mình xứng đáng được gọi là gia đình Thánh vì luôn có Thiên Chúa hiện diện, luôn ngập tràn tình yêu thương, luôn chan chứa tình người và luôn đong đầy tình hiệp nhất. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn