CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Thứ sáu - 12/06/2020 22:36
Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giesu là một thánh lễ rất ý nghĩa đối với người tín hữu Kito, bởi thánh lễ mời gọi người tín hữu trở lại phòng tiệc ly và đặc biệt là hy lễ thập giá, để cùng Đức Giesu tiến dâng của lễ đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời lên cho Chúa Cha.
CHÚA CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
CHÚA CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 6, 51-59)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?" Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

Suy niệm

“Này là Mình Ta, được bẻ ra cho anh em”. Đây là lời Chúa Giesu nói với các môn sinh của Ngài khi Ngài cầm lấy tấm bánh, bẻ ra và trao cho các ông trong bữa tiệc huynh đệ, thường gọi là Tiệc Ly. Nơi bàn tiệc đó, Đức Giesu đã lập Bí tích Thánh Thể, trao cho nhân loại của ăn, trao cho nhân loại một giao ước đem đến sự sống và lập Bí tích Truyền Chức, cho con người được thông dự vào nghi thức bẻ bánh của Ngài.

Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giesu là một thánh lễ rất ý nghĩa đối với người tín hữu Kito, bởi thánh lễ mời gọi người tín hữu trở lại phòng tiệc ly và đặc biệt là hy lễ thập giá, để cùng Đức Giesu tiến dâng của lễ đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời lên cho Chúa Cha. Trở lại với bài đọc 1 trong sách Đệ Nhị Luật, tác giả đã trình bày cho chúng ta nghe lời khuyên bảo của Mose dành cho dân Do thái trước khi ông đi xa, ông khuyên họ hãy nhớ lại tình yêu thương Giave dành cho họ, Ngài chăm sóc họ như người mẹ chăm sóc con cái mình: “Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không?”. Tự Thiên Chúa là sự sống viên mãn, là tình yêu tuyệt hảo, đâu cần đến những lễ vật hay các nghi thức phụng tự của con người, nhưng Thiên Chúa đã muốn thông chia tình yêu và sự sống đó cho con người, Ngài chọn một dân làm dân riêng, chăm sóc họ bằng một tình yêu rất chân thành, rất gần gũi và rất người, nhưng họ đã đáp lại tình yêu thương đó với những lối sống thiếu sự khiêm tốn, thiếu luôn cả tình người. Trước tình trạng đó, Mose đã nhắc họ hãy ý thức tâm tình tri ân để sống tử tế hơn với Giave: "Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới".

Trong bài  đọc 2, chúng ta được nghe lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại, khi ngài nói với cộng đoàn Corintho về sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình giáo hội với nhau và mỗi người cùng với mọi người, đều được gắn bó với Thiên Chúa qua tấm bánh được bẻ ra, được trao ban, như là dấu chỉ của tình yêu tự hiến trên thập giá của Thầy Chí Thánh, cũng từ chén rượu là Máu Ngài, sự sống của Thiên Chúa được thông chia cho con người. Sự sống đó được trao ban bằng một giao ước mới của tình yêu mà máu là biểu tượng và cũng là dấu chỉ của giao ước: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. Tuy nhiều người nhưng cùng chung một thân thể bởi tất cả được nuôi dưỡng bằng lương thực trường sinh, bằng sự sống đến từ Thiên Chúa.

Khi Đức Giesu nói với dân chúng về thứ lương thực thần linh là Mình và Máu của Con Thiên Chúa: “Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống", họ đã chối từ, bởi trong nhận thức của họ là thịt và máu người không thể đem lại sự sống đời đời được. họ chưa thể hiểu được ý nghĩa của thứ lương thực thần linh đó, mãi tới khi Đức Giesu đi qua mầu nhiệm thập giá, tiến về sự phục sinh trong quyền năng Thiên Chúa, con người đã phần nào khám phá ra được ý nghĩa và giá trị của thứ lương thực đó. Để tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, con người phải chấp nhận để cho tấm bánh được bẻ ra, được trao ban mà đỉnh cao là thập giá cứu độ, trên thập giá, Đức Giesu đã trao tất cả cho con người, để con người được tẩy sạch mọi tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, đó là một giao ước của tình yêu, và tình yêu đó là tình yêu cứu độ, tình yêu sự sống và tình yêu trao ban. Rồi Ngài còn trao cho các môn đệ chén rượu đầy yêu thương, nơi chén rượu đó, với lời cầu nguyện, đã biến đổi thành Máu, máu của giao ước, máu của tình yêu, máu của sự sống: “ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. máu là biểu tượng của sự sống và cũng là sự sống. Con Thiên Chúa đã lấy chính Máu của Ngài để làm biểu tượng, ký kết với con người một giao ước sự sống, một giao ước cho con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó khởi đi từ dòng máu tình yêu của Ngài trong thân thể huyền nhiệm, chảy tới mọi ngõ ngách của mỗi chi thể là con người, để tất cả tạo nên một thân thể mầu nhiệm và đầu là Đức Giesu Kito. Có thể nói Đức Giesu lập Bí tích Thánh Thể để bày tỏ cho con người thấy chiều sâu nội tâm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khác hoàn toàn với tình yêu con người trao cho con người, tình yêu đó là tình yêu tự hiến, tình yêu bị đóng đinh vì người mình yêu, tình yêu trao ban tất cả, kể cả sự sống của Con Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng ký kết với con người một giao ước sự sống, mà biểu tượng là chính Máu của Ngài.

Hành trình đức tin của con người luôn đối diện với muôn vàn thách đố, có những lúc họ đã chùn chân, thậm chí thối lui, chỉ có sức mạnh của tình yêu, chỉ có sự hy sinh của tình yêu mới là động lực và sức mạnh giúp họ vượt thắng tất cả. Đời sống hôn nhân gia đình ngày hôm nay là một điển hình, đối diện với những nhu cầu căn bản của cuộc sống là cơm, áo, gạo, tiền, họ còn phải đối diện với những thử thách khác, nếu như không có sức mạnh của tình yêu vào một Thiên Chúa luôn đồng hành, luôn nâng đỡ, làm sao con người có thể vượt thắng được tất cả. Khi bên ngoài thế giới, người ta xây dựng cho mình lối sống hưởng thụ và tiêu thụ, một lối sống phục vụ cho bản thân mà thôi, thì người tín hữu lại được mời bước vào hành trình sống phục vụ tha nhân, phục vụ những người bất hạnh, người tín hữu có đủ can đảm để dấn thân trong cuộc sống hiện tại không ? bên ngoài người ta đi tìm cho mình những phương thuốc trường sinh để kéo dài sự sống, phục vụ sự tồn tại của con người, thế mà trong hành trình đức tin, người tín hữu được mời trở thành tấm bánh trao cho tha nhân, trở thành sự sống cho người khác. Ơn gọi hiến dâng cũng không thiếu những đòi hỏi nghiệm nhặt hơn trong hành trình. Phục vụ tha nhân là phục vụ Đức Giesu Kito, là phục vụ Thiên Chúa, thế nhưng có được bao người nhìn ra được khuôn mặt của Đức Giesu nơi những người nghèo, nơi những người bất hạnh, những người bị xã hội loại trừ. Đỉnh điểm của tình yêu Thiên Chúa là thập giá, là sự hy sinh tột cùng, phục vụ tha nhân trong sự yêu thương và cảm thông có phải là một sự hy sinh tất cả nơi con người tu sĩ, để Đức Giesu nơi tha nhân được tôn trọng, được cảm thông và được ủi an. Hành động phục vụ đó có phải là đang thông truyền cho tha nhân một sự sống mới, sự sống đến từ tình yêu Thiên Chúa, đến từ tương quan anh chị em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa sao ? Tất cả đang trở nên những tấm bánh được bẻ ra trao cho anh chị em và tất cả cũng trở nên chén máu của tình yêu, máu sẽ đổ ra để đem lại sự sống cho nhiều người.

 

Lạy Chúa Giesu Kito phục sinh, trước lúc rời thế gian, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để bày tỏ tình yêu viên mãn của Thiên Chúa cho con người và ước mong của Thiên Chúa là thông chia tình yêu và sự sống đó cho con người, xin cho chúng con luôn biết sống tâm tình cảm tạ khi nhận lãnh nguồn sống thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể mỗi ngày nơi Thánh Lễ. Chúa đã trao chén Máu sự sống cho con người và mong ước những giọt máu đó sẽ đem lại sự sống cho bao người, xin cho chúng con được cộng tác với Chúa đem sự sống vĩnh cửu và tình yêu đó đến cho tha nhân trong sự phục vụ khiêm tốn và tôn trọng mọi người. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây