CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN

Thứ bảy - 23/05/2020 05:12
Hôm nay, chúng ta được hiệp thông cùng Giáo hội, long trọng mừng lễ Chúa Thăng Thiên, hay còn gọi là Chúa lên trời. Chúa Giesu, sau khi sống lại trong vinh quang của Chúa Cha, đã được Chúa Cha trở về vị thế ban đầu của Ngài là Thiên quốc, là Nước Trời, là quê hương đích thực, nơi Ngài đi trước để dọn chổ rồi Ngài quay trở lại, đón anh em về ở với Ngài.
CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN
CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 28, 16-20)

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

 

Suy niệm

Hôm nay, chúng ta được hiệp thông cùng Giáo hội, long trọng mừng lễ Chúa Thăng Thiên, hay còn gọi là Chúa lên trời. Chúa Giesu, sau khi sống lại trong vinh quang của Chúa Cha, đã được Chúa Cha trở về vị thế ban đầu của Ngài là Thiên quốc, là Nước Trời, là quê hương đích thực, nơi Ngài đi trước để dọn chổ rồi Ngài quay trở lại, đón anh em về ở với Ngài.

Trong bản văn từ sách tông đồ công vụ, tác giả thánh là Luca đã thuật lại biến cố đặc biệt đó với những cảm xúc khác nhau: vui – buồn ; hạnh phúc – thất vọng ; bình an – hụt hẫng và bao nhiêu tâm trạng khác của các Tông Đồ: “Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời". Hiểu được những trăn trở của các học trò, Đức Giesu đã căn dặn họ, hơn nữa, Ngài không muốn họ đánh mất hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương con người, đang ẩn hiện trong suy nghĩ của họ. Những trăn trở đó đã giữ chân Đức Giesu và Ngài đã ở lại với họ một quãng thời gian, để an ủi, khích lệ và hơn nữa là hướng dẫn họ từ đời sống chung, từ trách nhiệm của các ông đối với các cộng đoàn, rồi đến những phương cách các ông thực hiện để tin mừng tình yêu và cứu độ được loan truyền đến tận cùng trái đất: “Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần". Cảm thông với những giới hạn của các môn đệ, Đức Giesu đã xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho các ông, để Người hướng dẫn các ông hiểu những tâm tình Đức Giesu đã nói về Thiên Chúa, về con người, và giúp các ông hiểu những biến cố Đức Giesu đã trải qua, để các ông trình bày cho thế giới biết tình yêu Thiên Chúa bao la như thế nào.

Tâm tình chia sẻ của thánh Phaolo gởi đến thành Epheso trong lá thư, vừa là lời chào thăm, vừa là lời nhắc cho các tín hữu biết về giá trị thiêng thánh của họ trước mặt Thiên Chúa lớn lao dường nào: “xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau”. Giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa rất lớn, bởi Ngài đã dùng máu của chính Con Ngài cứu chuộc con người, do đó, thánh nhân nhắc nhở cho mọi tín hữu hãy sống đúng với giá trị của mình, giá trị của một tạo vật được máu của Con Thiên Chúa tẩy sạch mọi vết nhơ trong tâm hồn.

Thánh Mattheu kể lại câu chuyện Đức Giesu về trời một cách rất đặc biệt, tác giả không nói trực tiếp về chuyến trở về đó, nhưng tác giả kể lại những lời dặn dò của Đức Giesu dành cho các môn đệ của mình, trước khi rời xa các ông. Hành trình cuộc đời của mỗi con người luôn cần một điểm đến, và hành trình đức tin cũng thế, điểm đến đó là Nước Trời, nơi Đức Giesu được Chúa Cha trọng thưởng sau khi hoàn tất chương trình của Cha. Trong hành trình đó, người bộ hành phải chấp nhận những thăng trầm, đó là đau khổ, đó là thập giá, đó là sỉ nhục, đó là oan sai, đó là bất công, đó là án tử, đó là thất bại, để rồi sau đó, bước tới điểm đến là vinh quang Nước Trời. Vì thế, Đức Giesu căn dặn các đồ đệ của mình hãy loan tin vui đó cho nhân loại, cho thế giới biết, để họ chọn điểm đến cho mình, chọn hành trình cho mình, và chọn tâm tình sống từng ngày cho bản thân, thích nghi với mọi hoàn cảnh: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đức Giesu về trời như là một lời nhắc, một lời khích lệ cho những ai chọn con đường mang tên Giesu, bởi khi họ chọn con đường đó, họ cần phải cố gắng nhiều, cần làm việc nhiều và cần hy sinh nhiều, từ đó, Nước Trời sẽ là điểm đến của họ.

Hôm nay, sống trong một thế giới quá ồn ào, lắm khi mỗi người chúng ta không nghe rõ lời mời của Đức Giesu là hãy lên đường loan tin vui cứu độ cho tha nhân. Chính do ồn ào đó, lắm lúc chúng ta cũng bị cuốn vào trong hấp lực của nó, để rồi một lúc nào đó, chúng ta không thể nhận ra mình đang ở đâu, mình là ai và mình đang sống với mục đích gì. Mỗi ơn gọi là một con đường về trời, mỗi con đường đó đều có điểm đến là Nước Trời, do đó, mỗi người khi được mời gọi bước theo một ơn gọi nào đó, dù là ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi tận hiến, tất cả đều phải chấp nhận một sự thật, đó là đi lại con đường của Thầy Giesu, con đường vinh quang thì ít, đau khổ thì nhiều, thành công thì ít, thất bại thì nhiều, hạnh phúc thì ít, bất hạnh thì nhiều, bởi đó là con đường thập giá, con đường phục vụ, con đường hy sinh.

Biết là thế, nhưng mấy ai có thể hiểu để sống và hướng về trời cao như Đức Giesu đã hướng dẫn. trong từng hoàn cảnh của mỗi ơn gọi, người tín hữu Kito đã thực sự xác định điểm đến cho cuộc đời, cho ơn gọi, nhưng con đường để tới đích điểm đó thực sự chưa phải là con đường Đức Giesu đã đi qua và hướng dẫn cho chúng ta trước khi Ngài về trời. Để một lần xác định lại điểm đến cuộc đời mỗi người, chúng ta cũng cần xác tín lại niềm tin của mình về sự hiện diện của Đức Giesu phục sinh trong cuộc đời mỗi người, có tin rằng Thầy Chí Thánh đang hiện diện bên cạnh, mỗi người mới có thể mạnh dạn hướng về trời, đi theo con đường của Thầy gợi mở, chấp nhận mọi biến cố trong niềm tin và phó thác, lúc đó, người tín hữu Kito mới có thể theo chân Đức Giesu về quê hương đích thực là Nước Trời, nơi Ngài đã dọn sẵn cho ai là môn đệ đích thực của Ngài.

 

Lạy Đức Giesu, Ngài đã về trời trong vinh quang, để mời chúng con hướng về đó như là đích điểm cuộc đời, xin cho mỗi người chúng con, luôn biết cố gắng chu toàn mọi trách vụ được trao phó trong ơn gọi của mình, hầu mai sau được vào Nước Trời với Ngài. Chúa đã giới thiệu cho con đường về trời cho chúng con, xin cho mỗi người khi chọn con đường đó, biết đón nhận mọi biến cố như là thập giá cuộc đời trong ơn gọi của mình, để ngày sau cùng, chúng con được Chúa đưa vào nơi dành cho những ai biết đón nhận thập giá cuộc đời. amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây