CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Thứ năm - 31/12/2020 15:15
Mỗi khi lễ Ba Vua trở về, câu chuyện các nhà đạo sĩ từ phương xa tìm về Belem để thờ lạy Chúa Hài Đồng lại được kể thật hùng hồn và trang trọng.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 2, 1-12)

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy niệm

Mỗi khi lễ Ba Vua trở về, câu chuyện các nhà đạo sĩ từ phương xa tìm về Belem để thờ lạy Chúa Hài Đồng lại được kể thật hùng hồn và trang trọng. Quả là như thế, nhưng vị vua này không những ra khỏi cung điện mà còn tỏ mình cho những ai yêu mến Ngài biết về sự hiện diện của Ngài, để họ tìm về và gặp gỡ. Ba vị đạo sĩ đã gặp được vị vua đang vi hành trong thế giới, họ đã ngập chìm trong hạnh phúc khi được diện kiến Đấng chủ tể vũ trụ nay trở nên một em bé mong manh, yêu đuối, đang nằm trong chiếc máng ăn của súc vật bên cạnh những người thân. Một Thiên Chúa làm người quá tầm thường và khiêm hạ mà con người không thể hình dung được. Tất cả vì yêu và yêu.

Đền thờ Gierusalem được coi là biểu tượng của đời sống tinh thần giữa cộng đoàn Do thái, dân riêng của Thiên Chúa, do đó, dù đi đâu, trong hoàn cảnh nào, họ luôn hướng về đền thờ để cầu nguyện, ngay cả khi họ phạm tội bị Thiên Chúa trừng phạt đi lưu đày, họ đều hướng về đền thờ. Đó còn là biểu tượng của ngôi nhà Thiên Chúa hiện diện giữa dân riêng của Ngài, vì thế, tiên tri Isaia đã thốt lên rằng: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”. Trách nhiệm của dân Do thái là phải chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa bằng chính đời sống mẫu mực trong niềm tin và thái độ tùng phục. Khi con người tùng phục Thiên Chúa, chân nhận Ngài là Thiên Chúa, là chủ tể lịch sử và vũ trụ bằng một niềm tin tuyệt đối và chân thành, từ đó, niềm tin và thái độ sống niêm tin đó của họ, là những dấu chỉ Thiên Chúa đang ở giữa dân người, muôn dân sẽ kéo về thờ lạy và suy phục Ngài: “Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa”.

Niềm tự hào của người chứng nhân tin mừng được hiển lộ trong chính công việc hàng ngày của họ. Thánh Phaolo trong mọi nẻo đường truyền giáo, ngài luôn ý thức mình chỉ là một người thợ trong vườn nho của Thiên Chúa, vì thế, sự chuyên chăm làm việc phải là tâm niệm sống mỗi ngày, bởi đó còn là bổn phận của người được vinh dự trở nên môn đệ của tìn mừng tình yêu: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần”. Thái độ đức tin của người môn đệ là vì sao nhỏ, chiếu sáng những giá trị tin mừng giữa bầu trời thế gian. Dù chỉ là một đốm sáng nhỏ cũng có thể sưởi ấm bao tâm hồn lạnh, chỉ đường cho bao người lạc lối. Tâm tình đó được thánh Phaolo khắc ghi trong suốt hành trình truyền giáo của ngài, và hôm nay, ngài muốn nhắc cho chúng ta hãy sống như thế trong một thế giới không mấy sáng sủa vì thiếu gương chứng nhân.

Câu chuyện các đạo sĩ từ phương Đông tìm đến Belem để được triều bái Đấng Cứu Thế, là một hành trình tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự thật và tìm kiếm đấng chủ tể mọi loài mọi vật. Các ngài thấy trong cuộc sống có những dấu lạ từ trời đất, vũ trụ, thiên nhiên và biết có sự đổi thay về vận mệnh của thế giới và con người, các ngài đã lên đường đi tìm kiếm sự thật mà các dấu lạ gợi mở. Họ lên đường theo kinh nghiệm thường nghiệm của mình. Họ đã tìm về đất Do thái theo kinh nghiệm cuộc sống. Tới đất Do thái, họ mất hết dấu vết từ thiên nhiên và vũ trụ, con đường phía trước bế tắc, họ tìm đến triều đình, tìm đến nhà vua, bởi đó là nơi hội tụ kiến thức khoa học của bao thế hệ, bao con người, chỉ với một tia hy vọng là giúp họ tiếp tục hành trình tìm kiếm. Tất cả đều vô vọng khi nhà vua và mọi người lúng túng, không hay biết về những gì đang diễn ra trong thế giới qua những dấu lạ các đạo sĩ đã thấy: “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Theo chân những dấu lạ, dấu lạ biến mất, theo chân vào triều đình hỏi han, mọi sự bế tắc, còn lối nẻo nào để lên đường tìm kiếm nữa đây. May thay, các đại giáo trưởng và các luật sĩ đã giúp họ bằng cách trưng dẫn Kinh thánh ra và tìm thấy lời giải đáp: “Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta". Vậy là niềm vui và hy vọng lại được nhen nhóm, họ lên đường tiếp và đã gặp được Đấng là chủ tể lịch sử vũ trụ và con người: Thiên Chúa. Họ quá vui mừng và phục lạy ngài, đồng thời dâng ngài những món quà quý trong cuộc sống của họ: “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược”.

Hành trình tìm kiếm Đấng là Chân lý, là Đường, là Sự Thật của các đạo sĩ tượng trưng cho hành trình tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Hành trình đó khởi đi từ khao khát trong tâm hồn của con người, mong muốn đi tìm nguồn cội của mình cũng như của vạn vật. Họ đã dựa vào kinh nghiệm cuộc sống, thường gọi là tri thức thường nghiệm, để lên đường. Tri thức đó giúp họ quan sát vũ trụ, thiên nhiên, vạn vật để thấy dấu vết của con đường. Họ đi theo những kinh nghiệm đó, tiếc thay, con đường đó chưa dẫn họ tới điểm cuối hành trình. Họ phải dựa vào kinh nghiệm khoa học, kinh nghiệm đó tồn tại ở đâu nếu không phải là trong triều đình, là nhà vua, bởi đó được coi là nơi hội tụ của các nhà thông thái, các nhà khoa học, và cánh cửa phía trước sẽ được mở ra nếu có sự giúp đỡ của kinh nghiệm khoa học. Thế nhưng, mọi sự không là như thế, họ chưa thể tìm ra con đường dẫn tới điểm cuối hành trình. Khi mọi thứ không thể giải quyết được mọi vấn nạn của con người, thì Lời của Thiên Chúa là cứu cánh. Kinh thánh được mở ra, niềm vui đến, ánh sao dẫn đường lại xuất hiện, họ lại tiếp tục lên đường. Kinh thánh là lối nẻo cuối cùng dẫn con người đến với Đấng là chủ tể vũ trụ và muôn loài. Tri thức thường nghiệm, tri thức khoa học chưa thể giải đáp cho con người mọi vấn nạn trong cuộc sống, ngay cả cội nguồn của con người, chỉ có Kinh thánh, mới giúp con người tìm thấy câu trả lời về nguồn cội vũ trụ, về tương lai của con người và về ý nghĩa cuộc đời của con người.

Từ câu chuyện tìm kiếm đấng là chủ tể muôn loài, muôn vật của các đạo sĩ, chúng ta có thể thấy mối tương quan cũng như sự bổ trợ giữa kinh nghiệm thường nghiệm và kinh nghiệm khoa học, khi những kinh nghiệm đó chưa thể giải đáp những vấn nạn cuộc sống cho con người, thì Kinh thánh sẽ là cánh cửa cuối cùng mở ra, giúp con người tìm thấy tất cả. để hiểu được Kinh thánh, cần có một niềm tin khiêm tốn, cần có một lòng khao khát chân thành và cần có một thái độ yêu mến dành cho Kinh thánh. Không những hỗ trợ cho con người đi tìm nguồn cội mình, Kinh thánh còn giúp giải quyết nhiều vấn nạn khác của khoa học. tất cả bổ trợ cho nhau để đưa con người đến điểm cuối là Chân – Thiện – Mỹ, là Đấng ban sự sống, làm chủ sự sống và bảo vệ sự sống cho con người. Sự thật là vậy, nhưng thử hỏi con người hôm nay có chấp nhận sự thật đó không, hay chỉ tự mãn với những thành công của con người, và loại trừ Kinh thánh khỏi cuộc sống. Khi ý tưởng đó ẩn hiện trong thế giới, điều chắc chắn là con người không thể tìm thấy những giá trị của chính mình, cũng không thể tìm thấy chiều kích linh thánh của con người trước mọi sinh vật. Hơn nữa, con người không thể tìm thấy nguồn cội của mình là Tạo Hóa mà chỉ chấp nhận một giả thuyết về cội nguồn của mình là đến từ các loài vật. Và bao yếu tố khác sẽ đến như là hậu quả của việc loại trừ Kinh thánh, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này.

 

Lạy Chúa, ba đạo sĩ khao khát tìm gặp Đấng là chủ tể mọi sự, đã lên đường và đã gặp, bao lần chúng con cũng mong gặp Chúa nhưng lòng khao khát chưa đủ lớn, niềm tin chưa đủ mạnh nên chúng con chưa thể gặp, xin ban thêm niềm tin và khát vọng tìm Chúa trong thế giới, để chúng con được một lần gặp Chúa thực sự. Chúa đã hướng dẫn các đạo sĩ đi tìm Chúa từ chính cuộc sống và những kinh nghiệm của con người, xin giúp chúng con biết khởi đi từ kinh nghiệm cuộc sống, công việc và gia đình, chúng con tìm gặp được Ngài, Đấng là Sự Thật, là Sự Sống của chúng con. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây