CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 04/11/2021 08:15
Câu chuyện trong bài tin mừng chúa nhật 32 thường niên nói riêng, cùng các bài đọc khác, cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong muốn nơi con người một tấm lòng, một sự chân thành, một tinh thần khiêm tốn và rộng lượng.
images
images

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44})

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

 

Suy niệm

 

Khi những sắc màu của các bảng hiệu quảng cáo mỗi ngày một nhiều, để lại trong ánh mắt người qua lại nhiều ấn tượng mạnh, tạo nên sự chú ý rất nhiều về sản phẩm và các loại hình thức sinh hoạt trong cuộc sống. Tất cả nhằm phục vụ cho lợi nhuận và giúp cho cuộc sống thú vị hơn. Một xã hội đang phát triển kèm theo những hình thức bên ngoài rất đặc biệt như thế, phần nào đã len lỏi vào trong đời sống đời sống tôn giáo. Không phải chỉ hôm nay, nhưng từ thời Đức Giesu nhập thế, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị Ngài nhắc nhở nhiều về cách giữ đạo hình thức. Câu chuyện trong bài tin mừng chúa nhật 32 thường niên nói riêng, cùng các bài đọc khác, cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong muốn nơi con người một tấm lòng, một sự chân thành, một tinh thần khiêm tốn và rộng lượng.

 

Trở lại với bài đọc 1 trong sách các Vua quyển thứ nhất, tiên tri Ê-li-a, trong hành trình về núi Ho-rep, để gặp gỡ Thiên Chúa, ông đã được những người nghèo trong các làng mạc nuôi sống, dù chỉ nhường lại cho người của Thiên Chúa một cái bánh, nhưng bà góa nghèo tại Sa-rep-ta đã được Thiên Chúa nuôi bằng cách khác kỳ diệu hơn: “Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sa-reph-ta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống". Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh". Sẵn sàng nhường lại sự sống hiện tại cho tha nhân, người phụ nữ nghèo đã được Thiên Chúa ghé mắt đoái thương, cho bà ấy một hũ bột không cạn, một bình dầu không vơi. Biết cho đi khi tha nhân cần tất sẽ được Thiên Chúa cho lại nhiều gấp bội, đó là lời tiên tri thay mặt Thiên Chúa nói với bà: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Is-ra-el truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”.

 

Khi hướng về mầu nhiệm nhập thể của Đức Giesu, Đấng Cứu Độ nhân loại, tác giả thư gởi tín hữu Do thái đã cảm nghiệm được phần nào chiều sâu của tình yêu cứu độ đến từ Thiên Chúa, ngang qua Đức Giesu. Là con người, ai cũng phải chết, nhưng cái chết của Con Thiên Chúa làm người khác với cái chết của tạo vật, bởi cái chết đó đem lại sự sống cho con người, đặc biệt là những người tin vào một Thiên Chúa tình yêu: “Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người”. Cái chết của Con Thiên Chúa không phải là đi vào ngõ cụt, trái lại, cái chết đó đem lại sự sống đời đời cho con người. Giá máu cứu độ của Con Thiên Chúa xóa hết tội lỗi của con người, cho những ai tin chờ vào tình thương của Thiên Chúa.

 

Đề cập đến những người nghèo của Gia-vê, Kinh thánh luôn ghi nhận tâm tình sống của họ rất đẹp lòng Thiên Chúa. Bà góa thành Sa-rep-ta hay những người đợi trông ơn cứu độ đến từ Con Thiên Chúa, tất cả đều có một tấm lòng khiêm cung, không quan tâm đến những hình thức bên ngoài, luôn dọn sẵn tâm hồn cho Thiên Chúa hiện diện. Do đó, khi Đức Giesu thấy thái độ giữ đạo của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Ngài không đồng ý, Ngài khuyên bảo các môn đệ đừng bắt chước cách giữ đạo như thế: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn". Ngài còn gợi ý cho các môn đệ một cách giữ đạo đúng đắn hơn qua câu chuyện người phụ nữ bỏ tiền vào hòm. Dù chỉ một vài đồng bạc nhỏ, nhưng đó là sự sống ngày mai của bà ấy, vì thế, sự sống của tha nhân được đặt ngang hàng với sự sống của mình, thậm chí còn cao hơn, thì đó là người môn đệ đang họa lại câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa: “Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

 

Giới răn thứ hai Đức Giesu đã giới thiệu cho người Luật sĩ là hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi, quả là một đòi hỏi rất lớn của tin mừng. Nghịch lý là tại sao phải yêu thương tha nhân như chính mình, theo góc nhìn của xã hội, không thể chấp nhận được, nhưng dưới lăng kính của tình yêu đến từ Thiên Chúa, người môn đệ khi tin thờ một Thiên Chúa cúi xuống làm người, tất nhiên phải chấp nhận sự hiện diện của Ngài trong tha nhân. Yêu thương Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết sức lực, tất nhiên sẽ yêu thương tha nhân như chính mình thôi. Chiều sâu của tình yêu tự hiến là đây, dám hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống cho người mình yêu. Quả thực đòi hỏi của tin mừng tình yêu xem ra là một đòi hỏi rất quyết liệt và dứt khoát, phải hy sinh, phải từ bỏ, nhưng tất cả những hành vi đó cần thực hiện trong sự khiêm tốn và trân trọng, không cần đến những hình thức bên ngoài như suy nghĩ của thế gian.

 

Bố thí hay giúp đỡ người nghèo, những người đang khó khăn hiện tại, luôn là lời mời của Mẹ Giáo hội gởi đến cho con cái, đặc biệt trong lúc hiểm nguy vì dịch bệnh, thế nhưng, sự giúp đỡ đó cần phải thực hiện như Đức Giesu dạy: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Thiên Chúa cần một tấm lòng, cần một trái tim biết rung cảm trước những nỗi đau của tha nhân, cần một vòng tay nhân ái trước những đói khát của anh chị em, cần một sự cảm thông và đồng hành trước những bế tắc và cùng cực trong cuộc sống hiện tại.

 

Biết và nghe Lời Chúa nhắn gởi như thế, nhưng không thiếu những lúc các môn đệ của Đức Giesu trong thời đại mới, luôn ưa chuộng hình thức bên ngoài. Phải chăng mẫu mã, hình thức quảng cáo của xã hội tiêu thụ đang chen dần vào tâm tình tôn giáo của con người, phải chăng lời dạy của Thiên Chúa trong Kinh thánh nay đang dần bị tục hóa sao ? chắc hẳn đó không phải là điều Thiên Chúa đợi chờ, nhưng con người chưa thể vượt thoát khỏi chiếc vòng kim cô của vật chất và quyền bính, của cái tôi và sĩ diện bản thân. Tất cả là sự yếu đuối của con người, là cạm bẩy của tội lỗi mà con người đang đối diện.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã cúi xuống phục vụ con người trong sự yêu thương và trân trọng, trong sự tha thứ và đón nhận, xin cho chúng con biết đón nhận tha nhân với những khác biệt nơi bản thân họ, để phục vụ, để yêu thương, để tha thứ và để trân trọng. Chúa mong chúng con trở nên những chứng nhân của tin mừng tình yêu chứ không phải là chứng nhân của tin mừng hình thức bên ngoài, xin giúp chúng con ý thức hơn về những chiều sâu của tình yêu, để can đảm dấn thân và khiêm tốn với những gì người đầy tớ vô dụng có thể làm được cho tha nhân, hôm nay, ngày mai và mỗi ngày. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây