MẸ TÔI ĐỐT SÁCH
( Với tâm tình thảo hiếu, kính dâng lên hương hồn các bà mẹ xứ Châu niềm tri ân, cảm mến vô bờ của chúng con )
Người ta, khi nói chuyện đốt sách, thường hay nhắc tới bạo vương Tần Thủy Hoàng( 259-210, TCN), người có công thống nhất nước Trung Hoa nhưng lại mang tiếng xấu muôn đời là kẻ “Đốt sách, chôn Nho”, Việt Nam chúng ta cũng có một thời có “ nhiều người” đốt sách, đốt nhiều lắm có khi đến hàng triệu đầu sách báo bị cháy rụi bởi những ngọn lửa tàn bạo, kho tàng văn hóa nghệ thuật với biết bao nhiêu tinh hoa quý giá của đất nước đã biến mất một cách đau đớn. Mẹ tôi cũng đốt sách, nhưng vì hoàn cảnh nghiệt ngã các bạn ạ, có nhiều người mẹ khác cũng như mẹ tôi, có một điều là chúng ta không hề buồn giận mẹ mà lại rất thương cảm, không hề oán trách các ngài.
Xưa kia, cách đây hơn nửa thế kỷ, khi anh em tôi ở tuổi học trò, cha đi làm công chức thường hay mua các loại sách báo đạo đời về cho chúng tôi đọc, báo đạo thời mới vào Nam thì có báo Luyện Thép, Trái Tim Đức Mẹ, Đức Mẹ La Vang. Về sau có nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp v.v..và cũng nhờ đọc các sách báo đạo này mà anh em tôi biết được hạnh cha thánh Maximilian Maria Kolbe ( 1894 – 14/8/1941 ) chịu chết thay cho một người bạn tù ở trại tập trung khét tiếng tàn bạo Auschwitz dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng nước Ba Lan trong thế chiến thứ 2, bài này được viết trong báo Đức Mẹ La Vang ( ngày 10/10/1982 cha Maximilian được ĐGH GIOAN PHAOLO II tuyên phong hiển thánh ), và rất nhiều nội dung phong phú khác nữa mà các sách báo thời đó đã đăng tải.
Ở tuổi thiếu niên, chúng tôi được đọc những tập truyện tranh rất hấp dẫn như: Sấm truyền cũ, Tarzan chúa tể rừng xanh, Lucky Luke, thích nhất là truyện TinTin với chú chó Milou trong tuần báo Thiếu nhi của ông Nguyễn Hùng Trương ( 1926- 2005, là người thành lập nhà xuất bản sách Khai Trí ) và nhà văn Nhật Tiến phát hành, ngoài ra còn có báo Tuổi Hoa với nhiều màu hoa: Đỏ, Xanh, Tím tùy theo lứa tuổi, có các trang bìa và hình minh họa do họa sĩ ViVi vẽ rất dễ thương, đến tuổi mới lớn biết mơ mộng thì đọc tuần báo Tuổi ngọc do nhà văn Duyên Anh( làm chủ bút, tiểu thuyết tình cảm, truyện của nhóm Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái hưng, các sách học làm người, tâm lý nam nữ của các nhà văn như Hoàng xuân Việt, Nguyễn hiến Lê, sư huynh Mai Tâm, Phan văn Chức v.v.. hoặc nhiều sách báo khác nữa.
Thời xưa, ở Miền Nam VN có nhiều nhật báo được phát hành mỗi ngày như : Xây dựng, Thẳng Tiến, Trắng Đen, Tia Sáng v.v..chúng tôi thích đọc không phải vì chuyện thời sự, mà vì trên các báo đó đăng tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton), thích nhất là các truyện kiếm hiệp của Kim Dung như Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ v.v…, các tiểu thuyết xã hội của Duyên Anh (1935-1997 ) như Điệu ru nước mắt, Luật hè phố, Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang hay Loan mắt nhung của Nguyễn thụy Long v.v.., thật ra , đọc như thế không bao giờ đọc hết truyện được vì ngày có báo, ngày không, hoặc thế sự thay đổi không ngừng. Mãi về sau, khi các tác giả trên in thành sách, chúng tôi mua về mới thoải mái phiêu lưu trên từng trang sách được.
Anh em tôi vốn thích ca hát, đàn địch, từ ngày cha mua về cái radio nhỏ xíu, những cục pin được tận dụng to hơn máy, chúng tôi thường được nghe các bản tân nhạc làm mê đắm lòng người như : Chuyện tình Lan và Điệp, Những đồi hoa sim, Đồi thông hai mộ v.v.., các anh chị lớn trong nhà sành điệu hơn thì thích nghe các bài hát của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh công Sơn hoặc các bản nhạc nói về thân phận con người trong cuộc chiến, tình yêu lứa đôi của Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Lê Minh Bằng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng v.v..và rất nhiều bài hát trong tuyển tập 1001 bài ca hay của nhiều nhạc sĩ nữa. Từ đó, anh em tôi mới để dành tiền mua các bản nhạc 2 tờ gấp lại (cỡ 2 tờ A4 ngày nay), được trình bày các hình minh họa bìa ngoài do các họa sĩ Kha Thùy Châu, Duy Liêm vẽ. Các bản nhạc này thường do các nhà xuất bản Tinh hoa miền Nam, Mạnh Phát, Diên Hồng ấn hành.
Tháng 3 năm 1975, cuộc can qua đổ ập tới làng tôi như một cơn cuồng phong. Làng tôi vốn là một xứ đạo rất đỗi an bình cho dù đất nước đang chịu cảnh chiến tranh loạn lạc. Thế là bom nổ, đạn bay, nhà cháy, người thương vong , “ người ta bồng bế nhau chạy trốn…”( TCS), gia đình ly tán, lòng người hoang mang lo sợ, khi đó tôi và một người anh chạy loạn từ tỉnh khác trôi dạt về Sài gòn, với tâm trạng âu lo không biết gia đình mình giờ như thế nào và chúng tôi quyết định trở về nhà sau cuộc chiến, cho dù anh em tôi có đủ điều kiện để di tản ra nước ngoài.
Ngày trở về của anh em tôi, chỉ có mẹ và mấy đứa em ra đón với những giọt nước mắt vui mừng xen lẫn tủi buồn : “ mẹ tưởng mất hết các con rồi”, mẹ thốt lên như thế ! Cha tôi đã phải đi học tập cải tạo. Nhà tôi cũng bi đạn pháo, nhưng không sụp đổ hoàn toàn, nhờ có bà con xóm giềng giúp đỡ sửa sang nên cũng đã ổn định. Vào nhà, thấy bàn ghế, tủ giường đều có dấu tích của đạn pháo nhưng tủ sách thì trống trơn, trên các bàn học cũng không có một quyển sách nào nữa, thì ra, trong nỗi hoảng sợ tột cùng, mẹ tôi đã gom hết sách vở và những thứ gì trong nhà có dính dáng đến chế độ cũ để đốt hết, nhưng vẫn không hết thật được, khi anh em tôi dọn phòng cũ của mình thì thấy đang còn sót lại một số sách báo như : Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thiếu nhi, sách Thánh ca, một vài tuyển tập bài hát của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương và một số sách giáo khoa lớp đệ nhị, đệ nhất.v.v..
Chiến tranh đã qua đi,và cuộc sống cứ phải tiếp tục trong hoàn cảnh mới của đất nước.
Thời gian đầu, vì cơm áo gạo tiền, nên anh em tôi phải bươn chải cày xới trên đồng ruộng, đào đất cất gỗ trong những cánh rừng hoang vu, chẳng thiết tha gì tới sách vở, đàn ca . Một thời gian sau, khi cuộc sống tương đối đã ổn định, anh em tôi mới lôi ra những sách báo cũ còn lại để đọc, sau khi đã xé đi những trang có vấn đề, tìm lại những bài hát xưa để nghêu ngao ca hát với biết bao nhiêu tâm trạng buồn vui.
Thời đại hôm nay, với sự phát triển tột bậc của ngành truyền thông, hầu như tất cả kho tàng văn hóa, nghệ thuật, khoa học v.v..của nhân loại đều nằm gọn trong những thiết bị điện tử như computer, iphone, ipad v.v.., chỉ cần bấm phím hoặc lướt nhẹ trên màn hình là người ta có thể đọc sách báo, tiểu thuyết, xem phim, nghe nhạc v.v..thật thoải mái, tiện lợi. Còn thế hệ chúng tôi thời xa xưa đó, lại thích nằm “ vắt chân chữ ngũ” để lần giở những trang sách mà nơi đó xuất hiện những tay giang hồ, anh hùng hào kiệt, những cô bé có mái tóc demi garcon dễ thương, những bài thơ tình nồng nàn v.v.. mơ mộng, lãng mạn đến nỗi nhiều khi: “ ngủ quên trên sách mơ màng, tập sách thơm ngoan, áp má mê man, gió lùa tỉnh dậy, mùi lan chập chờn, Ẩn Lan ơi! em dỗi em hờn …”( Gọi em là đóa hoa sầu, thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy).
Vâng! Chúng tôi gọi lại tên Ẩn Lan như là để hoài niệm một thời xa xưa vui buồn với văn chương, nghệ thuật qua sách báo, mạo muội gửi tới các bạn trẻ chút tâm tình nhắc nhớ là: các bạn hãy gìn giữ và phát triển những điều quý giá trong kho tàng văn chương, nghệ thuật mà các bậc tiền nhân đã để lại cho những thế hệ sau.
Cuộc sống của thế hệ chúng tôi giờ đã bước qua bên kia sườn núi trần gian với những suy tư về cảnh hoàng hôn cuộc đời nhưng vẫn mong ước rằng: “ Dù không thể kéo lại được thời huy hoàng của cỏ xanh, thời lộng lẫy của hoa tươi, ta không nên thất vọng mà hãy cố tìm nghị lực trong những gì còn lại” ( William WordsWorth, thi sĩ Anh).
Châu sơn những ngày tháng 3.2021.
Tác giả bài viết: AN NHIÊN.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn