Trong niềm tin của người Công giáo, mối tương quan và liên đới giữa người sống và người chết được kết nối qua lời cầu nguyện hay nói đúng hơn là “mầu nhiệm các thánh cùng thông công”. Mầu nhiệm này diễn tả sự kết hợp mật thiết giữa những người còn sống nơi trần thế với các thánh trên thiên đàng (linh hồn những người chết đã sạch tội) và những linh hồn nơi luyên ngục (linh hồn những người chết chưa sạch tội đang được thanh luyện). Đây cũng là tín điều hết sức quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với người Công giáo.
Niềm tin này cũng diễn tả rằng những linh hồn nơi luyện ngục cần được thanh luyện đến khi nào sạch tội thì sẽ được vào thiên đàng. Hơn nữa các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện không thể tự cứu mình mà chỉ nhờ lời cầu bầu của các thánh trên thiên đàng cùng những lời cầu nguyện và việc lành phúc đức của người còn sống để Chúa thương giảm bớt hình phạt và thời gian thanh luyện. Vì mối tương quan giữa người sống và người chết hết sức khăng khít như thế nên giáo hội Công giáo dành ngày đầu tiên của tháng 11 là ngày tôn vinh chung tất cả các thánh trên thiên đàng và từ ngày 2 đến hết tháng 11 dành để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Người Công giáo cũng tin rằng khi tới viếng nghĩa trang và cầu nguyện thì các linh hồn nơi luyện ngục sẽ được hưởng Ơn Toàn Xá (tức là giảm bớt thời gian thanh luyện nơi luyện ngục). Cũng vì lẽ đó mà vào tháng 11, người Công giáo tới nghĩa trang sửa sang mộ phần cho người thân, trưng hoa, thắp hương tưởng nhớ. Không chỉ tới nghĩa trang ban ngày, nhiều nơi các tín hữu còn tổ chức viếng nghĩa trang vào ban đêm, họ tới đây để thắp nhang, thắp nến, tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời.
Tưởng chừng như việc tới các nghĩa trang vào ban đêm là việc kỳ dị nhưng với niềm tin của mình, người Công giáo lại biến việc đó trở nên hành động báo hiếu cực kỳ ý nghĩa. Hình ảnh nến hương rực rỡ hòa quện cùng những lời kinh khấn cầu giữa màn đêm tĩnh mịch tháng 11 như kéo gần khoảng cách giữa người sống và người chết lại với nhau. Đối với người Công giáo, việc báo hiếu không chỉ là việc chăm sóc sửa sang, trưng hoa, thắp hương, thắp nến trên phần mộ mà quan trọng và mấu chốt hơn cả là sự cầu nguyện liên lỉ với Đấng Tối Cao với ý chỉ xin cho những người thân yêu của mình sớm được hưởng phúc thiên đàng.
Nói vậy, nhưng để việc cầu nguyện đem lại ơn ích thiêng liêng cho những người đã khuất thì cũng không phải dễ dàng. Ngoài những yêu cầu thông thường, giáo hội Công giáo còn chú trọng và đề cao sự chân thành trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa chứ không đơn thuần là những biểu hiện bên ngoài như xây mộ thật hoành tráng, trưng thật nhiều hoa, thắp thật nhiều hương, đốt thật nhiều nến hay mang thật nhiều tiền đi xin kinh, xin lễ. Dễ hiểu hơn thì giáo hội Công giáo đòi buộc tín hữu của mình xác tín về Thiên Chúa, về thiên đàng, về luyện ngục và nhờ sự xác tín mạnh mẽ mà khi cầu nguyện các tín hữu mới thành tâm được.
Như thế, sự hiếu nghĩa của người Công giáo là có thật, thậm chí là rất sâu sắc. Việc báo hiếu của người Công giáo đối với người đã khuất không chỉ dừng lại ở biểu đạt bên ngoài nhưng trên hết là sự thành tâm bên trong. Sự báo hiếu của người Công giáo có thể tạm phân ra thành ba cấp độ: cấp độ 1 là chăm sóc mộ phần, thắp hương, thắp nến, trưng hoa…; cấp độ 2 là cầu nguyện, xin kinh, xin lễ cho các linh hồn nơi luyện ngục cách đơn thuần; cấp độ 3 là thành tâm cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và suy gẫm về đời này – đời sau mà hoàn thiện bản thân hơn, sống tốt hơn, sống đẹp hơn, và chính đời sống tốt lành đó mà các linh hồn nơi luyện ngục được giải thoát.
Tác giả bài viết: Nhật Nguyên – Phụng Thiên
Nguồn tin: vanhien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn