Những thập niên đầu thế kỷ 20, dân tộc ta còn dùng âm nhạc gọi là "dân tộc" nhưng vẫn nặng chất "Tàu", tỷ như xướng âm thì dùng "hồ xừ xang xế liêu cống"; nhạc cụ có đàn Nhị, hồ cầm, tỳ bà, nguyệt, tranh, bầu, trống cơm ...Còn dàn nhạc thì tập hợp các nhạc cụ lại cùng hòa tấu được gọi là hội bát âm. Các bản nhạc được hòa tấu phổ biến nhất là : “Bình bán văn, Lưu thủy, Nam bình, Nam ai”.
Nhạc tân thời hay nhạc cải cách, tân nhạc chỉ xuất hiện giữa thập niên 1930, hay nói theo nhạc sĩ Phạm Duy: “Những năm đầu: thập niên 1930, thời kỳ đi tìm nhạc ngữ mới”. Tân nhạc có nguồn gốc từ các nhà thờ Công giáo là điều không ai chối cãi. Dân tộc ta tiếp cận văn hóa Tây phương từ khi các giáo sĩ Tây phương sang truyền giáo tại Việt Nam, khởi đầu từ năm 1533 như chính sử Việt Nam ghi dấu. Bẵng đi thời gian gần một thế kỷ, các giáo sĩ Tây phương bị bắt bớ tại Nhật đã trốn sang Hội An, lập cơ sở truyền giáo tại đây cũng như vùng lân cận từ 1615 về sau...Tín hữu Công giáo Việt Nam là những người đầu tiên tiếp xúc với văn hóa Tây phương qua các giáo sĩ...Trong các cử hành phụng vụ có âm nhạc. Các linh mục, tu sĩ và sau này cả giáo dân đã được các giáo sĩ ấy dạy nhạc, đàn,
Vì nhu cầu -Á phụng vụ, các việc đạo đức, giáo dân cần hiểu rõ, nên các linh mục, tu sĩ giỏi nhạc đã lấy nhạc La tinh hay nhạc Tây ráp lời Việt cho giáo dân hát; rồi tới đầu thế kỷ 20, bắt đầu có những tác phẩm hoàn chỉnh cả nhạc lẫn lời, đều do các nhạc sĩ nhà thờ sáng tác bằng tiếng Việt....Nam Bộ đi bước trước vì tiếp cận với Pháp nhiều hơn và gần hơn. Hầu hết các nhà thờ đều có cha sở người ngoại quốc, đa phần là người Pháp. Những nhạc sĩ nhà thờ nổi tiếng người Việt Nam là linh mục Phaolo Nguyễn văn Quy, Grabiel Long, đặc biệt là linh mục Phaolo Đạt, tức cha Phaolo Đoàn Quang Đạt, sinh tại Huế năm 1877, gia đình chạy vào Bình Sơn (Búng,Thủ Dầu Một) do phong trào Văn Thân bắt bớ Đạo Chúa. Vào Tiểu chủng viện Sài Gòn, thầy Đạt được cha Phaolo Quy dạy nhạc và được thụ phong linh mục ngày 23-9-1911. Sau đó cha Phaolo Đạt làm giáo sư chủng viện và làm phó xứ, chánh xứ nhiều nơi. Ngài qua đời ngày 21-2-1956, hưởng thọ 79 tuổi, Tác phẩm của cha Phaolo Đạt khá nhiều nhưng ấn tượng nhất là các bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời”. “Kinh nguyện Chúa Thánh Thần”, “Tôi kính lạy Chúa Giêsu” , “Kinh nửa đêm” . Hai tuyển tập “Ca vịnh Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu” được in ấn và phát hành tại nhà in Tân Định năm 1911 và “ Ca vịnh Rất Thánh Trái Tim Đức Bà” , in năm 1912 ( cùng nhà in )
Tác phẩm “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” ( 1907) là một bài thánh ca hoàn chỉnh, có hòa âm….Cha Phaolo Đạt đã rất khéo chuyển một bài ca vãn trong sách kinh thành một bản nhạc theo kiểu phương Tây mà không làm mất bản chất dân ca. Bản nhạc đã giữ nguyên nội dung của bài vãn : “Nửa đêm mừng Chúa ra đời / Bức khăn sạch vấn , để nơi hang lừa / Cỏ rơm trải lót bơ thờ / Mượn ấm bò lừa quỳ thơ dâng hơi …” Hơn nửa thế kỷ từ khi ra đời, hầu hết các nhà thờ miền Nam đều hát bài này vào lễ Noel. Mãi sau này mới thấy ít hát, lý do lời ca vãn cổ không còn thích hợp với sự đổi mới của xã hội, hơn nữa âm vực cha Phaolo dùng hơi cao so với phần đông giọng ca của các ca viên không chuyên. Mặt khác, các sáng tác về Noel càng ngày càng nhiều và đa dạng, dễ tập dễ hát hơn. Tuy thế, giá trị của một bản thánh ca mang tính hội nhập từ thuở sơ khai thì không hề giảm sút.
Nhạc nhà thờ đã vậy, còn nhạc đời hay nhạc cải cách thì sao? Chúng ta sống dưới thời Pháp thuộc gần 100 năm. Hồi đó, những người Pháp sang Việt Nam để làm việc hay buôn bán hầu hết là tín hữu Công giáo. Họ giữ đạo như thế nào ta không biết, nhưng chắc chắn họ thấm nhuần văn hóa KiTô giáo, trong đó có âm nhạc. Ban đầu là lính tráng với những khúc nhạc kèn đồng. Dân Ta thì một số gia nhập Làng Tây … Theo nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ban đầu dân ta tiếp xúc với nhạc nhà binh là kèn đồng. ở thành thị tiếp cận nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển Tây, đĩa hát 78 vòng, dân Tây học biết đờn Mandolin, Banjo, Guitare, Violon, Piano …” Người ta học nhạc Tây phương và làm nhạc bước đầu bằng cách ráp lời Việt vào một bài nhạc Tây để hát như trường hợp nhạc sĩ Đình Nhu ( 1910 – 1945), dựa vào một khúc nhạc kèn đồng để sáng tác bài “Cùng nhau đi Hồng binh”. Bài này theo nhà nghiên cứu âm nhạc Dân tộc Trần quang Hải ( Tiến sĩ âm nhạc Ecole des hautes Etudes en Science Sociale Paris ) : “Tác giả Đình Nhu đã dựa vào mô hình của bài hát Pháp có tên là “La marche des Alpinistes ( Hành khúc của những người leo núi Alpe ) để ráp lời Việt vào …
Thời điểm âm nhạc cải cách hay tân nhạc chính thức bắt đầu từ khoảng 1935 trở đi với các nhạc sĩ như Lê Yên với nhạc phẩm “Bẽ bàng”(1935) “Xuân nghệ sĩ hành khúc”(1936 ), nhạc sĩ Văn Chung với các bài “Tiếng sáo chăn trâu”(1935), “Bên hồ liễu”(1936) , “Bóng ai qua thềm”(1937), nhạc sĩ Lê Thương với “ Xuân năm xưa” (1936)
Trong những nhạc sĩ đầu đàn này có những thầy dòng hoàn tục được học nhạc bài bản trong các chủng viện và phụ trách thánh ca nhà thờ nhiều năm như Hùng Lân, Lê Thương, Tâm Bảo,
Duy Tân … Hùng Lân sáng tác cả nhạc đạo, nhạc đời, nhạc đời nổi tiếng với bài “Khỏe vì nước”, “Hè về”….Lê Thương chỉ có nhạc đời, nổi tiếng với “Hòn vọng phu 1,2,3”… Tâm Bảo, Duy Tân … chuyên nhạc đạo và đã gầy dựng nên Nhạc đoàn Công giáo đầu tiên là Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh.
Tất cả những sáng tác mới của các nhạc sĩ cải cách trước năm 1938 chỉ là những bài ca lưu hành nội bộ, cho tới một ngày được chính thức công nhận là ngày khởi đầu dòng nhạc cải cách (31-7-1938) . “Báo Ngày nay lần đầu tiên cho đăng bài hát “Bình minh” của nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn xuân Khoát. Từ đó về sau, nhiều bài hát mới của các tác giả Việt Nam lần lượt có mặt trên báo. “( Theo âm nhạc mới Việt Nam, tiến trình và phát triển” Viện âm nhạc Hà Nội , 2000, trang 54) Như vậy là đã rõ, bản tân nhạc đầu tiên là bài “ Bình minh” Tác giả Nguyễn Xuân Khoát sinh tại Phố Nhà Thờ Hà Nội năm 1910 và mất tại Hà Nội năm 1993). Bản tân nhạc thứ hai là bài “Một kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên đăng trên báo Ngày Nay số 122 ngày 7-8-1938 (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên sinh 1909 tại Huế , mất 30-4-2009 tại Saigon )
Điều đáng nói nhất, cả hai nhạc sĩ lão thành này đã chính thức khai trương nền tân nhạc Việt Nam đều là tín hữu Công giáo. Đặc biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, trong những năm cuối đời về cư ngụ tại họ đạo Gia Định, tôi thường xuyên tiếp xúc và được cụ tín nhiệm, trao cho những tư liệu về cuộc đời và sinh hoạt âm nhạc của cụ trong các nhà thờ cũng như ngoài xã hội.
*** Một cách khách quan và thẳng thắn, Đạo Công giáo đã đóng góp rất to lớn cho nền văn minh nhân loại xuyên suốt hàng nghìn năm bao trùm tất cả các bộ môn nghệ thuật như: Kiến trúc, hội họa, điêu khắc, thi ca, âm nhạc …, ngoài ra còn tích cực xây dựng xã hội về giáo dục, y tế, công việc bác ái …. Tuy nhiên với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, với những lý do ngoại tại, những nỗ lực đóng góp của Đạo Công giáo bị hạn chế rất nhiều. Đáng tiếc thay !
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn