CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Thứ bảy - 04/04/2020 12:56
Mùa chay đang dần khép lại với cao điểm là những ngày tuần thánh. Khởi đầu một tuần lễ đặc biệt trong năm phụng vụ là Lễ Lá, kỷ niệm biến cố Đức Giesu long trọng tiến vào thành Gierusalem, như là bước vào cuộc tử nạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 21, 1-11)

Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay". Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán:

"Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ".

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!"

Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: "Người đó là ai vậy?" Dân chúng trả lời rằng: "Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa".

 

Suy niệm

Mùa chay đang dần khép lại với cao điểm là những ngày tuần thánh. Khởi đầu một tuần lễ đặc biệt trong năm phụng vụ là Lễ Lá, kỷ niệm biến cố Đức Giesu long trọng tiến vào thành Gierusalem, như là bước vào cuộc tử nạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.

Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ đặc biệt này mời gọi chúng ta hướng về thành Gierusalem, nơi được coi là trung tâm của đời sống tâm linh của mọi người Do thái. Nơi cổng thành đó cách đây hơn 2000 năm, Đức Giesu cùng  các môn đệ của Ngài, long trọng tiến vào thành trong sự chào đón nồng nhiệt và muôn tiếng tung hô vang trời. Dân chúng đón tiếp Ngài như đón tiếp một vị anh hùng đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Roma, họ tin như thế, và họ mong đợi một biến cố đến trong đất nước, để họ được tự do, được hạnh phúc. Thế nhưng, họ chưa hiểu được chuyến đi đặc biệt này của Đức Giesu không phải là của một anh hùng nhưng là của Con Thiên Chúa làm người. Ngài đến để chấn hưng mọi sự, Ngài đến để kiện toàn lề luật, Ngài đến để trao lại quyền tự do cho con người, Ngài đến để đưa con người trở về với ngôi nhà đích thực của mình là gia đình Thiên Chúa.

Sau khi vào thành, Đức Giesu cùng các đồ đệ, tổ chức một bữa tiệc gọi là tiệc ly. Nơi bàn tiệc đó, Đức Giesu đã giới thiệu một mầu nhiệm vô cùng ý nghĩa của Con Thiên Chúa làm người, mầu nhiệm tự huỷ như tấm bánh, sẵn sàng bẻ ra, trao ban cho tất cả mọi người. Từ nơi bàn tiệc đó, khuôn mặt thực sự của Thầy, của các học trò dần dần xuất hiện. Khởi đầu là khuôn mặt của Giuda, kẻ đã bán Thầy mình 30 đồng bạc. Một người học trò không có tâm, không có tình và cũng không có nghĩa. Tiếp đó là khuôn mặt của Phero, người được Thầy tin tưởng giao cho việc trông coi đức tin của anh em mình. Vậy mà khi nghe cô con gái trong sân dinh Philato hỏi mấy câu, ông đã mạnh mẽ chối Thầy, lời chối từ đó như trút bỏ trách nhiệm khỏi cuộc sống bản thân chăng ? rồi khuôn mặt của các môn đệ, các bản văn Tin mừng không nhắc nhiều đến các môn đệ, bởi các ông đã bỏ trốn và chấp nhận một sự hẩm hiu và sống trong những nỗi gặm nhấm của lương tâm.

Câu chuyện Đức Giesu vào thành Gierusalem có thể nói là một biến cố trong lịch sử của thế giới, cũng là câu chuyện trong lịch sử của dân Do thái nói riêng về góc nhìn tôn giáo, và đó cũng là câu chuyện đã và đang xảy ra trong cuộc đời mỗi người. chúng ta không ngồi đây để truy tìm những khuôn mặt của môn đệ này, môn đệ kia theo Thầy cách nửa vời, hay theo Thầy vì một lợi ích riêng tư, nhưng chúng ta đi tìm những khuôn mặt đó đang ẩn hiện trong chính cuộc đời mỗi người chúng ta. Trong cuộc đời, có lúc tôi là một Phero, đã phản bội, đã chối Chúa cách thẳng thừng bằng những lối sống vô luân, bằng những cách sống đạo vụ hình thức, sống giả dối và không dám làm chứng cho sự thật. cũng có lúc tôi là một Giuda đã bán đứng Thầy khi vì đồng tiền, vì địa vị trong cuộc sống, vì sự nghiệp của tương lai, vì bệnh sĩ cứ tái phát thường xuyên, cũng có lúc tôi là một Giacobe, một Gioan muốn xin Thầy được ngồi bên này, ngồi bên kia, chỉ vì muốn thể hiện tài năng, muốn thể hiện cái tôi của bản thân, muốn có một chức tước nên chấp nhận luồn cúi và nịnh hót. Và bao khuôn mặt khác của các môn đệ ẩn hiện trong cuộc đời tôi đã làm cho khuôn mặt của Thầy Chí Thánh bị đánh bầm dập, thân thể Thầy bị lột trần trụi, cánh tay và đôi chân bị những mũi đinh đâm thâu, trái tim Thầy còn bị đâm thủng bởi không thiếu những lúc tôi đã phản bội tình yêu, phản bội lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong đời sống và ơn gọi của mình. Nếu như tuần thánh là những ngày thánh thiêng, thì đó sẽ là những ngày chúng ta ngồi coi lại bộ phim cuộc đời của mình, để thấy những khuôn mặt của những môn đệ đã sống bên Thầy, nhưng vẫn còn THAM – SÂN – SI ẩn hiện trong những biến cố và những hoàn cảnh mà lúc đó tha nhân đang cần đến sự hiện diện của Thầy Giesu, thì chúng ta lại thay vào đó khuôn mặt của chính mình.

Cũng có những lúc khuôn mặt của Philato, của Herode, của hai tên trộm trên đỉnh Canve xuất hiện trong đời sống đạo của mỗi người. khi tha nhân cần đến sự công bằng, cần đến sự đỡ nâng, thì chúng ta đã rửa tay để nói lên sự vô can của mình, khi biết sự thật là vậy, chúng ta đã nhắm mắt để biến trắng thành đen, biến lành thành dữ, biến sáng thành tối, có phải là lúc khuôn mặt của một người tham lam chiếc ghế quyền lực là Philato đang ngự trị trong cuộc đời của mình không ? khi những biến cố đến trong cuộc đời, Thiên Chúa cần chúng ta im lặng để thấy được sự cao cả của Thiên Chúa và để lời cầu nguyện của mỗi người chạm được trái tim tình yêu của Thiên Chúa, thì chúng ta đã phản ứng như Herode, chê bai Thiên Chúa khờ dại. Và có những lúc, người tín hữu Kito khoác lên cho Chúa Kito chiếc áo của lễ nghi, chiếc áo của sự ngoan ngoãn, và nói với mọi người rằng, tôi đang thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nhưng thực ra là đang yêu sách Thiên Chúa thực hiện theo ý tôi. Những biến cố trên chặng đường khổ nạn của Thầy Giesu có những con người âm thầm giúp đỡ, chia sẻ với Ngài như Simon, người đã vác đỡ thập giá cho Ngài. Nếu như tâm tình khiêm hạ và chia sẻ của Simon luôn sống động trong đời người tín hữu, chắc hôm nay thế giới sẽ vơi đi rất nhiều nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt là trong đại dịch Cúm lớn này. Và nếu mỗi người là Veronica sẵn sàng trao cho anh chị em của mình một cái khăn ấm áp tình người trong những lúc hoạn nạn, trong những hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn về vật chất, ắt sẽ làm cho những tảng băng của sự dửng dưng tan chảy, thay vào đó là sự ấm áp của tình liên đới cộng đoàn.

Nhìn ra được những khuôn mặt của những nhân vật trong từng chặng đường thập giá, không phải để chê bai, để kết án họ, để xa lánh họ, nhưng là một bài học giúp bản thân tìm những sự bất toàn, khiếm khuyết trong chính con người và cuộc sống của mình. Từ đó, biết dừng lại ở đỉnh đồi Canve, biết im lặng trong sự thất bại của con người trước những biến cố, những đại dịch, để từ đây, cầu xin lòng nhân từ của Thiên Chúa, kéo tất cả những thói hư tật xấu đó lên thập giá với Ngài.

Bước theo chân Thầy vào thành Gierusalem là lúc chúng ta nhận chịu sự yếu đuối của con người phải cần đến tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Có được tình thương đó, con người cần cố gắng để sửa đổi cuộc đời, sửa đổi những gì chưa hoàn thiện, và chính lúc mỗi người cố gắng làm điều đó là lúc chúng ta đang lau khô khuôn mặt của Thầy Chí Thánh, chính là lúc chúng ta đang làm cho khuôn mặt của Ngài được hiển lộ trong cuộc đời của mình. Và đó có phải là lúc mỗi người đang sống trong mầu nhiệm phục sinh với Con Thiên Chúa làm người không ? Mùa chay đã qua đi, để lại những lời mời đổi thay cuộc sống, và bên cạnh là những hoang mang của đại dịch Cúm, niềm tin của mỗi người lắm lúc bị lung lay, bị hoang mang, thậm chí nghi ngờ có Thiên Chúa hay không trong thế giới này. Giuda tin rằng mình có bán Thầy cho những người tìm bắt Ngài, thì Thầy cũng sẽ tự giải thoát được vì Thầy có quyền năng, nhưng anh ta đã nghĩ sai về Thiên Chúa. Chính suy nghĩ lệch lạc đó, anh ta không dám quay trở lại xin tha thứ, xin sám hối, mà chấp nhận đi vào đêm tối của sự bế tắc và khổ đau.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại với mầu nhiệm giáng sinh, đã sống với, sống cùng và sống cho con người, thế nhưng con người đã khước từ Chúa với một bản án bất công và nhục nhã, xin cho mỗi tín hữu Kito chúng con cảm nghiệm được tình thương đó để chung chia với Chúa qua bản án ngày xưa và cảm thông với những người đang bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy hôm nay, bởi họ là con cái của Chúa. Chúa đã im lặng đón nhận thánh ý Chúa Cha để cho chúng con hôm nay được sống và sống dồi dào, xin cho chúng con cũng biết im lặng những lúc cần thiết, để thánh ý Chúa được sáng tỏ và vinh quang của tình yêu được hiển lộ trong mỗi biến cố, mỗi cuộc đời của người tín hữu con Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây