CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Thứ bảy - 28/03/2020 11:09
Chúa nhật thứ năm Mùa chay mời chúng ta hướng về mầu nhiệm sống lại của Con Thiên Chúa qua câu chuyện của ông Lazaro, người đã chết 4 ngày và đã được Đức Giesu cho sống lại.
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 11, 3-7.17.20-27. 33b-45)

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa".

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

Người xúc động và hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

 

Suy niệm

Chúng ta đang cùng với Giáo hội, tiến về những ngày trọng đại của lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, với đỉnh cao là bản án tử của Đức Giesu, là mầu nhiệm thập giá với màn đêm tang tóc của cái chết, và cũng từ đó, chúng ta sẽ cùng Ngài bước vào mầu nhiệm phục sinh trong uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa. Chúa nhật thứ năm Mùa chay mời chúng ta hướng về mầu nhiệm sống lại của Con Thiên Chúa qua câu chuyện của ông Lazaro, người đã chết 4 ngày và đã được Đức Giesu cho sống lại.

Phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ này mời chúng ta hướng về một niềm vui vượt trội tất cả những niềm vui trần thế, đó là niềm vui được sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa. Lời tiên báo của Ngôn sứ Edekiel về một viễn cảnh huy hoàng của những ai tin vào một Giave Thiên Chúa, họ sẽ được Ngài mở cửa mồ, đưa ra khỏi sự gông cùm của cái chết, được dẫn vào cõi sống vinh quang: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”. Quãng thời gian các Ngôn sứ xuất hiện là những ngày tháng thăng trầm của lịch sử dân Do thái, vì thái độ bất trung với Giave, họ không còn được sống như họ ước mong, mà phải nô lệ cho các dân tộc khác, cũng như không còn đời sống phụng tự để bày tỏ tâm tình thờ phượng Thiên Chúa, do đó, Ngài đã gởi các Ngôn sứ đến để khích lệ, để nhắc nhở, để cảnh báo và để hướng dẫn họ trở về con đường Giave đã hoạch định. Lời Ngôn sứ Edekiel là một minh chứng của tình thương Giave Thiên Chúa dành cho họ khi tương lai không còn hy vọng. Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng tín trung, chậm bất bình và giàu lòng nhân nghĩa. Ngài đã đưa họ ra khỏi cảnh tối tăm, chết chóc, dẫn vào miền ánh sáng và sự sống.

Bài đọc 2 là một lời gợi nhắc của thánh Tông Đồ Phaolo, khi ngài chứng kiến cộng đoàn giáo hội tại Roma đang gặp khủng hoảng về đời sống tâm linh: “Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em”. Dù được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, những tín hữu Kito thành Roma không sống theo tinh thần của tin mừng, nhưng chạy theo những giá trị của thế gian, để bị cuốn vào những sinh hoạt của các thần ngoại. Thánh Phaolo đã nhắc lại cho họ rằng: “nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em”. Người tín hữu Kito là người có Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn, trong cuộc đời, cần nghe theo sự hướng dẫn của Ngài để từng ngày trở nên công chính, trở nên con cái của Thiên Chúa như Ngài ước mong.

Trên hành trình tiến về Gierusalem, Đức Giesu đang tiến đến gần đích điểm của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Tất cả trong chương trình của Thiên Chúa Cha, cũng từ những biến cố này, Đức Giesu mời gọi các Tông Đồ, những người đã và đang sống với, sống cùng Ngài, cố gắng tìm hiểu kế hoạch cứu độ của Chúa Cha qua cuộc đời và những bài giáo huấn của Ngài. Câu chuyện Ngài ghé thăm gia đình Lazaro và cho anh ta sống lại sau khi đã chết được 4 ngày. Qua câu chuyện đó, chúng ta thấy niềm tin của các môn đệ, đại diện là Martha và Maria, có phần nào mong manh và chưa thực sự xác tín. Họ biết Đức Giesu là ai và những bài giáo huấn của Ngài, họ đã từng nghe, thế mà khi nghe tin Ngài đến, họ tìm đến và thưa chuyện với Ngài như một lời trách cứ: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. niềm tin của các phụ nữ đó cách nào chỉ dừng lại bởi họ coi Đức Giesu như một tiên tri, một người con ưu tú của Thiên Chúa, Ngài xin gì cũng sẽ được, do đó, nếu có Ngài ở đó, Ngài sẽ xin Chúa Cha cho em trai họ không phải chết. một niềm tin chưa chính thống, một niềm tin còn đặt nền tảng trên lề luật của truyền thống, bởi vậy, khi Đức Giesu nói rằng, Ngài sẽ cho Lazaro sống lại, họ chỉ nghĩ rằng, ngày sau cùng, khi mọi người được sống lại, em họ sẽ sống. Họ đâu biết rằng, người đang nói chuyện với họ là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Ngay khi Con Thiên Chúa đứng bên cạnh mình, bên ngôi mộ đá lạnh, Con Thiên Chúa một lần nữa đã khơi dậy niềm tin của những người thân khi Ngài đề nghị mở cửa mồ: “Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra”.

Dù tin người bên cạnh là Con Thiên Chúa, Đấng có quyền năng, thế mà khi Ngài yêu cầu mở cửa mồ, mọi người đã lên tiếng, nặng mùi rồi. Nặng mùi của sự ngã lòng, nặng mùi của sự thất vọng, nặng mùi của một niềm tin cạn kiệt, nặng mùi của một đời sống tôn giáo thiếu nền tảng. Tất cả như một bức tranh ảm đạm của một niềm tin thiếu sự chăm sóc và thiếu cố gắng. Đức Giesu đã lên tiếng bảo họ không phải để trấn an, không phải để ra oai quyền lực, nhưng là để họ thức tỉnh trước vinh quang của Thiên Chúa, để từ biến cố này, họ nhận ra Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, vẫn quan tâm và chăm sóc họ mỗi ngày: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. Giữa dòng đời, không thiếu những lúc đức tin của chúng ta cũng bị thử thách như thế bởi niềm tin đó chưa được tôi luyện trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chưa dám chấp nhận tự huỷ để sinh ra một bông lúa mới trĩu hạt. Có thể nói đây là một niềm tin bất động trong nấm mồ, trong tâm hồn đang bị che khuất bởi muôn lề luật và những quan niệm chưa phù hợp với tinh thần của Tin mừng. Từ đây, vinh quang Thiên Chúa một lần nữa được hiển lộ và cũng là cơ hội Đức Giesu giới thiệu về cái chết và sự phục sinh của Ngài với nhân loại.

Hành trình đức tin của người tín hữu Kito hôm nay cũng vậy, dù được thanh tẩy từ bí tích Rửa tội, được gọi là con Thiên Chúa, nhưng thực sự chúng ta đã làm tròn bổn phận người con của Thiên Chúa chưa trong ơn gọi mỗi người và trong hoàn cảnh mình đang hiện diện ? lắm lúc chính những lề luật, những truyền thống đã giới hạn niềm tin trong một phạm vi nhất định hay trong những định kiến thiếu khách quan, để rồi niềm tin đó bị đóng khung, như thế, làm sao chúng ta có thể gặp được một Giesu đang lang thang nơi những người vô gia cư, làm sao chúng ta có thể gặp được một Giesu đang quằn quại với những cơn đau của đại dịch, khi tuổi tác họ đã cao, sức khoẻ đã yếu dần. Ngay cả khi được Mẹ Giáo hội cảm thông với những nghi thức, những bí tích đặc biệt, người tín hữu đến đó để ăn năn thống hối, để cầu xin sự tha thứ từ lòng nhân từ của Thiên Chúa, đến đó để bày tỏ tâm tình trở về của mùa chay, hay chỉ đến đó vì tiện lợi, đến đó vì khỏi bị cha giải tội quấy rầy bởi đã bỏ xưng tội quá lâu, d đến đó để an tâm lỡ có bị lây nhiễm bệnh dịch. Quả là một niềm tin chưa trưởng thành, chưa xác tín và chưa trở nên sống động trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống, dù họ là những người Kito hữu thực thụ.

Đời sống tận hiến cũng còn nhiều khuất tất trong niềm tin nhỏ bé của mỗi thành viên. Sống cộng đoàn là sống tinh thần của Giáo hội, một cộng đoàn gồm những người tội lỗi đang giúp nhau nên thánh, chứ không phải là những đấng thánh, thế mà, những thành viên trong các cộng đoàn luôn coi mình là đấng thánh, và lấy quyền năng của đấng thánh để phán quyết, để định đoạt và để kết án cho người khác. Tham quyền cố vị, mong chức cao quyền trọng vẫn len lỏi vào trong đời sống tận hiến, lắm lúc đã trở thành phản chứng của tin mừng, bởi đó là những người đã được Đức Giesu trao cho trách vụ chính anh chị em sẽ là chứng nhân cho mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, thế mà, thay vì giúp đỡ người bên cạnh được phục sinh, được đóng đinh vào thập giá những tội lỗi, những tật xấu, họ đã cho tha nhân chết chìm trong hố sâu của ganh tị và ích kỷ. Thầy ơi, không vâng lời bề trên là không vâng lời Thầy, nhưng con không thể vâng lời bề trên khi họ thiếu sự quảng đại bao dung, thiếu sự quan tâm và thiếu luôn tình thương. Chắc con phải đợi tới lúc Chúa quang lâm, con mới trở về với Chúa được.

 

Lạy Chúa, chúng con luôn tin rằng Chúa là Cha, là Đấng Cứu Độ chúng con, nay Ngài đang hiện diện nơi mỗi người, mỗi gia đình, trong lòng Giáo hội, giữa lòng nhân loại, xin củng cố niềm tin mong manh của mỗi người trước mỗi biến cố cuộc đời, để chúng con luôn vững niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Chúa đã bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa trong thế giới này qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, để mọi người được cứu độ, xin cho chúng con luôn sống trong niềm hy vọng trước mọi thử thách, bởi Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ để cho con người thất vọng trước tình thương bao la của Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây