CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Thứ bảy - 28/11/2020 08:46
Lời Chúa của ngày Chúa nhật đầu năm phụng vụ, sẽ gợi nhắc cho chúng ta trọng trách lớn lao đang đợi chờ lời đáp trả từ con người. Hãy là những người tỉnh thức để khi ông chủ về, liền ra đón ông và cùng ông vào dự bàn tiệc tình yêu dành cho những ai trung tín, tỉnh thức và luôn sẵn sàng.
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 13, 33-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"

 

Suy niệm

Mùa vọng trở về như một lời mời mỗi tín hữu Kito hãy sống tỉnh thức. Thiên Chúa trao cho mỗi người những nén bạc, những ơn gọi những phương tiện trong cuộc sống, Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài để ơn cứu độ tuôn chảy đến với mọi tâm hồn, với mọi gia đình đó đây trên thế giới. Con người có đủ tỉnh thức để nhận ra lời mời của Ngài hay không, hơn nữa có quảng đại cộng tác với Ngài trong khả năng, hoàn cảnh, để niềm vui tin mừng được lan tỏa tới mọi con người. Phụng vụ Lời Chúa của ngày Chúa nhật đầu năm phụng vụ, sẽ gợi nhắc cho chúng ta trọng trách lớn lao đang đợi chờ lời đáp trả từ con người. Hãy là những người tỉnh thức để khi ông chủ về, liền ra đón ông và cùng ông vào dự bàn tiệc tình yêu dành cho những ai trung tín, tỉnh thức và luôn sẵn sàng.

 

Sau những ngày lưu đày nơi đất khách, dân riêng của Thiên Chúa được trở về quê hương, được sống lại những ngày hạnh phúc với những nghi lễ tạ ơn và tạ lỗi trong đền thờ. Dù được chăm sóc như thế, nhưng họ luôn đi tìm những niềm vui khác từ trần thế, do đó, Thiên Chúa đã để họ sống trong cảnh thiếu thốn, bị nô lệ, phục dịch cho các dân tộc khác. Những ngày đen tối phủ bóng trên mọi lối nẻo cuộc đời của họ, trong lúc hoạn nạn, họ mới thấy tội lỗi của mình, thành tâm sám hối. Các tiên tri đã được gởi đến để nhắc bảo họ thay đổi thái độ sống và tâm tình phải có khi đến với Thiên Chúa. Lời nhắc của tiên tri Isaia vừa là một lời cảnh tỉnh, vừa là một lời động viên, để họ cố gắng, để họ hoán cải cuộc đời, và khi cố gắng như thế, họ sẽ được Thiên Chúa thứ tha: “Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn. Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.”. Từ lời nhắc đó, họ đã sám hối, lời nhắc đó còn hướng về tương lai, hãy ý thức về sự yếu đuối của con người để tìm đến với Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi và mọi biến cố, để được hướng dẫn, để được bảo vệ chở che.

 

Thiên Chúa là đấng tín trung, luôn kiên nhẫn đợi chờ và rất mực bao dung. Nếu con người luôn ý thức về thân phận mình và gắn bó với Ngài, Ngài không bao giờ để con người thất vọng, và con người không bao giờ cô đơn. Tâm tình chia sẻ cảm nghiệm từ cuộc sống của bản thân, được thánh Phaolo viết trong thư gởi giáo đoàn Corintho, thánh nhân đã bộc bạch niềm vui khi sống trong tâm tình tỉnh thức đón Chúa đến, và cũng là lúc bổn phận, trách nhiệm được chu toàn cách viên mãn: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Tỉnh thức ắt sẽ gặp được Ngài, Đấng Cứu Độ nhân loại, Ngài đến đem tin vui và ơn hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Và hôm nay, Mẹ Giáo hội nối dài tâm tình của thánh Phaolo cũng mời gọi con cái hãy sám hối, hãy tỉnh thức để được sống trong niềm vui cứu độ của Thiên Chúa.

 

Câu chuyện ông chủ đi xa, trao nhà cửa, của cải lại cho các đầy tớ, nhờ họ giúp trông coi, để lúc ông trở về, mọi thứ vẫn luôn tốt đẹp, mọi của cải vẫn an toàn, và có thể sinh lợi, khi những người đầy tớ khôn ngoan biết ý chủ để thực hiện. Ông đi vắng, nhà trống, các đầy tớ được làm chủ tạm thời, họ chỉ được quản lý chứ không được sở hữu, chỉ giúp trông coi chứ không được tùy tiện sử dụng hay trao đổi mua bán. Đó là tâm ý của ông chủ, không biết các đầy tớ có hiểu được tâm ý đó không, để sống đúng với trách vụ của họ: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ”. Điều quan trọng nhất các đầy tớ phải nhớ là giờ ông trở về, ông không cho họ biết chính xác lúc nào trở về, chỉ biết khi xong việc, ông chắc chắn sẽ trở về lại ngôi nhà của ông. Vì thế, các đầy tớ cần tỉnh thức, tỉnh thức để trông coi tài sản của ông chủ, tỉnh thức để làm việc, giúp vườn nhà ông gọn gàng và xinh đẹp hơn, tỉnh thức để mọi tài sản không bị thất thoát vì trộm cắp hay bị tráo đổi, tỉnh thức để có chiếc đèn sáng, hầu khi ông về là mở cửa cho ông vào. Giờ ông chủ trở về như là một thử thách cho các đầy tớ, họ không thể đoán được lúc nào, giờ nào và canh nào trong đêm, tỉnh thức để làm việc thì vất vả, thả lỏng để rong chơi có thể rơi vào chỗ thất sủng khi ông về bất ngờ, biết chọn lựa phương cách nào tốt nhất cho mình lúc này và hiện tại. Mối trăn trở lớn nhất của các đầy tớ là thế.

 

Con người hôm nay có xu hướng nghĩ rằng ngôi nhà thế giới này được Thiên Chúa trao cho để làm chủ, để sở hữu, mà quên đi rằng, họ chỉ là những người đầy tớ, những người quản lý tài sản, nhà cửa cho Ngài thôi. Chính vì suy nghĩ và có những tính toán như thế, họ đã biến ngôi nhà thế giới này như một công cụ để thỏa mãn mọi tính toán, mọi tham vọng của con người. họ đã biến ngôi nhà trái đất thành một nghĩa trang của sự bất công, thành những sa mạc của sự ích kỷ, thành những ao hồ của lòng tham, từ đó, ngôi nhà trái đất đang thay đổi diện mạo thành những nấm mồ chôn tha nhân, đặc biệt là những người nghèo, những người cùng khổ của xã hội. Bên cạnh đó, nhân loại còn được ông chủ trao cho trách nhiệm quản lý sự sống của con người, của tha nhân, vậy mà họ cứ lầm tưởng rằng, nay con người có thể thay Thiên Chúa, định đoạt sự sống cho tha nhân, khởi đầu sự sống và kết thúc, đều nằm trong tính toán của con người. với những quan niệm vô cùng nghịch lý như thế, con người đang ngụp lặn trong sự tự mãn, trong những thành công của cuộc sống, từ khoa học cho đến mọi khía cạnh khác, ngay cả đời sống tôn giáo, họ vẫn tự mãn cho rằng, con người giải mã được thế giới thần thánh, trong đó có Thiên Chúa. Sống trong một thế giới được coi là thành công mọi mặt, làm sao con người còn nhớ đến một Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất và vũ trụ, đã tạo dựng mọi thứ cỏ cây, mọi chim trời cá biển và sau cùng tạo dựng nên con người. Họ đã đánh mất cảm thức về tội, để rồi cho rằng mọi thành tựu của con người đều do lao động mà có, chứ không đến từ những món quà do Thượng đế. Đó là cái tội lớn nhất của con người hôm nay, mất cảm thức về tội lỗi.

 

Mùa vọng là thời gian đặc biệt cho một năm phụng vụ mới, để mỗi người tìm lại chính mình, tìm lại trách vụ của mình là gì trước mặt Thiên Chúa. Do đó, sống ơn gọi nào, người tín hữu Kito đều phải ý thức mình chỉ là người quản lý, người đầy tớ được ông chủ trao lại nhà cửa, của cải và mọi thứ, để con người trông coi, chăm sóc và bảo vệ, chứ con người không được sở hữu, không được chiếm đoạt của Thiên Chúa. Dù đó là đời sống gia đình, dù đó là ơn gọi dâng hiến, ai ai cũng đều được cộng tác với Thiên Chúa, để làm cho ngôi nhà thế giới được xinh đẹp hơn, đầy sức sống hơn, xứng đáng là ngôi nhà của mọi dân tộc, chứ đừng biến nó thành chốn hoang vu, thành nơi lạnh lẽo. Tiếc rằng tâm tình đó chỉ chợt đến rồi chợt đi, ít khi được ở lại trong suy nghĩ và trong đời phục vụ của mọi tín hữu, do đó, họ vẫn cần những lời nhắc tỉnh thức, vẫn cần những lời động viên, để làm mới cuộc đời, bắt đầu trở lại với trọng trách của người quản lý, của người đầy tớ được ông chú tín nhiệm trao phó tất cả cho trông coi.

 

Lạy Chúa, vì yêu con người, Chúa đã trao cho con người quản lý sự sống, quản lý thế giới này, để làm cho ngôi nhà của nhân loại ngày một ấm áp tình trời và tình người. xin cho chúng con luôn ý thức ơn gọi cao quý của mình, để tỉnh thức làm việc và biết trông coi tài sản của Chúa cách trọn vẹn, hầu khi Ngài trở lại luôn thấy chúng con đang tỉnh thức đón Ngài với chiếc đèn cuộc đời luôn cháy sáng và đầy dầu. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây