LANG THANG

Chủ nhật - 01/09/2019 04:51
LTS: Anh Đậu Quang Đại là một người con trong giáo xứ và gia đình CVK Châu sơn, đã sinh sống và làm việc ở Mỹ gần 45 năm. Nay đã đến tuổi nghỉ hưu, thi thoảng anh về lại quê hương thăm người thân bạn bè. BBT xin giới thiệu đến độc giả gần xa đôi dòng cảm nhận anh ghi lại trong chuyến đi về với CVK vừa qua.
LANG THANG

Tháng ba năm nay, tôi bay qua Cali thăm người bạn mới từ Việt Nam sang định cư tại Mỹ với hai cậu con. Lúc này chưa đi cày lại và như thuyền không bến, hứng đâu đi đó, nên chuyến đi này cũng không được sắp đặt trước trong chương trình. Hành lý chỉ vỏn vẹn cái ba lô (backpack) với ít bộ đồ cần thiết. Mặc dù tôi không có đôi mắt xanh hay cái mũi lõ nhưng với cái ba lô nặng trĩu trên vai khắp bốn vùng chiến thuật, tôi cũng hiên ngang chẳng khác gì một anh Tây Ba-lô!

Trời Cali lúc này vào tháng ba thì còn lạnh đối với dân địa phương còn với tôi, sau bao năm sống vùng đông bắc Mỹ, thì “no star where( Nôm na là “”không sao đâu” tg) và rất dễ chịu. Thấy họ co ro trong nhiều lớp áo dày cộm làm tôi chợt nhớ tới bao mùa đông lạnh lẽo của vùng Đông Bắc nước Mỹ. Nhiều lúc nhìn ra cửa sổ tuyết rơi trắng xoá, bên trong ánh lửa của lò sưởi chợp chờn nhảy múa trên tường mà tưởng mình đang sống trong một cơn mơ.

Ảo tưởng hoà chung với thực tại vì quá khứ và hiện tại của tôi như trời với đất.  Thủa thiếu thời, tôi là một cậu bé dắt bò ra đồng trong những ngày hè cao nguyên oi bức mà giờ đây nhìn ra cửa sổ lại đầy tuyết trắng! Thật khó lường được! Ấn tượng này hay đến với tôi khi ngồi trong thánh đường nghe thánh ca chợt nhìn chung quanh thấy toàn mắt xanh mũi lõ tỉnh lại mới biết mình đang sống với hiện tại. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều người bỏ xứ ra đi vội vả không lời từ giã như tôi đều trải qua những giây phút mơ hồ như thế!

Nhưng qua bao mùa đông băng giá, vào cuối tháng ba, tất cả, kể cả thế giới động vật, đều biết mùa đông sắp qua và mùa xuân sắp tới. Giun dế, chim chóc bắt đầu xuất đầu lộ diện và đặc biệt khi thấy các chú chim ro-bin xuất hiện, thì rõxuân sắp về.

Vào mùa đông, các loài chim này biến về các vùng phía nam ấm áp và trở về khi biết mùa xuân sắp tới. Có ở vùng lạnh lẽo thì mới biết cái quí hoá của mùa xuân. Hồi còn thiếu thời, thầy cô dạy bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, nhưng khi qua tới đất Mỹ và sống ở vùng lạnh thì mới thấy bốn mùa rõ rệt. Mùa thu chuyển mình, cây cối trút lá, mùa đông tới, cây cối co ro, mùa xuân đến, cây cối nổi mầm và không khí đổi hắn.

Hôm nay, mùa xuân đang về đâu đây! (Spring is in the air!).

Những ngày sống tại miền Nam Cali, ngoài việc đưa mấy đứa con người bạn tới trường vào buổi sáng, tôi tha thẩn tới quán cà phê với anh em và bạn bè tại vùng Westminster. Thực ra, tôi đâu phải là dân uống cà phê nhà nghề mà là dân a-ma-tơ (social drinker), lâu lâu mới đánh một ly. Còn nếu uống nhiều thì tối nằm nhìn lên trần mà trớ mắt đếm dê, đếm cừu! Những người như tôi không có cà phê thì không sao sốt, còn dân ghiền thì ngáp lên ngáp xuống. Tôi thường hay đùa với mấy người bạn ở sở là nếu có cấm vận cà phê thì thế chiến thứ ba sẽ bùng nổ và bọn chúng phải tình nguyện đi đánh giặc để giải toả còn tôi được ngồi nhà mà rung đùi!

Thời gian ngắn lang thang tại Westminster chẳng khác gì đang sinh sống tại một thành phố Việt Nam. Tất cả cửa hàng và văn phòng đều được treo bảng hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các dịch vụ cũng đều có người Việt hướng dẫn. Đi đâu cũng thấy đầu đen, đầu nâu cũng khó kiếm còn cái đầu vàng o-ri-din lại càng hiếm hoi.

Tôi nhấn mạnh chữ o-ri-din vì thực ra lúc này đi đâu cũng thấy tóc vàng cả, tại Mỹ cũng như các nước Á Châu, đi sau thì thấy tóc vàng nhưng khi đi tới trước thì mắt nâu mũi tẹt hay da đen!

Tôi chọc mấy người bạn ở Westminster khi hỏi họ xem người Việt đưa chuyện gì xấu xa đến mà người Mỹ da trắng phải bỏ chạy hết, chỉ còn lác đác vài anh Mễ! Có lẽ sống quen nên họ cảm thấy đó là chuyện bình thường còn tôi là một du khách lâu lâu mới qua Cali lại cảm thấy là lạ.

Bên Mỹ ở các thành phố lớn thường có những khu dân cư từ các nước sống tụ tập với nhau và mang tên xứ sở của họ. Thí dụ như Little Italy, khu của Ba Lan, Nga…Little Saigon, chuyện ấy rất bình thường. Nhưng trong thành phố Westminster, lại có một con đường được đặt tên của vua Quang Trung làm tôi cảm thấy hơi có một sự lố lăng sao ấy!

Mình là dân tị nạn được cưu mang, che chở bởi một nước khác mà đưa một tên của vị Vua nước mình đặt tên cho một con đường nước họ. Vua Quang Trung là một vị vua đáng sùng kính đối với dân VN còn đối với nước Mỹ ông là gì? Tôi tự hỏi khi một người Mỹ nhìn thấy vậy họ nghĩ thế nào. Mặc dù thấy hơi quá lố nhưng tôi cũng không thấy dư luận gì của dân bản xứ. Có lẽ nước Mỹ quá dễ dãi và cưu mang chăng?

Ở Cali, sau Tết giá vé máy bay về VN thường được hạ xuống, nhiều khi chỉ còn nữa giá. Vì giá quá rẻ nên tôi nổi hứng về VN nghỉ nóng ít tuần! Trên đường về VN, tôi cũng muốn ghé thăm một người bạn đồng nghiệp ở Nhật tại thành phố Akashi, kế cận với thành phố Kobe. Cách đây hai mươi năm trước, hãng gửi tôi qua làm việc tại thành phố Kobe hai tháng. Anh ấy và tôi làm cùng một nhóm. Làm việc chung với nhau hàng ngày nếu không đấm đá nhau thì riết rồi cũng thành thân thiện.
 

t2

Akashi nằm ven biển phía Tây-Nam của Kobe, cùng một tỉnh (Prefecture) với Kobe, Himeji… Akashi là một thành phố nhỏ cỡ ba trăm nghìn người nhưng rất dễ thương vì nó không lớn quá và cũng không nhỏ quá. Thành phố có đầy đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng nhưng không đỗi quá sầm uất như những thành phố lớn khác ở Nhật. Từ Akashi đi Kobe mất cỡ 15 phút bằng xe lửa.

Đặc biệt ông thị trưởng ở đây đã đưa ra một chương trình nâng đỡ các gia đình có trẻ sơ sinh với bảo hiểm y tế miễn phí nên có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ tới lập nghiệp và sinh con cái ở đây. Nước Nhật từ những thập niên gần đây và hiện tại đang bị khủng hoảng dân số vì nạn thiếu sinh sản. Dân số trẻ thiếu hụt trầm trọng mà dân số lớn tuổi càng năm càng gia tăng.
 

t1


Akashi có một món đặc sản là bạch tuộc (Akashiyaki) rất nổi tiếng của vùng Kansai. Dân địa phương giải thích cho tôi biết là ở cửa biển có các dòng nước xiết từ biển vào mà các chú bạch tuột phải đương đầu nên các râu ria của chúng rất vạm vỡ và chắc nên ăn rất ngon và giòn. Bạch tuộc con được hoà với bột, trứng và nước sau đó được bỏ vào cái kẹp úp lại và nướng lên, khi lấy ra thì có hình quả bóng nhỏ màu vàng, bên trong nhân là chú bạch tuộc, được dọn lên thớt và chấm với nước sốt (sauce) mằn mặn. Nếu đi mấy quán bình dân thì cở 500 yen (4.7 $US, 110,000 đồng VN) một chục. Akashi cũng rất nổi tiếng về các loại hải sản khác tuỳ từng mùa.
 

t4
t3


Ngoài ra, cầu treo của Akashi là một cây cầu dài nhất thế giới mấy năm trước. Nhưng bây giờ một cây cầu Trung Quốc đã chiếm giải. Hình như chiều dài giữa hai cột vẫn dài nhất thế giới. Cầu nối Akashi với đảo Awaji.

Sau vài ngày dạo chơi tại thành phố Akashi anh bạn rủ tôi lên Kobe chơi. Tôi đồng ý ngay, có dân thổ địa dẫn đi chơi thì tuyệt vì anh ta biết các hang cùng ngỏ hẻm của Kobe. Từ nhà tới bến xe lửa của Akashi mất chừng mười phút bằng xe Bus. Mặc dầu đã cuối tháng ba, ban đêm cũng còn lành lạnh. Ở đây mùa đông không có tuyết nhưng gần biển nên lạnh gió. Nhưng cái lạnh của cuối mùa đông khi xuân đang chuyển mình đối với tôi không gì đáng ngại.

Xuống trạm xe Bus cuối, anh nói với tôi:

- Mình đi lại bên đây mua vé xe lửa.

Tôi hỏi anh tại sao không mua vé tại các máy bán vé tự động tại bến mà phải đi nơi khác xa hơn. Anh giải thích cho tôi biết có những tiệm bán vé với giá rẻ hơn so với vé chính thức. Đây cũng là lợi thế khi đi chơi với dân thổ địa!
 

t5

Những quầy vé này thường nằm ngoài ga và bán vé của các hãng xe khác nhau nhưng họ có quyền bán vé rẻ hơn so với vé mua tại bến. Theo tôi, đó là một cách rất đẹp để giảm bớt đám đông sắp hàng trước máy bán vé tự động làm ứ đọng và rối loạn cho khu vực ra vào sân ga (platform). Vì thế, giảm vé giá là cách để khuyến khích một số hành khách mua vé ở một nơi khác và khi tới cửa chỉ bỏ vé vào cửa tự động để lên sân ga. Giá vé một chiều từ Akashi tới Sannomya Station của thành phố Kobe là 390 yen (3.6 $US, 84,000 Đồng VN). Sau khi mua vé xong xuôi, trở lại bến xe lửa, anh ta nói:

-Mình có ít thời giờ, bạn có hút thuốc không cùng đi với tôi làm một điếu và sau đó vệ sinh cá nhân luôn trước khi lên xe?

-Tôi cười xoà và đáp lại một cách tinh nghịch:

-Cám ơn, tôi đã bỏ hút lâu rồi và bây giờ chỉ còn chích thôi!

Một tiếng cười dòn dã vang lên giữa đám đông đang tiến về các cửa vào xe lửa.

Lúc này ở Nhật, nơi công cộng, không phải muốn đốt nhang đâu là đốt. Chỉ được đốt nhang lên nơi nào có đồ gạt tàn thuốc hoặc những khu vực chỉ định được quyền hút thuốc (Smoking Designated Area).

Xong xuôi, chúng tôi lên xe. Vì không phải giờ cao điểm nên rất thoải mái không bị chen chúc như lúc tan sở. Vào giờ cao điểm ở những thành phố lớn như Tokyo, khi vào xe lửa hoặc xe Metro, nhiều khi sẽ bị nhét như cá mòi và khi đến giờ xe chạy mà còn nửa trong nửa ngoài cửa thì sẽ bị đẩy vào toa để xe khởi hành đúng thời khoá biểu.

Mặc dù vậy, khi lên xe, hành khách không ai nói chuyện điện thoại hoặc nghe nhạc inh ỏi, thường chỉ nhắm mắt ngủ hay đi vào thế giới riêng tư của mình. Nhưng khi tới trạm của mình họ tự động thức dậy một cách lạ lùng để xuống. Viết tới đây, tôi sực nhớ chỉ vài tuần trước khi đi xe bus từ LA lên San Jose của hãng xe đò VN, các cô, các bà mang phone ra inh ỏi với con cháu rất buồn cười, từ chuyện mèo chó cho tới chuyện riêng tư đều được loan báo hết cho hành khách trên xe. Sau một tiếng đồng hồ mới có tiếng ngáy!

Một điều khác mà tôi nhận thấy là lúc này trên các xe lửa tại Nhật đều có những toa chỉ dành riêng cho phái nữ. Các ông không được lãng vãng tới các toa này. Nếu ngoan cố coi chừng bị đạp xuống gẫy cả răng! Hồi tôi qua làm ở đây thì không có vậy. Đã có nhiều kẻ lợi dụng đông đúc, cố ý hay vô ý, bóp bậy bạ nên mới có chuyện này!

Sau khi xe xuống tại nhà ga Sannomya Station của Kobe, anh bạn gợi ý dừng lại quán cà phê giải lao trước khi tiếp tục hành trình. Tôi đồng ý.  Thế nhưng chỉ một giây sau, khi rờ túi sau, anh hoảng hốt:

-Chết mẹ rồi, tôi bị rớt cái bóp!

Anh ta tỏ vẻ lo âu rõ rệt, bao nhiêu giấy tờ, thẻ tín dụng, tiền mặt đều nằm ở trong bóp. Hai người bắt đầu xét lại hành trình, từ khi rời Akashi cho tới lúc đến Kobe. Chỉ có hai nơi đáng nghi ngờ thôi: nhà vệ sinh tại bến xe Akashi và trên chuyến xe lửa.

Tôi nói với anh ta là không thể xảy ra trên xe lửa vì anh ta ngồi bất động. Nếu có rơi trên ghế ngồi thì đã có hành khách kế bên báo cho anh biết. Hai người cùng đoán là bóp đã bị để lại trong nhà vệ sinh tại Akashi.

Nhưng nếu xui mà bóp rớt xuống sàn xe lửa trong xó nào đó thì xe sẽ chạy tới Kyoto và sẽ lôi thôi vì quá xa. Anh ta nghĩ là đã móc bóp ra để trên kệ nhà vệ sinh và quên tại đó. Anh nói với tôi một cách rầu rĩ:

-Trời đất ơi, bà xã la tôi hoài vì tôi hay để bóp túi sau, bà cứ nhắc tôi là không được bỏ bóp túi sau vậy mà tôi lại còn làm như vậy. Về chắc phải đưa đít vô trước!

Tôi cười thầm vì thấy đàn ông đều được đúc từ một khuôn. Giờ phút này không lo nghĩ tới chuyện mất giấy tờ mà lại nghĩ tới chuyện bị vợ hành!

Anh ta xin lỗi rối rít khi chúng tôi quyết định lên xe lửa quay lại Akashi để tìm cái bóp. Tôi thấy anh lo âu nên đi chơi tiếp cũng chẳng vui vẻ gì nên tán thành ý kiến này. Từ lâu nay tin tức phổ thông cho biết là nếu bị mất đồ cá nhân ở Nhật thì cơ hội để tìm lại nó tốt hơn ở nhiều nơi khác. Nhưng lần này tôi là chứng nhân trong cuộc để xem kết quả sẽ như thế nào.

Bước xuống cửa của chuyến xe trở lại Akashi, chúng tôi vội tiến về văn phòng soát vé của bến tàu. Anh ta thất vọng khi anh nhân viên trong bộ đồng phục của hãng xe JR (Japan Railway) cho biết là chưa có ai đưa tới. Sau đó, chúng tôi tới nhà vệ sinh và cửa tiệm sát bên để tìm cũng không thấy.  Cô bạn hàng khuyên anh nên tới văn phòng an ninh của siêu thị ở một góc phía đối diện. Chúng vội vã tới văn phòng an ninh. Đây là nơi cuối cùng và cũng là hy vọng cuối cùng trong chuyến trở về Akashi mặc dù chúng tôi tự an ủi nhau nếu không có thì điện thoại sẽ có tiếng chuông reo bất cứ lúc nào.

Điện thoại vẫn im!

Lúc này, tôi thấy sự thất vọng bắt đầu hiện ra rất rõ rệt trên khuôn mặt dày dặn của anh ta.

Qua nghi thức chào hỏi ngắn gọn với nhân viên an ninh, anh ta trình bày việc mất cái bóp và nghĩ là mình đã để lại trong nhà vệ sinh. Anh nhân viên cho biết là có người đã mang lại một cái bóp tại văn phòng.

Anh bạn tôi ôm ngực thốt ra:

-Tim tôi sắp nhảy ra khỏi lồng ngực!

Sau khi điều tra qua để chứng minh anh bạn tôi là người may mắn bỏ quên cái bóp trong phòng vệ sinh, anh nhân viên mở ngăn kéo và rút ra một cái bóp dài màu xanh lá cây từ một túi nylon sạch sẽ. Anh bạn tôi đưa hai bàn tay lại ôm lấy ngực và trút ra một hơi thở thật dài và kèm theo một câu bằng tiếng Nhật mà tôi cũng thầm hiểu được là gì.

Anh quay lại phía tôi và dặn tôi không được nói chuyện này với bà xã anh. Tôi thề hứa là cho tới phút cuối của cuộc đời khi cái thân tàn được đưa xuống lỗ sẽ không nói với ai trong gia đình anh! Tôi cũng ranh đấy chớ, giờ đây chỉ nhấn cái “send” thì câu chuyện này sẽ đi tới hành tinh khác và tất cả mọi người sẽ biết ngoại trừ bà xã của anh!

Anh quay lại và, không nói không rằng, hai đứa tôi vỗ tay (high-five) nhau một tiếng thật lớn.  Hai thằng già trong cơn vui chẳng khác như hai đứa trẻ.  Rời văn phòng hai đứa tôi ghé vào tiệm tạp hoá Seven-Eleven, mua mấy lon bia, vài lon sa-kê và một ít mồi rồi ghé vào công viên thành phố.

Trong công viên thành phố Akashi hôm ấy, Hoa Anh Đào nở rực vì đúng lúc cao điểm của mùa hoa và trên một ghế dài công viên, nếu du khách để ý, sẽ thấy hai người đàn ông ngồi nhâm nhi rượu bia và nói cười vui vẻ. Nhưng trên nét mặt của một người trẻ hơn, có một vẻ đăm chiêu sau những tiếng cười rộn rã.
 

t6


Anh ta tự hỏi nếu câu chuyện này xảy ra tại Việt Nam thì kết quả của nó như thế nào?. Trong cái bâng khuâng ấy, chàng ta nuôi một hy vọng. Một ngày nào đó, anh sẽ không được nghe những mẫu chuyện như chuyện một chiếc xe chở bia bị lật tung toé mà khách bộ hành đua nhau tới lượm dùm cho mình để anh tài phải năn nỉ và lạy lục trong cơn khốn cùng.

Nhìn những chùm hoa lung lay trong gió xuân. Anh tự  hỏi thầm: “Khi nào, khi nào ta mới được thế này?”

Akashi, Japan cuối tháng ba năm 2019 TM
 

t7
t9

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây